Đằng-Phong Hầu
Lần trước, nếu không nhớ lầm thì Lá thư Úc châu nói lan man đến chuyện "gạo". Lần này, để cho cân bằng xin nói đến vế sau của vấn đề, ấy là "nước".
Quý thính giả có biết lục địa nào có người ở mà lại khô cằn nhất hay không? Hỏi như thế có vẻ hơi khó đoán và thiếu chính xác, vì lục địa khô cằn nhất trên mặt địa cầu này là Nam Cực, nơi hầu như chẳng mưa bao giờ, nhưng ở đấy không có cư dân. Chính vì thế Úc châu là lục địa có người ở và là lục địa khô cằn nhất. Trên 90% trong tổng số 22 triệu dân Úc hiện sống trên một dải đất dọc theo miền duyên hải, với bề ngang không tới 100 cây số. Chỉ vì phần đất này là có nước, trong khi miền giữa lục địa lại là sa mạc khô cằn, có khi đi cả mấy ngày không gặp làng mạc, thị trấn hay hàng quán gì hết. Cũng có nơi có lèo tèo vài chục người, sinh sống bằng nguồn nước ngầm, bơm lên từ dưới đất. Có người cả đời chưa hề thấy trời mưa lấy một lần.
Nếu xem bản đồ Úc châu, quý thính giả sẽ thấy có nhiều địa danh được gọi là hồ này, hồ nọ, nhưng thật ra chỉ là những khoảng đất bằng phẳng, trên mặt toàn những muối là muối. Có hồ một trăm năm mới có nước một lần và chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn.
Chính vì thế, nước là vấn đề sinh tử của người dân Úc. Ủy hội Năng xuất Úc, trong bản báo cáo về tình hình nước nôi ở các thành phố, nói rằng nước là một tiện nghi tối cần cho đời sống, và không thể xem nhẹ như điện hay hơi đốt được. Tính trung bình, số nước dùng trên toàn thể nước Úc lên đến khoảng 12 nghìn tỷ lít mỗi năm, trong đó ngành canh nông dùng khoảng 7 nghìn tỷ lít, và người dân ở thành phố dùng khoảng hai nghìn ba trăm tỷ lít, tức đổ đồng khoảng 300 lít mỗi đầu người mỗi ngày.
Đây là một con số rất lớn và rất phí phạm. Dĩ nhiên là nó bao gồm cả lượng nước dùng trong các ngành kỹ nghệ ở thành phố, nhưng phí phạm vẫn là phí phạm nếu so sánh với dân Do Thái, tuy dùng nước rất nhiều trong kỹ nghệ chế biến, nhưng mỗi đầu người chỉ dùng chưa tới một 100 lít nước mỗi ngày. Người Nhật cũng thế, nhưng chẳng có ai chê người Nhật là hôi vì không tắm thường xuyên như người Úc!
Lục địa Úc vốn khô cằn, nhưng phần lớn số nước dùng ở các thành phố và thị trấn lại là nước mưa, hứng và trữ trong các đập nước. Chỉ có Nam Úc là dùng nước sông Murray cùng với các thị trấn miền trong của tiểu bang New South Wales, và Tây Úc thì khoảng một nửa số nước là bơm từ mạch nước ngầm. Vì vậy, năm nào trời nắng hạn, vùng hứng nước không có mưa nhiều như 10 năm qua thì mực nước trong các đập xuống thấp, sông cũng không chảy mạnh là cả nước Úc nhao nhao lên, dồn hết nỗ lực đối phó với nạn hạn hán. Ngành sản xuất nông sản, từ lúa gạo, bông vải, trái cây cho đến lúa mì, lúa mạch, nhất nhất đều bị ảnh hưởng. Nhưng vấn nạn lớn nhất vẫn là sự cân bằng giữa ngành nông sản, vốn cần nước để dẫn thủy nhập điền, và 95% người dân sống ở thành phố thì cần nước để duy trì một lối sống rất ư là... phí nước!
Cho đến hồi gần đây, giấc mơ của người Úc ở thành phố là làm chủ một căn nhà với miếng đất rộng một phần tư mẫu. Căn nhà chung quanh lại trồng cỏ và cây cối như ở bên Anh, tức là trồng những thứ cần có nước. Các thế hệ di dân tiếp nối, tuy có nhà cửa và đất đai có phần nhỏ hơn, nhưng lại có vườn rau và cây ăn trái, tức cũng cần nước.
Vấn đề nguồn nước luôn là một đề tài chính trị. Chính phủ ở các cấp địa phương thì không nói làm gì, nhưng cả tiểu bang và liên bang đều dùng đề tài nước như là nguồn thu lợi cho ngân sách, và đồng thời là một thứ cần câu để câu phiếu. Vì thế, có điều tréo cẳng ngỗng là trong khi dân thành thị lúc nào cũng được o bế trong việc xài nước, thì ngược lại, người dân miền quê cần nước để sản xuất nông phẩm thì lại khá chật vật.
Nước Úc đã xây xong hay đang xây 6 nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt với kinh phí không lồ, với những điều kiện khế ước không mấy có lợi cho dân, chỉ vì muốn câu phiếu của giới cử tri thành thị. Thế nhưng người dân thành thị thật sự chỉ chi ra một phần rất nhỏ lợi tức của mình vào việc trả tiền nước. Theo bản "Báo cáo về nước ở thành thị" của Ủy hội Năng xuất thì trung bình dân Úc ở thành thị chỉ trả tiền nước vào khoảng 1% lợi tức, ấy là chưa kể tới những khoản cắt giảm tiền nước cho người thất nghiệp hay những người có lợi tức thấp. Người ta cho rằng dân thành thị đang có quan niệm là nước ở trong vòi chảy ra, một cách tự nhiên như như trẻ con cứ tưởng là muốn có thịt thà, hoa quả thì chỉ việc ra siêu thị là xong.
"Cóc chết ba năm vẫn quay đầu về núi". Một mai đây, khi Úc hết khoáng sản để xuất cảng và phải quay về dùng nước để sản xuất nông sản, lúc đó người ta mới thấy nguồn nước quý giá đến độ nào. Nhưng hiện tại thì cha chung không ai khóc, và là vấn nạn của nước Úc. Có người nói rằng, dân chúng Úc hiện sống trong thiên đường của những người mù. Nói như thế là không công bình với những người khiếm thị. Thế nhưng vì không phải sắp hàng hứng nước chảy ri rỉ như ở VN, và vì giá nước quá rẻ, không phải chờ có mưa rồi mới được tắm rửa như người dân ở đảo Bé thuộc cù lao Ré, cho nên người dân Úc không cảm nhận được số phận quá may mắn của họ.
Đằng-Phong Hầu
No comments:
Post a Comment