HS: Từ một vùng đất dày đặc tôm cá của mấy thập niên trước, tỉnh Long An nay gần như cạn kiệt nguồn cá đồng vì tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Hữu Danh, qua sự trình bày của Dian.
Vào bất kỳ một quán nhậu nào ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, kêu món "cá ròng ròng" hay "cá rô hột bí" là chủ quán đều "OK, có ngay". Chính việc đánh bắt theo kiểu tận diệt, bất cần bảo tồn đang dẫn đến sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản hiện nay.
Nhiều năm trước đây, xã Bình Hòa Trung thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An được coi là cái rốn của "cá đồng". Bởi vùng đất này nằm cặp sông Vàm Cỏ, các ao hồ thiên nhiên còn rất nhiều. Thế nhưng suốt ba bốn mùa lũ vừa qua, dân Bình Hòa Trung chủ yếu ăn cá biển, bởi nguồn cá đồng đã cạn kiệt. Khắp nơi người ta dùng lưới lỗ nhỏ loại 3 ly để xây dớn dày đặc, rồi dùng cả lưới cào xung điện để vét đến con cá cuối cùng.
Ông Hai Thương ở ấp Bình Nam lái chiếc xuồng gỗ chở tôi băng qua vạt đồng mênh mông nước để chứng kiến tận mặt cách người dân đánh bắt thủy sản theo kiểu truy cùng giết tận. Ông Thương cho biết, từ đầu mùa lũ, người dân địa phương có cam kết với nhà cầm quyền là sẽ không đánh bắt cá trái với quy định. Tuy nhiên, người dân ở các nơi khác kéo tới làm ăn thì không có cam kết nên họ mặc sức khai thác, bất chấp việc bảo tồn.
Giữa mênh mông nước lũ, những con cá rô nhỏ bằng hạt bí đến bầy cá lóc con, cho đến các loại cò, chim, rắn, rùa... đều bị các ngư cụ bủa vây không có đường thoát. Từ các dụng cụ khai thác thân thiện với môi trường như nò, lờ, lọp, dớn, vợt, câu cần, câu giựt, lưới kéo, lưới giăng, vó bật, kéo côn... đến các thứ bị cấm như xung điện, thuốc cá bằng thảo mộc và cả hóa chất, đều được khai thác triệt để. Cá tạp, cá con nhỏ bằng hạt dưa cũng không thoát khỏi hàng trăm, hàng ngàn cái dớn giăng dày đặc như thiên la địa võng.
Ông Hai Thương buồn bã nói: "Dân địa phương như tôi giăng lưới cũng chỉ kiếm ăn chứ không bán chác gì được. Bởi cá lớn cá bé đều bị mấy người đánh bắt trái luật vét sạch rồi". Sau khi đi thăm hết mấy tay lưới chỉ có được chừng 1 ký cá tạp, ông Hai Thương nói số cá này ông dùng làm mồi, để tối tối sang đất Campuchia câu ếch. Ông cho biết: "Bên đó họ cấm ngặt nghèo lắm nên nguồn lợi thủy sản còn nhiều. Cá lóc loại 5 hay 6 ký một con ở bên đó không phải là hàng hiếm. Ếch tôi câu bên đó cũng to bằng hai ba lần ếch bên mình. Tuy nhiên, họ chỉ cho giăng lưới hay cắm câu nên dân mình chỉ khai thác đủ sống chứ không giàu được".
Ở xuồng kế bên, ông Tư Tân cũng đang gỡ mấy con cá sặt nhỏ xíu dính lưới thảy vô cái thau. Đưa mắt nhìn hàng dớn phía xa xa, ông Tân nói với giọng trách móc: "Thủ phạm là nó đó. Mấy năm trước, tui chỉ giăng lưới khúc sông sau nhà mà cá ăn không hết. Lớp làm mắm, lớp phơi khô, rồi còn làm mấy khạp nước mắm để ăn quanh năm. Năm nay, giăng lưới nhiều bữa kho mặn ăn còn không đủ. Cá tôm Đồng Tháp Mười sắp tuyệt chủng hết rồi".
Theo ông Tân, dân câu xứ này hầu hết giải nghệ, nhường lãnh địa cho cánh đánh bắt chuyên nghiệp đến từ An Giang, Đồng Tháp. Ông Nguyễn Văn Quang, một nông dân ấp Bình Nam kể rằng, nhiều lần ông và đồng nghiệp khác đang giăng lưới thì bị đám ghe cào lướt ngang cuốn mất lưới nhưng không làm gì được: "Chúng tôi phát giác họ dùng xung điện, dùng lưới lỗ nhỏ, nên có gọi điện báo công an xã mấy lần nhưng chẳng thấy ai xuống nên chúng tôi đành bỏ mặc, ai muốn làm gì thì làm".
Cặp theo các tuyến kênh Hồng Ngự, kênh 79 và nhiều tuyến kênh khác thuộc vùng Đồng Tháp Mười, ban ngày các ghe cào điện, ủi điện buộc dây đậu sát bờ đất. Các ghe trang bị xung điện cũng chỉ hoạt động vào ban đêm, vừa đánh được nhiều cá vừa... né công an. Hầu hết ghe cào và ghe ủi đều gắn động cơ xe hơi cũ, mua từ chợ trời ở Campuchia.
Thậm chí, có ghe loại lớn còn gắn cả động cơ xe tải và xử dụng luôn nguồn điện này. Các dây dẫn điện gắn vào phần đáy cào. Mỗi khi ghe di chuyển, cá lớn cá bé trúng phải nguồn điện đều rơi hết vào miệng cào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương gần như bất lực trước tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt này. Hiện nay, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao về cho công an xã. Tuy nhiên, điều khó khăn là lực lượng này chỉ được giao nhiệm vụ chứ không được giao phương tiện gì.
Một trưởng công an xã ở huyện Tân Hưng giải thích: "Công an chỉ được giao một chiếc vỏ lãi gắn máy nhỏ, làm sao truy đuổi được ghe cào gắn máy lớn? Hơn nữa, lực lượng không có tiền hoạt động. Chỉ một việc đi cắt mấy cái dớn, chúng tôi còn không làm xuể thì nói gì tới việc tháo gỡ?" .
Hữu Danh
No comments:
Post a Comment