Ngày 12.11.2011
Lời dẫn: Trong cơn hốt hoảng vì làn sóng dân chủ dâng cao như thủy triều ở mọi nơi, đảng cộng sản VN đã có những hành động rất thiếu thông minh. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của anh Đà Giang, với tựa đề "Sợ quá hóa đần", qua sự trình bày của chị Vân Khanh.
Với trào lưu dân chủ đang thịnh hành trên thế giới, các chế độ độc tài mang tên nhân dân & xã hội chủ nghĩa liên tiếp bị dân chúng lật đổ. Vào đầu thập niên 90, trước tiên là Liên Bang các Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết (Union of Socialist Soviet Republics), gọi tắt là Liên Bang Xô Viết. Tiếp theo, các chế độ cộng sản khác tại Đông Âu cũng nhanh chóng cáo chung.
Từ đó, một nỗi lo sợ lớn lao gieo vào tâm thức của giới lãnh đạo CSVN. Thế nên vào năm 1992, dưới sự lãnh đạo của Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh, họ đã quyết định duy trì điều 4 hiến pháp năm 1980. Nếu điều 4 hiến pháp năm 1980 khẳng định "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất, lãnh đạo nhà nước và xã hội", thì điều 4 hiến pháp năm 1992 chỉ bỏ đi từ : "duy nhất" trong điều khoản này.
Ðiều 4 trong cả hai trường hợp, đều minh thị quy định quyền lãnh đạo chính trị vĩnh viễn và vô điều kiện của đảng CSVN, đứng lên trên và ngoài luật pháp.
Đây là một quyết định vội vàng và thiếu sáng suốt. Lý do, điều 6 hiến pháp đã không bảo vệ được đảng CS Liên Xô, thì làm sao điều 4 hiến pháp có thể cứu được đảng CSVN. Hơn nữa, CSVN đã cầm quyền suốt nhiều thập niên, không cần đến điều 4, mà chính là quân đội và mạng lưới công an mật vụ mới là những yếu tố quyết định. Hiến định hóa điều 4 năm 1980 cũng như việc giử lại điều khoản này vào năm 1992, vô hình trung biến nó thành một tử huyệt của đảng, để các thế lực dân chủ tập trung vào tấn công chế độ này hữu hiệu hơn.
Có thể nói rằng, mỗi lần giới lãnh đạo CSVN cảm thấy lo sợ tột cùng, là họ lại có những phản ứng thiếu suy nghĩ.
Năm 2009, khi trào lưu dân chủ lên cao và cao trào bất đồng chính kiến trong nước trờ nên thịnh hành, đảng CSVN lại sửa đổi và bổ sung chương XI của Bộ Luật Hình Sự. Chương này chuyên đề về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Trong các tội hình sự quy định, có những tội hình sự mà không một luật gia nào ở các nước dân chủ có thể hiểu nổi, chẳng hạn:
Điều 79: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Điều 84: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.
Điều 88: Tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Điều 91: Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Tất cả những điều luật trên, được hiểu như là những công cụ dùng để đàn áp các nhà tranh đấu cho dân chủ, và chỉ làm trò cười cho thế giới xem mà thôi. Ở một xã hội luật rừng, CSVN không cần luật nào cả mà vẫn có thể sử dụng công an trấn áp người dân một cách hiệu năng.
Rồi đây các chế độ độc tài sẽ lần lượt cáo chung. Hãy xem ,nỗi sợ hãi của CSVN càng gia tăng, thì phản ứng của họ lại càng trở nên lố bịch.
Ví dụ điển hình nhất, chỉ 3 ngày, sau khi chế độ " Nhân Dân Á Rập Libya Đại Xã Hội Chủ Nghĩa" cáo chung và lãnh tụ Gaddafi bị hành quyết đương trường, thì Ðại tá - Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, trong một bài xã luận, được trang trọng đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân, số ra ngày 23/10/2011,có tựa đề: "Ðừng nhầm lẫn từ 'nhân dân' trong hiến pháp", đã viết một câu xanh rờn như sau:
"Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước, trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định. Nhân dân là chủ thể quyền lực của một chế độ xã hội nhất định. Nhân dân luôn mang tính cộng đồng dân tộc, song cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc."
Như vậy, theo ý ông Quang, dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhân dân không có nghĩa là toàn dân như tại các quốc gia dân chủ khác, mà nhân dân có nghĩa là "một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho quốc gia". Hay nói thẳng ra, nhân dân trong hiến pháp phải được hiểu chính là đảng CSVN. Tương tự, như chế độ Nhân Dân Á Rập Libya Đại Xã Hội Chủ Nghĩa gồm có 2,700 ủy ban nhân dân địa phương, nhưng nhân dân thực sự không có quyền gì cả.
Nhiều bình luận gia cho rằng, bài viết trên của Đại tá Quang là những phát biểu "lỡ lời" của một viên chức cao cấp trong đảng, vô hình trung tố cáo tính giả trá của chế độ. Lập luận này có thể chấp nhận. Tuy nhiên, khi duyệt lại toàn bộ các phản ứng của CSVN trước tình hình thế giới hiên nay, chúng ta có thể kết luận rằng chế độ này đang thật sự hoảng sợ.
Ðảng CSVN không có khả năng điều hành quốc gia và phát triển kinh tế, nhưng lại rất chuyên nghiệp trong việc cướp chính quyền và duy trì quyền lực bằng công an mật vụ. Với khả năng chuyên nghiệp này, CSVN đã nhìn thấy hiểm họa diệt vong đang gần kề, họ biết là không còn kiểm soát được mạng lưới tin học hay bưng bít các biến cố lịch sử. Đây là thời điểm duy nhất kể từ ngày thành lập đảng, chế độ CSVN cảm thấy bất lực. Bởi vì quá sợ hãi, nên giới lãnh đạo CSVN mới có những phát biểu, hay tuyên bố "sảng", như bài xã luận của Đại tá Quang vừa rồi. Cũng như cách đây vài năm, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trịnh trọng ra chỉ thị cho các cơ quan hữu trách áp dụng sách lược "dĩ bất biến, ứng vạn biến", như là quốc sách "cười ra nước mắt" trước hành động xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc. Ðúng là sợ quá hoá đần!
Đà Giang
3/11/2011
No comments:
Post a Comment