HS: Nhà nước VN sắp sửa tăng thêm lệ phí chữa trị tại các bệnh viện, khiến cho người dân nghèo càng thêm điêu đứng và phải chấp nhận về nằm nhà để chờ chết. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự viết về tình cảnh bi thảm và tuyệt vọng của những người mắc bệnh nan y ở VN hiện nay, qua sự trình bày của Như Giang.
"Tăng một đồng cũng khổ"! Đó là nỗi lòng của những bệnh nhân nghèo, nhất là những người bị bệnh nan y. Họ và gia đình đã quá khổ sở vì tiền chữa bệnh, vì vậy thật dễ hiểu khi viện phí tăng là một đòn chí mạng giáng vào số phận khốn khổ của họ...
Người ta có thể bắt gặp tại bất kỳ bệnh viện nào trên cả nước, hình ảnh những bệnh nhân nghèo, vừa chống chọi với cơn đau thể xác, vừa chật vật lo toan gánh nặng viện phí. Bên cạnh những nỗi lo thường trực đó, những ngày qua, cái tin nóng nhất được nhiều bệnh nhân và thân nhân họ bàn tán xôn xao nhất là việc nhà nước dự trù gia tăng viện phí.
Khoa thận nhân tạo ở bệnh viện Đà Nẵng hiện có khoảng 160 bệnh nhân điều trị, với 20 máy chạy thận nhân tạo. Đa số những bệnh nhân của khoa này là người nghèo ở các tỉnh miền Trung.
Bà Đào Thị Cam 47 tuổi, đến từ huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, đã đứng ngồi không yên từ khi nghe tin viện phí sẽ gia tăng. Con trai bà là Huỳnh Văn Tốt 20 tuổi bị suy thận mãn tính, đã nằm ở bệnh viện Đà Nẵng suốt bốn năm qua. Dù đứa con thuộc diện được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chi phí kéo dài nhiều năm qua đã khiến cả gia đình lao đao: "Bây giờ nghe tăng viện phí thì càng lo hơn nữa. Những bệnh nhân nghèo như tụi tui dù chỉ tăng một đồng cũng thấy khổ rồi".
Bà Cam cho biết thêm cả gia đình bà chỉ có 2 sào ruộng để sống qua ngày. Nói rồi bà lại quay sang ôm đứa con trai đã 20 tuổi nhưng gầy đét và xanh xao như một học sinh tiểu học mà nước mắt lưng tròng.
Bà Nguyễn Thị Lựu 63 tuổi, đến từ huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, thì có tình cảnh còn éo le hơn nhiều. Khi nghe nhắc đến việc gia tăng viện phí, bà đã rơm rớm nước mắt. Bà không chồng con, sống một mình và bốn năm qua phải ở đây để chữa trị căn bệnh suy thận mãn tính: "Tui có nghe tiền chạy thận sẽ tăng từ 30 đến 100%. Dù có thẻ bảo hiểm y tế đi chăng nữa nhưng tui biết xoay xở đâu ra tiền để chi trả".
Những lo lắng của bà Cam hay bà Lựu không chỉ là nỗi lo riêng của những bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện Đà Nẵng mà là khắp trên toàn quốc. Tại bệnh viện đa khoa Cần Thơ, chúng tôi cũng thấy được những nỗi lo giống nhau của những người đang mang các căn bệnh hiểm nghèo.
Anh Dương Văn Tiền, ở phường Long Tuyền quận Bình Thủy, gần như lâm vào đường cùng khi anh bị bệnh suy thận mãn tính. Mọi sinh hoạt trong gia đình và tiền thuốc thang của anh đều trông cậy vào một mình người vợ đang buôn bán rau cải. Mỗi tuần hai lần, anh Tiền phải đến bệnh viện Cần Thơ để lọc thận. Mặc dù có mua bảo hiểm y tế nhưng mỗi lần đi lọc thận, vợ anh phải đóng cho bệnh viện 450 ngàn đồng. Anh Tiền cho biết: "Bệnh càng ngày càng nặng, bác sĩ kêu phải tăng thêm số lần lọc trong tuần nhưng gia đình đã hết khả năng. Cứ duy trì như vầy, sống được ngày nào hay ngày đó".
Khi nói chuyện với chúng tôi về việc viện phí gia tăng tại bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, bà H 40 tuổi ở quận 6, một người bị bệnh ung thư vú, đã khóc: "Ai chẳng biết có bệnh thì phải chữa nhưng... chưa nhập viện mà đã nợ tiền chưa trả được, giờ vào điều trị thì không biết sẽ ra sao? Mới vào bệnh viện đã phải đóng 500 ngàn đồng tạm ứng, dù có thẻ bảo hiểm chỉ phải trả 20% nhưng làm các xét nghiệm, chụp hình đủ thứ tôi phải đóng gần 4 triệu đồng. Bác sĩ nói trường hợp của tôi phải vô hóa chất, mỗi lần đóng tiền vô hóa chất hết 5 triệu đồng, mà bác sĩ chưa cho biết sẽ phải vô bao nhiêu lần".
Bà L 46 tuổi, đến từ Gò Công Đông, cũng bị bệnh ung thư vú. Bác sĩ cho biết số tiền điều trị trước mắt là hơn 10 triệu đồng. Vì không có tiền, vợ chồng bà phải chấp nhận vay nặng lãi, mỗi tháng phải trả 1 triệu đồng. Đã nghèo lại không có thẻ bảo hiểm y tế nên số tiền mà bà L phải đóng cao hơn nhiều so với những bệnh nhân khác. Biết điều trị bệnh sẽ tốn rất nhiều tiền nên vợ chồng bà quyết định là cố đi theo được đến đâu thì cố. Nếu viện phí gia tăng, không có tiền chi trả thì đành chấp nhận về quê chờ chết.
Tại khoa lọc máu bệnh viện nhân dân Gia Định, nhiều người chạy thận nhân tạo cũng kêu trời. Họ cho biết mới đây khoa lọc máu thông báo sẽ tăng thêm 100 ngàn đồng. Ông Võ Tấn Nhiên 51 tuổi cho biết ba tháng trước đây, biến chứng đã khiến ông bị cưa ngang đùi chân trái. Mỗi tháng đi chạy thận ông phải trả hơn 4 triệu đồng viện phí. Nếu viện phí còn tăng nữa thì không biết người vợ lấy tiền đâu ra để giúp chồng sống sót.
Còn với anh Hoàng Văn Tuấn 37 tuổi ở Nam Định thì 8 năm chạy thận là tám năm tự tìm cách nuôi mình chữa bệnh. Bắt đầu chạy thận từ năm 2003 cũng là lúc anh sắm ngay một gánh nước chè chén bán trong bệnh viện. Bệnh viện cấm bán, anh đi đánh giày. Nhưng rồi sức khỏe yếu dần, tìm cách chạy xe ôm và ghi danh lọc máu vào ca cuối cùng trong ngày. Anh kể: "Bần cùng mới phải chọn giờ này để điều trị. Người chạy thận ai cũng nghèo, nhiều người phải làm thuê kiếm sống. Những ngày chạy thận, người mệt lả nên phần lớn chỉ đi làm các ngày kia. Còn tôi ngày nào cũng đi làm, cố kiếm đủ tiền trả bệnh viện".
No comments:
Post a Comment