Ngày 03.10.2011
HS: Ông tổ Karl Marx của cộng sản có câu nỏi để đời là "ở đâu có áp bức,ở đó có đấu tranh". Và tình trạng áp bức ở Việt Nam và Trung Quốc thì đã lên đến mức báo động, với hàng loạt các vụ biểu tình xuống đường. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Cuộc cách mạng tri thức" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong vài tuần qua, tại VN đã diễn ra hàng loạt các vụ xuống đường bạo loạn của người dân để phản đối các dự án và nhà máy gây ô nhiễm môi trường sinh sống của họ.
Tại xã Hòa Liên ở tỉnh Quảng Nam, vào đầu tháng 9, hàng ngàn người dân đã kéo đến bao vây và đập phá trụ sở công ty Trung Nam sau khi công ty này cho côn đồ đến đâm chém một người dân đã tham gia vụ ngăn chận các chiếc xe tải chở đất đá cho công trường xây dựng khu nghỉ mát Golden Hills. Vài ngày sau đó, thừa thắng xông lên, họ kéo nhau vào thành phố Đà Nẵng để bao vây tư gia ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, để yêu cầu giải quyết vụ cưỡng đoạt ruộng đất nhưng đền bù với giá thấp.
Đến ngày 16/9 thì hàng chục phụ nữ ở xã Tam Hải đổ bộ lên các chiếc xáng để ngăn cản việc nạo vét cảng Kỳ Hà, cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, vì lo sợ nhà cửa của họ bị sạt lở. Một cuộc xô xát diễn ra khiến 3 người dân bị thương và 21 người khác bị công an bắt giữ. Qua hôm sau, thứ Bảy 17/9, thì tại thành phố Uông Bí thuộc tỉnh Quảng Ninh, hàng ngàn người dân của xã Phương Nam đã kéo đến lập trại trước cổng nhà máy xi măng Lam Thạch 2 để phản đối khói bụi bao trùm cả xã.
Và đến tối thứ Bảy thì một cuộc bạo loạn khác lại diễn ra trên quốc lộ 4E thuộc tỉnh Lào Cai khi người dân hai xã Gia Phú và Sơn Hải kéo nhau ra đường để chận đoàn xe chở quặng kim loại. Xung đột đã diễn ra khi chủ nhân đoàn xe chở quặng rút súng bắn chỉ thiên và nện báng súng vào đầu một thanh niên. Người dân đã rượt đánh tay chủ nhân hung bạo và đốt chiếc hơi của y ta.
Các biến cố này cho thấy, người dân đã không thể chịu đựng được nữa trước sự thờ ơ và bất lực của các cấp chính quyền, nếu không muốn là toa rập và nhận tiền hối lộ của các công ty và tập đoàn để làm ngơ cho những hành động đó. "Tức nước thì vỡ bờ", đó là qui luật tất yếu. Khi các cấp chính quyền không thể mang lại công lý thì người dân phải tự đứng lên để thực thi chuyện đó.
Điều đáng nói là, tương tự như các vụ xuống đường bạo loạn ở Trung Quốc, giới báo chí VN cũng chỉ loan tin sơ sài về những vụ này, theo đúng chỉ thị bưng bít thông tin của nhà nước VN. Thậm chí một số tờ báo còn bẻ cong sự thật để trút tội cho người dân thấp cổ bé miệng là đã gây ra những vụ bạo loạn. Họ quên rằng, trong kỷ nguyên thông tin này, không ai có thể "lấy thúng úp voi" với hàng ngàn nhân chứng có mặt trong các cuộc bạo loạn đó. Người dân cũng không nghèo khổ đến độ không có được điện thoại hay máy quay phim để thu toàn bộ những cảnh tượng mang tính chất cường hào ác bá đó.
Điều đáng tiếc là trong khi người dân Trung Quốc đạt được một số chiến thắng đáng kể, với hai nhà máy tại hải cảng Đại Liên phải đóng cửa sau những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng chục ngàn người, thì các cuộc xuống đường chống ô nhiễm môi trường của những người dân Việt chưa đạt được một kết quả gì rõ rệt, ngoài những lời hứa hẹn của giới quan chức và các công ty.
Tại sao có chuyện trái ngược như vậy, trong khi cả hai nước đều có quá nhiều điểm tương đồng, từ chế độ cho đến cung cách làm ăn chụp giựt trong nền kinh tế?
Câu trả lời là Trung Quốc mở cửa kinh tế sớm hơn Việt Nam nên mức sống của người dân Hoa Lục cũng cao hơn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày một đông hơn tại các thành phố lớn. Do đó các cuộc xuống đường ở những thành phố này khó có thể bị bưng bít nên tạo được một sức ép mạnh mẽ đối với giới cầm quyền. Ngược lại thì ở các vùng nông thôn của Hoa Lục, tình trạng cường hào ác bá cũng không khác gì ở VN, những người cầm đầu các vụ biểu tình thường bị đàn áp hoặc dễ bị mua chuộc.
Thật sự thì điều này không có gì là khó hiểu. Các cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ 20 ở Đông Âu, và bây giờ là ở Bắc Phi hay Trung Đông, thường nổ ra ở các thành phố lớn, vì đó là nơi tập trung đông đảo tầng lớp trung lưu. Và đây chính là một trong những điểm sai lầm lớn nhất của chủ thuyết Mác – Lê khi đề cao giai cấp công nông mà không hề ngờ rằng, xã hội loài người sẽ bước đến kỷ nguyên thông tin mà trí thức và tri thức là yếu tố quyết định mọi vận hành trong xã hội.
Càng phát triển về kinh tế thì tầng lớp trung lưu trí thức càng trở nên đông đảo hơn, mà xuất thân của họ cũng là từ giới nông dân hay công nhân. Họ đang là lực lượng nòng cốt cho các cuộc cách mạng dân chủ mà không một chế độ nào có thể đứng vững được.
Nói một cách tóm tắt, giới trí thức là những kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa cộng sản!
LLCTCNTQ
No comments:
Post a Comment