Sunday, October 16, 2011

VẤN NẠN BUÔN BÁN VỚI TRUNG QUỐC

Ngày 15.10.2011
HS: Một trong những mối đe dọa trầm trọng đến chủ quyền đất nước là tình trạng thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc càng ngày càng gia tăng. Thế nhưng giới lãnh đạo cộng sản vẫn không tỏ dấu hiệu nào ngăn chận tình trạng đó, trái lại vẫn tiếp tục xưng tụng mối quan hệ hữu nghị 16 chữ vàng và 4 tốt với Trung Quốc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Đà Giang, qua sự trình bày của Vân Khanh, về vấn nạn buôn bán với Trung Quốc.
Theo báo điện tử Lao Động, tại Việt Nam, ngày 30 tháng 9 vừa qua ở Hà Nội, Hội Hữu Nghị Việt-Trung đã tổ chức buổi gặp gỡ, kỷ niệm lần thứ 62 ngày Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc.

Phát biểu tại dịp này, chủ tịch hội là ông Đoàn Mạnh Giao, ca ngợi Trung Quốc đến tận mây xanh. Nào là khen TQ giờ trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 trên thế giới, nào là "việc tăng cường giao lưu, hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, là nhân tố quan trọng, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích lâu dài của nhân dân 2 nước". Đại sứ TQ, Khổng Huyền Hựu, bày tỏ sự vui mừng là mối quan hệ giữa 2 nước vẫn "duy trì xu thế phát triển về mặt tổng thể".
Báo này cho biết trong tháng 8 vừa qua, kim ngạch 2 chiều đạt gần 25 tỉ Mỹ kim, tăng hơn 35% so với cùng thời gian năm ngoái, vào cuối năm dự trù có thể đạt tới 40 tỉ Mỹ kim.
Tại sao bản tin chỉ nói đến "phát triển về mặt tổng thể và kim ngạch 2 chiều", nhưng không phân tích rõ ràng kim ngạch mỗi chiều như thế nào, để người dân tường tận? Việt Nam bán cho TQ được bao nhiêu và phải mua lại của TQ bao nhiêu? Khi buôn bán với TQ, Việt Nam lỗ tới mức độ nào?
Theo báo điện tử Vietnamnet Bridge, ngày 17/6/2011. Các chuyên gia quốc tế cảnh giác rằng trong năm 2010, Thái Lan thặng dư mâu dịch với Trung Quốc là 11.5 Mỹ kim, Mã Lai thặng dư 12.5 tỉ Mỹ kim và Phi Luật Tân thặng dư 3.3 tỉ Mỹ kim. Trong khi VN, mức độ thâm thủng mậu dịch với TQ lên tới con số khổng lồ là 12.7 tỉ Mỹ kim.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nước duy nhất bị thâm thủng mậu dịch với TQ. Hoa Kỳ là quốc gia bị thâm thủng nhiều nhất. Theo Cơ quan Thống kê Hoa Kỳ vào năm 2008, Hoa Kỳ thâm thủng 268 tỉ Mỹ kim, đến năm 2010 giảm xuống còn 252 tỉ. Nền kinh tế Hoa Kỳ có tổng sản lượng (GNP) là 14,526 tỉ, trong khi tổng sản lượng Việt Nam là 104 tỉ Mỹ kim. Có nghĩa là kinh tế Hoa Kỳ lớn hơn Việt Nam khoảng 140 lần. Vì thế khi Việt Nam thâm thủng mậu dịch với TQ 12.7 tỉ Mỹ kim, con số này tương đương với Hoa Kỳ là 1,778 tỉ Mỹ kim. Có so sánh, chúng ta mới thấy tầm mức thâm thủng này là một quốc nạn của Việt Nam.
Tình trạng thâm thủng của Hoa Kỳ so với Việt Nam đỡ hơn nhiều, vì Hoa Kỳ là một nước lớn và giàu có, hơn nữa còn là một quốc gia dân chủ. Các chính quyền khác nhau bị áp lực của sự cạnh tranh nên phải cố giải quyết những vấn nạn. Kết quả, mức độ thâm thủng đã giảm thiểu trong năm 2011. Nhưng quốc hội Hoa Kỳ không vì thế mà không có những biện pháp lâu dài.
Nhiều chính khách Hoa Kỳ nghĩ rằng, một trong những nguyên nhân thâm thủng thương mại với TQ là chính quyền Bắc Kinh đã không chịu thả nổi đồng nhân dân tệ, như các quốc gia khác. Trung Quốc cố ý giữ giá đồng nhân dân tệ thật thấp để hàng hóa của họ có thể bán ra với giá rẻ, cạnh tranh một cách bất công với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và các nước Tây phương không ngừng áp lực TQ thả nổi đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh cương quyết từ chối.
Quốc hội Hoa Kỳ đang xét đến một dự luật cho phép chính phủ đánh thuế cao các hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, nếu đồng nhân dân tệ bị dìm giá. Mục đích của sắc luật này là mang lại sự thăng bằng cho cán cân mậu dịch. Đây hiện là một vấn đề nóng bỏng trên chính trường Hoa Kỳ.
Trong khi đó quốc hội bù nhìn Việt Nam lại im lặng như tờ. Ông Đoàn Mạnh Giao của Hội Hữu Nghị Việt-Trung còn vênh váo chúc mừng quốc khánh thứ 62 của Trung Quốc.
Báo Lao Động loan tin, Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng còn nhận lời mời chính thức của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, để sang thăm TQ từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 này. Không biết các chức sắc Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có bao giờ biết quyền lợi quốc gia của mình là gì hay không?
Trên nguyên tắc một chính quyền vì nước vì dân, phải chính thức đề ra chủ trương thăng bằng cán cân mậu dịch với Trung Quốc, như là quốc sách hàng đầu của Việt Nam. Phải cấp bách thương thuyết với chính quyền TQ về việc giảm thiểu nhập cảng hàng TQ, và gia tăng việc xuất cảng hàng hóa VN.
Ngoài ra, chính sách ngọai thương Việt Nam phải hướng về các thị trường lớn khác, công bằng hơn như: Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Ấn Độ, Nam Dương, để bớt lệ thuộc vào TQ. Quốc hội Việt Nam cũng phải chủ động trong công tác đề nghị và thông qua một sắc luật, với những biện pháp cụ thể, kể cả biện pháp thuế vụ như tại Hoa Kỳ, hầu thăng bằng hóa cán cân mậu dịch với TQ.
Các biện pháp nêu trên chỉ có tính cách ngắn hạn và cấp thời. Biện pháp lâu dài phải là dân chủ hóa đất nước, giải thể các thành phần kinh tế, xã hội chủ nghĩa bao cấp đầy lãng phí và tham nhũng, nhằm cởi trói cho dân tộc trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị.
Chỉ có một nước Việt Nam dân chủ thực sự, phát triển về kinh tế, cường thịnh về quân sự mới mong đối đầu với Bắc phương, hầu bảo vệ hữu hiệu những di sản mà tổ tiên của chúng ta để lại.
Đà Giang
7/10/2011

No comments:

Post a Comment