Ngày 31.10.2011
HS: Gần 40 năm chấm dứt chiến tranh, với hơn 30 năm đổi mới về kinh tế, trên đất nước VN vẫn còn những ngôi làng nghèo, nghèo đến độ chỉ có 3 chiếc xe đạp trong tổng số 900 con người. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự về ngôi làng Cồn Cưỡi ở Quảng Bình, qua sự trình bày của Như Giang.
Ngôi làng nghèo đến mức, như ông Nguyễn Văn Hạnh, trưởng thôn Cồn Cưỡi, nói: "Phải đi mượn đất mà làm ăn". Làng bị bao vây giữa bốn bề nước mặn. Chính quyền xã chia cho 4 mẫu đất bên kia sông. Người đông, đất ít nên cuối cùng chỉ có 27 gia đình được trồng cấy. Số còn lại sống nhờ sông nước. Toàn thôn có chừng 900 người thì tất cả đều nghèo.
Phần lớn các gia đình ở Cồn Cưỡi, thuộc xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sống bám vào mặt tiền con đường mà ông Hạnh gọi cho nó sang trọng là... đại lộ. Nó rộng khoảng 2 thước và cách trục đường chừng năm chục thước là bờ sông.
Đi đến một ngôi nhà có vẻ bề thế nhất làng, ông Hạnh hắng tiếng gọi: "Ông Hiền ơi, có khách". Ông Hiền chạy ra, mắt hấp háy nhìn rồi tự giới thiệu: "Tui trước là trưởng thôn, làm lâu quá nên phải chuyển cho chú Hạnh làm cho nó đổi mới. Giờ chỉ làm công an thôn thôi".
Uống xong bát nước vối với ông Hiền, ông Hạnh lại xin phép kéo tôi đi thăm làng. Ông Hiền chép miệng nói: "Cả làng có gần ngàn dân nhưng chỉ có một đảng viên là tui thôi. Hơn chục năm nay mà vẫn rứa". Mỗi lần sinh hoạt chi bộ đảng, ông phải sang bên kia sông họp.
Theo ông Hiền thì làng cũng có những chuyện lạ. Ví dụ như làng có một đảng viên, một người học đại học, một người vừa thi đại học, một cái xe gắn máy và một trường tiểu học. Hoặc làng có tổng cộng 3 chiếc xe đạp, có 3 gia đình buôn bán, và có khúc sông rộng đúng... 300 thước.
Tôi hỏi nhà ai có xe gắn máy sang vậy? Ông Hạnh cười không mấy vui: "Xe có sang trọng cho mô. Hồi đó, có anh Thành đi làm ăn trong Nam, ra Tết có đưa về cái xe gắn máy cũ chạy khắp. Ngày chạy, đêm cũng chạy làm chó cứ sủa inh lên. Được mấy hôm hết nhẵn xăng, thế là thôi không chạy nữa. Sau Tết, anh Thành đi vào Nam thì đưa xuống đò sang bên đường quốc lộ, đón xe tốc hành mang đi luôn. Năm sau không thấy mang về nữa. Mới đây, ông Hiền có cậu con trai đi học nên mua chiếc xe gắn máy Tàu nghe đâu hai, ba triệu gì đó. Đi đâu thì mang vác lên đò nên bực lắm. Lại còn hết xăng thì phải đi đò sang tận bên kia mới có. Thành ra xe cũng xếp góc nhà, nghe nói hỏng cái chi đó không chạy được nữa rồi nên bán được hơn triệu bạc".
Ghé thăm nhà chị Hướng là một trong ba nhà buôn bán hàng hóa ở thôn. Buổi trưa vắng khách, chị Hướng uể oải dọn lại mấy thứ hàng treo trên sợi dây vắt qua cửa nhà. Nghe ông trưởng thôn giới thiệu là "nhà thương nghiệp", chị Hướng cứ cười mãi: "Ôi dào, bác cứ hay vui miệng. Buôn bán lặt vặt từ gói mì tôm đến hộp diêm, ngòi bút... chứ thương nghiệp với thương nghề gì. Chỉ có tí vốn còm, mà bà con còn mua chịu nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả đấy. Thôi thì ai cũng nghèo, biết làm răng được".
Nhà chị Nguyễn Thị Túy ở kế bên, không buôn bán nhưng được cái may là có ruộng để trồng lúa. Hỏi chuyện lúa má, chị bần thần trả lời: "Có chi mà kể hè. Mỗi năm làm được 1 vụ. Đất chai xấu, lại thêm không có nước mà tháo vô ruộng nên cây lúa cứ còi cọc như cóc giữa đồng. Năm được mùa thì hơn tạ thóc thôi. Thóc đó để dành khi mùa mưa gió có cái ăn. Còn lại thì làm cái chi kiếm được đồng bạc mua gạo mà ăn".
Tài sản lớn nhất của người dân Cồn Cưỡi có lẽ là đàn trâu bò lên đến 60 con (trung bình 5 nhà có 2 con trâu hay bò). Không ai dám bán một con để lấy tiền tiêu. Đó là của cải để dành phòng lúc ốm đau, bất trắc. Tôi hỏi sao không phát triển đàn trâu bò để có thêm thu nhập? Ông Hạnh bộc bệch: "Chừng đó là đủ rồi. Phát triển thêm lấy gì cho chúng ăn. Ốc đảo ni có được mấy vạt cỏ? Cũng có người đưa cỏ về trồng mà không có nước tưới, bị nước mặn táp vô nên cũng chết dần, chứ cũng không ra nổi lá cho bò ăn".
Hỏi chuyện học hành của làng thì ông Hạnh nhường lời cho ông Hiền vì hiện nhà ông Hiền có con học cấp 3, đại diện cho ốc đảo này. Ông Hiền nhớ lại: "Từ ngày lớn lên đến bây chừ, chỉ có một lần làng tổ chức đưa anh Nguyễn Ngọc Đông vào Đại học Huế". Sau đó, thêm mười năm nữa mới đến lượt anh chàng Nguyễn Văn Hòa (con ông Hiền) là người nối nghiệp học vấn của làng. Năm nay Hòa thi vào Đại học Huế nhưng điểm cũng không được cao. Cu cậu đang tìm một trường trung cấp để theo học.
Đi một vòng quanh làng về, trưởng thôn Hạnh nhẩm tính: "Cồn Cưỡi có chừng 150 gia đình với khoảng 900 người. Chỉ ước chừng thôi, chứ không thể nói được con số chính xác. Hơn 40 gia đình rời làng đi làm ăn phiêu bạt. Chừng 40 gia đình khác không có nhà trên đất liền, sống lênh đênh trên đò dọc các tuyến sông". Những cư dân mới của Cồn Cưỡi chào đời theo dòng mưu sinh ấy, việc làm giấy khai sinh không cần thiết đối với họ.
Tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất được xem là nguyên nhân đói nghèo và lạc hậu của làng. Nhiều cái khó cho Cồn Cưỡi khó tìm được câu trả lời. Cấp nước vượt sông thì quá tốn kém, mà nguồn nước ngầm thì không có. Đất đai quá ít lại dưa vào trời nên người dân không thể trông chờ vào mảnh ruộng hay mảnh vườn để sinh sống. Ông Hiền nói như than: "Cuộc đời lâu nay vẫn vậy. Đói nghèo, lạc hậu luôn song hành với sinh đẻ nhiều và ngược lại. Rồi thiếu học thì nhận thức người dân cũng khó mà nâng cao. Rứa thì, làm răng để mà cởi bỏ, thoát được cảnh nghèo?".
No comments:
Post a Comment