Ngày 30.10.2011
HS: Trong vài tuần qua, dư luận trong nước có vẻ chú ý rất nhiều đến những hành động và phát biểu táo bạo của ông bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của Lê Phục Văn, nhận định về các sáng kiến của ông Thăng, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Trong mấy tuần qua, một số tân bộ trưởng trong nội các nhiệm kỳ 2 của ông Nguyễn Tấn Dũng đã có một số hành động và phát ngôn gây ồn ào trong dư luận. Đáng chú ý nhất là ông Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông vận tải và là người đòi hỏi phải trao cho ông vai trò tư lệnh để giải quyết các vấn nạn của bộ này.
Không biết là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chịu giao quyền đó hay không, nhưng ông Thăng đã có những hành động khá táo bạo như cách chức người chỉ huy công trình xây dựng phi cảng quốc tế ở Đà Nẵng, và đưa ra vô số đề nghị để giải bài toán tắt nghẽn giao thông ở các thành phố lớn.
Lời giải đầu tiên của ông Thăng là sẽ tìm cách hạn chế số xe gắn máy bằng cách khuyến khích người dân phải chuyển sang xử dụng xe buýt. Để làm điều đó, ông ra lệnh cho các nhân viên thuộc cấp phải đi làm mỗi tuần một ngày bằng xe buýt. Kế đó thì ông đưa ra đề nghị đổi giờ đi học và đi làm, một giải pháp từng được nhà nước VN ồn ào thử nghiệm vài năm trước đây nhưng âm thầm chìm vào quên lãng.
Và trong khi dư luận đang ồn ào mổ xẻ các đề nghị đó, thì ông Thăng đột ngột ra lệnh cấm các nhân viên trong bộ giao thông đi chơi golf. Lý do mà ông đưa ra là vì các quan chức này đã tiêu tốn quá nhiều thì giờ vào chuyện đó, thay vì chú tâm làm việc để giải quyết các vấn nạn. Ông còn ví von rằng qui định này được áp dụng trong ngành giao thông, tương tự như qui định của đảng là cấm các đảng viên đi nhậu nhẹt hay ca hát karaoke.
Lệnh cấm này lập tức gây xôn xao trong dư luận. Lý do là nó rõ ràng vi phạm đến quyền tự do cá nhân. Nếu nhân viên nào đi chơi trong thời gian làm việc, dù là chơi golf hay chơi gà chọi, thì mới gọi là không chú tâm làm việc và phải bị trừng phạt, chứ nếu họ đi chơi sau giờ làm việc hay ngày nghỉ thì đó quyền tự do của họ, tại sao lại cấm?
Nói theo nhiều người thì ông Đinh La Thăng đã vượt quá quyền hạn của mình khi ra lệnh cấm đó. Một số người khác thì bắt đầu hoài nghi là não bộ của ông Thăng có điều gì đó không ổn. Và điều hoài nghi đó được chứng thực ngay lập tức khi báo chí loan tải là bộ giao thông đề nghị lập thêm 4 tập đoàn kinh tế quốc doanh trực thuộc bộ này. Đáng chú ý nhất là tập đoàn xây dựng đường cao tốc.
Không biết cụm từ "đường cao tốc" có bao gồm cả đường sắt cao tốc mà "các nước chỉ số thông minh cao đều làm" hay không, nhưng dù chỉ là đường bộ thôi thì các dự án cũng sẽ trị giá ít nhất vài trăm tỷ Mỹ kim, tức một miếng đất rất màu mỡ để bầy sâu tham nhũng sinh sôi nẩy nở.
Nhưng xây dựng đường cao tốc để làm gì, trong khi đường sá từ thành thị đến nông thôn đều xuống cấp, có nơi phải lội bùn mà đi từ nhiều năm qua. Ngay cả quốc lộ 1A cũng đang có hàng trăm người chết và bị thương mỗi ngày, chưa kể là cứ mưa xuống là ngập lụt khiến cho tuyến đường Bắc – Nam tê liệt khắp nơi.
Và với ý thức giao thông còn quá yếu kém trong giới tài xế và dân chúng, thì đường cao tốc càng nhiều chừng nào thì các vụ tai nạn càng diễn ra thảm khốc hơn. Ví dụ như đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Tho.
Cái mà VN đang cần là đường sá và cầu cống tốt hơn, lưu thông có trật tự hơn, có hệ thống tín hiệu và bảng chỉ dẫn rõ ràng chứ không cần phải chạy với tốc độ cao. Rất nhiều thành phố lớn trên thế giới, với đường sá và cầu vượt dày đặc, cũng không có tốc độ quá 50 cây số giờ. Việc tắt nghẽn giao thông làm tốn thì giờ di chuyển nhiều hơn chứ không phải là do tốc độ lưu thông thấp. Tiết kiệm được vài phút trên đường cao tốc nhưng khi tiến vào nội thành lại bị kẹt xe đến mấy tiếng đồng hồ thì cũng như không.
Và chỉ khi nào đường sá tốt hơn thì mạng lưới chuyên chở công cộng mới tốt hơn và dễ dàng phát triển rộng ra. Đến khi đó thì không cần có lệnh cấm, người dân sẽ có ít đi xe gắn máy hơn vì xe buýt rẻ hơn, và cũng không cần phải thay đổi giờ đi học đi làm, gây xáo trộn cho đời sống người dân.
Nhưng điều quan trọng là không nên giao thêm dự án đường sá cho các tập đoàn quốc doanh hay nhà thầu Trung Quốc nữa. Thực tế cho thấy là các dự án đó đều thiếu phẩm chất và quá trình xây dựng rất ì ạch. Đại lộ Thăng Long hay hệ thống thoát nước ở Sài Gòn là các thí dụ điển hình. Một phần là vì khả năng yếu kém, nhưng phần lớn là vì tham nhũng quá mức.
Nhưng nếu không giao cho nhà thầu Trung Quốc, hay các tập đoàn quốc doanh, thì sẽ mất ghế như chơi, phải vậy không ông Thăng?
Lê Phục Văn
No comments:
Post a Comment