Sunday, October 9, 2011

CUỘC SỐNG BÌNH YÊN CHỈ CÒN TRONG CỔ TÍCH?

Ngày 09.10.2011
HS: Nhà nước cộng sản suốt nhiều năm qua vẫn ra rả tuyên truyền là xã hội rất ổn định và bình yên. Thế nhưng càng ngày thì tình trạng trộm cắp càng gia tăng đến mức chóng mặt. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của anh Trần Minh Quân, nói về tâm lý bất an của mọi người đang sống tại VN, qua sự trình bày của chị Dian.
Cách đây vài tuần, trong một quán cà phê, tôi có dịp nghe câu chuyện của một nhóm nhân viên kinh doanh của một vài công ty đang ngồi ở bàn bên cạnh. Câu chuyện của họ liên quan đến vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, nhưng họ không bàn về hành vi giết người man rợ, hay mức án dành cho Luyện, mà là một chi tiết rất nhỏ, có liên quan mật thiết với công việc của họ. Đó là: Chống trộm bằng cách nào?

Một người trong số họ phát giác cánh cửa bị Luyện cậy và đột nhập vào tiệm vàng là cửa nhựa, có lõi thép tăng cường, hiện xử dụng rất phổ biến. Anh ta than thở: "Nhiều người mà biết được chuyện này, thì doanh số bán hàng sẽ giảm!". Sau đó hàng loạt các giải pháp chống trộm được họ đưa ra. Nào là từ nay sẽ tư vấn cho khách hàng lắp đặt thêm song sắt bảo vệ khi gắn cửa. Nào là tư vấn cho khách hàng một số giải pháp có kỹ thuật cao như máy thu hình, hệ thống cảnh báo bằng cảm ứng nhiệt hay cảm ứng chuyển động, ...
Một người trong số họ cho biết, cách đây vài hôm anh ta tư vấn về mọi phương thức cho một chủ nhà nhưng người này vẫn không cảm thấy an tâm về khả năng chống được trộm. Từ đó, câu chuyện đang rôm rả bỗng "xìu" xuống, chìm trong im lặng. Thú thật, nếu chưa được nghe qua hoặc chưa có nhu cầu thì rất ít người biết đến những thiết bị chống trộm tiên tiến như vậy. Và thực tế thì phải bị trộm cắp quá nhiều và ghê gớm nên người chủ nhà mới vẫn tỏ vẻ hoài nghi về mọi giải pháp đưa ra.
Với thực trạng xã hội VN hiện nay thì sự lo lắng của người chủ nhà là hoàn toàn đúng. Trộm cướp xuất hiện khắp nơi và ngày càng táo bạo. Chuyện giật giỏ xách, giật dây chuyền, trộm cướp xe gắn máy giữa thanh thiên bạch nhật đã không còn là chuyện lạ. Và dù được khóa cửa cẩn thận nhưng trộm đột nhập vào nhà để ăn cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí chúng còn dám leo lên trụ điện chỉ để cắt vài chục thước dây điện để bán kiếm tiền tiêu xài...
Tại bất kỳ nơi đâu đều có các tấm biển cảnh báo như "Coi chừng mất xe" hay "Khóa xe cẩn thận". Thế nhưng đã có nhiều trường hợp trộm cướp xe gắn máy, ngay khi có nhân viên bảo vệ. Với nhiều người, nhất là phụ nữ, việc đi lại vào ban đêm trên những con đường vắng luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Giờ đây tâm lý bất an trở nên thường trực mỗi khi ra đường, ăn uống hay đi mua sắm. Tệ hơn thế nữa, bọn trộm cướp còn nghĩ ra đủ cách để trấn lột tiền bạc trên đường, nhất là các du khách đến từ nước ngoài, mà vụ một du khách Mã Lai bị cướp giữa ban ngày là một vụ điển hình.
Ở thành thị đã vậy, còn tại các vùng nông thôn thì sao? Liệu có khá hơn không? Câu trả lời là hoàn toàn không. Trước đây, người dân nông thôn sống rất đơn giản, nhà cửa chỉ khóa sơ sài và đôi khi không cần đóng cửa vào ban đêm. Nhưng nay thì đã khác. Dù cho có cửa đóng then cài nhưng trộm cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Chuyện bắt gà, hái bí, trộm cắp tiền bạc, xe cộ đã không còn là chuyện hiếm.
Nhiều người giải thích là vì trước đây dân nông thôn nghèo quá, không có vật dụng gì có giá trị để người ta sinh lòng tham. Nhưng cách giải thích này hoàn toàn không hợp lý. Vì bất cứ thời nào, khi nghèo thì cái cuốc, cái xẻng, chiếc xe đạp... vẫn là một tài sản có giá trị vào thời đó. Nhưng tại sao khi ấy người ta vẫn tin tưởng nhau tuyệt đối, và trộm cướp chỉ là trường hợp hy hữu lắm mới có?
Có thể nói, nỗi lo sợ trộm cướp như là bóng ma đang len lỏi đến từng hang cùng ngỏ hẻm, từ nông thôn ra thành thị. Đúng hơn là trộm cướp đang là nỗi lo của mọi người, chứ không riêng gì ai.
Nhưng trộm cướp từ đâu mà sinh ra nhiều thế? Và tại sao người ta lại lo sợ tới mức không dám tin vào các phương tiện báo trộm, chống trộm tiên tiến, thậm chí không còn tin vào con người? Đến nay, chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác.
Nói cho cùng thì trộm cướp cũng là con người và từ xã hội mà ra. Họ có thể từng là người lương thiện, nhưng vì cuộc sống, nhận thức hay lòng tham đã đưa họ đến con đường phạm pháp. Nhưng câu trả lời khả dĩ nhất là vì đạo đức suy đồi. Dù điều kiện kinh tế được xem là khá hơn trước, nhưng đi kèm với nó cũng là sự băng hoại về đạo đức, thậm chí bị đã bị đạp đổ không thương tiếc.
Một số người thì tặc lưỡi nói: "Âu cũng là hệ quả tất yếu của thực trạng tham nhũng, hối lộ, bòn rút ngân quỹ từ một số người lãnh đạo, có chức có quyền. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn".
Lâu nay chúng ta vẫn tự hào là một đất nước yên bình. Nhưng khi mà mọi người hay mọi nhà luôn muốn trang bị cho mình những phương tiện chống trộm tối tân nhất, hay luôn lo sợ mỗi khi để tài sản của mình ngoài tầm quan sát, thì mới biết rằng cái sự bình yên ấy đã trở thành chuyện cổ tích mất rồi.
Nạn trộm cướp như một cơn dịch bệnh, đã thực sự cướp đi sự bình yên vốn có của cộng đồng xã hội Việt Nam. Và câu hỏi ai sẽ mang trả nó trả lại cho mọi người, bằng cách nào, bao lâu nữa, thì dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ.
TRẦN MINH QUÂN

No comments:

Post a Comment