HS: Gần như hằng năm người ta đều nghe thấy đảng cộng sản VN hô hào cải tổ về giáo dục. Nhưng càng cải tổ thì giáo dục càng xuống cấp và gần như vô phương cứu chữa. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm "Đột phá hay đập phá?" của LLDTCNTQ, về vấn đề cải tổ giáo dục, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Vào ngày 17/9 vừa qua, một cuộc hội thảo về đổi mới giáo dục lại diễn ra tại Hà Nội, nhưng không phải là do bộ giáo dục tổ chức mà là ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản VN. Và một lần nữa, người ta lại nghe đến cụm từ "đột phá chiến lược" trên cửa miệng của giới quan chức chủ trì cuộc hội thảo này.
Và các lãnh vực cần được "đột phá", được ông thứ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Vinh Hiển, nêu ra là:
- Đổi mới việc quản lý giáo dục.
- Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
- Đổi mới chương trình giáo khoa, phương thức thi cử và đánh giá phẩm chất giáo dục.
Lại thêm một con vẹt nữa của đảng đang cố gói ghém mọi thứ vào con số 3, cho đúng với tinh thần 3 khâu đột phá chiến lược trong cái gọi là nghị quyết của đảng, mà ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trịnh trọng tuyên đọc trước quốc hội và sau đó là một loạt bộ trưởng khác cũng hát theo. Tân bộ trưởng giao thông cũng đề ra 3 đột phá chiến lược trong ngành giao thông. Tân bộ trưởng tài chánh cũng có 3 khâu cần đột phá. Bộ trưởng xây dựng cũng tìm cho ra 3 khâu để đột phá, và bây giờ thì đến phiên bộ giáo dục cũng tìm cho ra 3 lãnh vực để đột phá.
Nhưng điều khôi hài là cả 3 lãnh vực mà ông Hiển nêu ra lại là nền móng căn bản của một hệ thống giáo dục. Không có hệ thống học đường nào mà không có sự quản trị về hành chánh. Cũng như không có hệ thống giáo dục nào mà không có lực lượng giáo viên, hay không có chương trình giáo khoa và các qui định nghiêm ngặt về việc thi cử.
Nói một cách tóm tắt, nếu cả ba lãnh vực đó đều cần phải đột phá thì rõ ràng là hệ thống giáo dục VN đã mục ruỗng từ gốc đến ngọn. Chính vì thế, nếu đã gọi là đổi mới toàn diện thì không thể gọi là "đột phá", mà phải là "đập phá" hoàn toàn để xây lại từ đầu. Tương tự như một căn nhà đã quá xập xệ, không có thể vá víu bằng cách nâng nền, quét sơn hay thay ngói mới là tránh được nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Tệ hơn thế nữa, căn nhà giáo dục VN không chỉ đang xập xệ mà là sắp rơi xuống sông vì được xây trên một nền móng phi nhân bản. Lý do chính yếu là trong khi nhân loại văn minh tìm mọi cách tách học đường ra khỏi chính trị và tránh bị nhiễm các thói hư tật xấu từ bên ngoài xã hội, thì các chế độ cộng sản đã làm ngược lại.
Thay vì là nơi giảng dạy cho trẻ em về sự thật, phát triển trí tuệ và tấm lòng bao dung bác ái, thì học đường trở thành công cụ để tuyên truyền dối trá, hô hào đấu tranh giai cấp và lòng căm thù đối với những gì mà đảng cộng sản cho là thù địch với chế độ. Việc ban tuyên giáo trung ương đứng ra tổ chức thảo luận về giáo dục là bằng chứng rõ rệt về chuyện này .
Nhưng cái đáng nói nhất là học đường ở VN từ nhiều năm qua không còn là môi trường thánh thiện mà đã bị cuốn vào vùng nước xoáy của xã hội bên ngoài. Tất cả những tệ nạn xấu xa trong xã hội đều chui lọt vào trong trường học. Từ nạn chạy chức, chạy quyền, hối lộ, tham nhũng, cho đến hiếp dâm, hành hung và cướp của.
Chính vì thế, nếu muốn cải tổ giáo dục thật sự thì phải trả lại sự thánh thiện cho học đường. Học đường phải hoàn toàn đứng ngoài chính trị. Phải giải tán cơ cấu đoàn, đội để tạo môi trường bình đẳng cho mọi học sinh, bất chấp là các em xuất thân từ giai cấp nào. Phải bổ nhiệm các chức vụ như hiệu trưởng dựa trên khả năng quản trị, kinh nghiệm và đạo đức nhà giáo chứ không phải theo tiêu chuẩn "hồng hơn chuyên". Nhưng quan trọng hơn hết là phải đầu tư đúng mức vào giáo dục để trường học phải khang trang và các giáo viên phải có mức lương đủ sống.
Nếu không làm được như thế thì dù có hàng chục ủy ban cải cách giáo dục, qui tụ được nhiều chuyên gia giỏi, như lời đề nghị của bà Nguyễn Thị Bình, cựu phó chủ tịch nước, thì cũng chẳng thay đổi được gì. Lý do là ngay chính con cái của các quan chức cao cấp đều đi du học nên họ đâu quan tâm lắm đến vấn đề giáo dục tại VN. Không tin thì cứ hỏi ông Nguyễn Tấn Dũng xem cậu út Triết đã theo học bậc trung học ở xứ nào?
Nhưng ngay từ thời mà bà Nguyễn Thị Bình làm phó chủ tịch nước thì nền giáo dục cũng đã suy đồi và hầu như năm nào toàn đảng cũng hô hào phải cải tổ. Thế nhưng càng cải tổ, hay càng đột phá, thì càng suy đồi là vì lý do gì?
Chắc chắn là bà Bình, tương tự như nhiều quan chức khác, sẽ đổ thừa là tại cơ chế. Nhưng ai đã đẻ ra cơ chế đó, nếu không phải là đảng cộng sản VN? Như vậy thì chỉ có đập bỏ cái đảng đó, may ra VN mới có được một nền giáo dục nhân bản!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment