Friday, October 28, 2011

TĂNG 1 TRIỆU TẤN LÚA VỤ 3 ĐỂ KIỀM CHẾ LẠM PHÁT!

Ngày 28.10.2011

HS: Trong lúc nông dân bị ép giá lúa thì nhà nước VN đưa ra chủ trương sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa cho năm nay, và ép buộc nông dân xuống lúa vụ 3. Nhưng tại sao phải tăng thêm 1 triệu tấn lúa? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của Hai Kim, trả lời cho câu hỏi này, qua sự trình bày của chị Hoàng Ân.
Vì một lý do phi nông nghiệp là kiềm chế lạm phát, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vội vã tăng 94 ngàn mẫu lúa vụ 3 trong năm 2011, ép buộc nông dân đắp đê vội vàng để trồng lúa khiến bây giờ nông dân mất trắng trên 7 ngàn mẫu. Nếu mức lũ lên bằng hoặc cao hơn năm 2000 thì số lượng mất trắng là toàn bộ số lúa vụ 3 trong năm nay.

Trong bài viết trước tôi đã hỏi: Tăng 1 triệu tấn lúa mần chi, thưa chính phủ? Nay thì đã có câu trả lời: tăng 1 triệu tấn lúa là để kiềm chế lạm phát. Lý do là ông Nguyễn Trí Ngọc, cục trưởng cục trồng trọt cho biết: "Thực hiện nghị quyết 11 của thủ tướng chính phủ, bộ nông nghiệp đã có kế hoạch cụ thể để tăng 1 triệu tấn lương thực trong sản xuất lương thực năm 2011".
Cần biết là nghị quyết số 11 ký ngày 24/2/2011 là nghị quyết "về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội".
VN là nước xuất cảng gạo, khoảng 7 triệu tấn gạo mỗi năm, nên không lo thiếu gạo đói ăn. 1 triệu tấn lúa quy ra khoảng 500 ngàn tấn gạo, với giá bán gạo khoảng 500 Mỹ kim một tấn, tính ra chỉ khoảng 250 triệu Mỹ kim, một con số quá nhỏ để giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Thế nhưng theo bộ nông nghiệp thì điều này giúp chính phủ kềm chế lạm phát!
Có nghĩa là dùng 1 triệu tấn lúa tăng thêm này để kéo giá lúa trong nước xuống thấp, qua đó cũng khống chế luôn giá gạo xuất cảng. Bắt nông dân phải chấp nhận rủi ro trong vụ nghịch, rồi tung số lúa này ra thị trường để khống chế giá lúa nhằm kiềm chế lạm phát, là một việc làm không thể chấp nhận được về mặt đạo đức, và cũng không thể chấp nhận được cả về mặt kinh tế. Như vậy việc tăng 1 triệu tấn lúa vụ 3 chỉ để phục vụ cho mục đích của chính phủ, chứ chẳng phải vì lợi ích của nông dân.
Và vì để kiềm chế lạm phát, nên nhà nước không thèm ghi nhận ý kiến là không nên đắp đê trồng lúa vụ 3 của các nhà khoa học, không cần phải tính toán các yếu tố lợi hại, không cần biết có lợi cho nông dân và nền kinh tế hay không.
Thái Lan và Việt Nam là hai nước ở Đông Nam Á. Thái Lan xuất cảng gạo đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng hạng nhì. Thế nhưng Thái Lan quyết định tăng giá mua lúa lên đến 500 Mỹ kim một tấn để giúp nông dân bán lúa ngang bằng với giá của 55 nhu yếu phẩm của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc. Ngược lại thì Việt Nam tăng sản lượng lúa lên 1 triệu tấn để kiềm chế lạm phát, nghĩa là để kiềm chế giá lúa gạo.
Đến ngày 17/10, sau 10 ngày Thái Lan thực hiện cam kết mua bán lúa gạo với giá cao hơn, Việt Nam ấn định giá bán gạo cao nhất là 575 Mỹ kim, trong khi giá Thái Lan sẽ lên đến 750 Mỹ kim một tấn.
Cùng là ở Đông Nam Á, cùng là nước xuất cảng gạo, vậy mà Thái Lan tăng giá mua lúa của nông dân Thái Lan lên 50% mà họ không sợ lạm phát, thì Việt Nam luôn phải khống chế giá gạo vì sợ lạm phát.
Hay là vì Thái Lan và Việt Nam có những đặc điểm hay đặc thù khác nhau? Hay là hai chính phủ chỉ chênh lệch nhau ở một đẳng cấp chứng tỏ ai là người thực sự quan tâm đến đời sống của nông dân?
Sao lại thế nhỉ? Nghe nói nhà nước ta là "nhà nước của dân, do dân, vì dân" kia mà! Chẳng lẽ là nói xạo?
Tôi không tin. Nhưng sự thực rõ ràng ra đấy.
Thủ tướng Thái Lan tuyên bố là nếu muốn giúp nông dân thì cả chính phủ phải đồng tâm thực hiện nâng giá mua lúa lên 50%, tức khoảng 500 Mỹ kim một tấn. Đảng cộng sản Việt Nam cũng đưa ra Nghị Quyết Tam Nông để trợ giúp nông dân, vậy mà chính phủ bắt nông dân làm thêm 1 triệu tấn lúa để khống chế giá lúa gạo nhằm chống lạm phát.
Nông dân Thái Lan sao mà sướng vậy! Chính phủ Thái Lan sao mà khổ vậy!
Nông dân Việt Nam sao mà cực vậy! Chính phủ Việt Nam sao mà đã vậy!
Hai Kim

No comments:

Post a Comment