Ngày 24.10.2011
HS: Trên đất nước VN hiện nay, không chỉ có người nghèo là khốn khổ nhất mà những sắc dân thiểu số ở miền núi cũng không sống trong cảnh thất học. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả tấm lòng của một cô giáo đã bất chấp tuổi cao sức yếu để giúp cho các em thiểu số có cơ hội được học chữ trong một khu rừng hẻo lánh ở tỉnh Lâm Đồng, qua sự trình bày của chị Hoàng Ân.
Nằm giữa những ngọn đồi thông, những triền cà phê và rẫy ngô xanh óng, là lớp học đơn sơ của một cô giáo già đã dạy dỗ hàng chục học sinh sắc tộc thiểu số K'ho suốt 6 năm qua
chúng tôi đi ngược ra sau một quả đồi trên con đường đất nhỏ bé để vào khu du lịch Núi Voi. Mùa mưa, nước đọng từng vũng lầy lội, rễ thông lan trên mặt đường ngoằn ngoèo và trơn trượt, trông giống những con rắn lớn nằm vắt ngang đường. Vừa qua cổng khu du lịch, chúng tôi đã thấy thấp thoáng mái tranh của lớp học. Tiếng đọc bài vọng ra văng vẳng.
Bước lên mấy bậc thang, chúng tôi thấy ngay những gương mặt ngây thơ. Những đôi mắt trong vắt chăm chú nhìn lên bảng. Lớp học có khoảng 10 cái bàn, con trai ngồi bên trái, con gái ngồi bên phải. Cô giáo Huyền Đông Sương nắn nót từng chữ, miệng đọc, tay chỉ rồi gõ nhịp cho các em đọc theo.
Không trật tự như những lớp học bình thường, lớp học giữa rừng này luôn râm ran tiếng nói cười, chỉ khi đọc bài các em mới thật sự tập trung. Mỗi tuần các em chỉ đến lớp vào các chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy nên phải học suốt năm mới hết chương trình và không nghỉ hè. Thời gian còn lại các học sinh làm rẫy, giữ em, nấu cơm phụ giúp cha mẹ. Lớp cũng không có tiếng trống báo hiệu giờ tan học, cứ thấy trời sụp tối là bọn trẻ nhao nhao cất sách vở ra về. Một số ngủ lại ở chòi canh rẫy, một số khác băng rừng, vượt qua mấy ngọn đồi về lại làng Darahoa ở tận huyện Đức Trọng.
Ngước nhìn lên mái nhà lợp bằng tranh đã bắt đầu mục nát, thủng lỗ chỗ, cô Đông Sương khoe: "Năm nay, nhờ lòng hảo tâm của các mạnh thường quân, mái nhà sắp được lợp lại bằng nhựa rồi".
Làng Darahoa có khá đông trẻ em. Chúng chỉ biết ẵm em, nấu cơm, canh rẫy, cắt cỏ cho trâu bò. Không đành lòng để các em mù chữ, vào 6 năm trước, cô Đông Sương tự nguyện đến xin gắn bó với lớp học heo hút này. Thế nhưng giáo viên thì sẵn sàng nhưng lại không có một mống học trò.
Biết rằng không thể ép buộc bọn trẻ đi học, ban đầu cô Đông Sương lân la làm quen vài em, vừa rủ rỉ nói chuyện vừa phụ giúp chúng cắt cỏ, bẻ bắp, chăn bò. Đến lúc quen dần và được các em tin yêu, cô mới hỏi các em có thích đi học không. Nhiều em gật đầu nhè nhẹ rồi nắm tay cô giáo dẫn về nhà ra mắt bố mẹ. Tuổi cao sức yếu, cô Đông Sương phải nhờ mấy đứa trẻ dìu dắt, mới vượt được mấy ngọn đồi đất đỏ nhão nhoét sình lầy sau mỗi cơn mưa dầm.
Nhờ có thêm uy tín của ông Nguyễn Đức Phúc – một cựu chiến binh sáng lập ra làng Darahoa và dựng lên lớp học, cô Đông Sương mới có được vài giờ mỗi chiều để dạy các em. Thế nhưng ròng rã mấy tháng trời, gom được em này thì mất em kia, cô phải vận động lại từ đầu. Lớp học ban đầu chỉ có chừng 10 mái đầu rối bù và cháy nắng.
Đường vào lớp học vừa xa vừa khó đi nên bao nhiêu giáo viên trẻ đã vào nhưng rồi lẳng lặng rút lui. Trước đây mỗi lần đi dạy, cô Đông Sương phải thuê xe ôm chở vào. Sau này người con gái cô tình nguyện làm "xe ôm" cho mẹ và phụ cả việc lặt vặt trong lớp học. Nhiều bữa trời mưa, vô tới lớp thấy các em ngồi lúp xúp núp dưới sàn chờ mình, cô Đông Sương cứ rơi nước mắt. Bọn trẻ thương cô giáo không chỉ vì tấm lòng tận tụy mà còn vì những đường kim mũi chỉ khi hằng đêm, cô tỉ mẩn vá lại từng manh áo, từng mảnh quần rách bươm cho lũ học trò nghèo.
Từng mùa rẫy đi qu, cô - trò cứ chăm chỉ dạy - học, tiếng đọc ê a dần tròn vành, rõ chữ. Những đứa trẻ dần dà đã biết khoanh tay vâng dạ, biết hát múa, đọc chữ và làm phép tính. Rồi đứa lớn dẫn đứa nhỏ theo, lớp học đông dần, nay có gần 50 em. Phụ huynh rất vui khi thấy con mình ngoan hơn nên tự động đóng góp lá tranh lợp lại lớp học".
Điều vất vả nhất của cô Đông Sương là phải dạy đủ lớp, từ mẫu giáo cho đến lớp 7. Nhiều em chưa đủ tuổi đi học cũng theo anh chị đến lớp cho quen dần, coi như anh chị giữ em luôn.
Chưa tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, các em hiện chỉ ước mơ được làm cô giáo giống như cô Đông Sương. K'Mỹ và K'Ngọc, năm nay học lớp 6, nói rằng các em không biết đại học là gì nhưng muốn được học tới đó để sau này làm cô giáo về dạy bọn trẻ trong làng. Nhà K'Ngọc có 4 chị em đều được đi học, đứa lớn nhất đã lên lớp 9. Trong khi đó, nhiều em trai chẳng biết sau này sẽ làm gì nhưng cứ đến lớp vì "thích học, thương cô giáo".
Trời dần chiều, bọn trẻ túa ra đòi về. Khi cô Sương chuẩn bị khóa cửa, bé K'Loan 9 tuổi, người nhỏ thó như mới lên 6, hì hục ôm trái mít chín nặng gần 10 ký trèo qua 2 quả đồi đến tặng cô. Nhìn K'Loan bặm môi ôm trái mít, xiêu vẹo bước lên mấy bậc thang vào lớp, chúng tôi xúc động đến thắt cả lòng. Cô Đông Sương cười nói: "Những món quà cây nhà lá vườn của các em chính là cái lộc, là niềm vui không thể tả được bằng lời trong cuộc đời dạy học của tôi"!
No comments:
Post a Comment