Câu chuyện kỳ này xin xoay quanh một thứ mà người Việt chúng ta dùng đến hàng ngày.
Nói đến Úc, người ta liên tưởng ngay tới một quốc gia chỉ xuất cảng than đá, hơi đốt và quặng mỏ. Kể ra thì cũng phải thôi. Với trị giá xuất cảng trong năm nay lên tới gần 200 tỉ Mỹ kim, nhiên liệu và khoáng sản của Úc quả thật đứng đầu trong các mặt hàng Úc bán ra các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, có một mặt khác ít ai để ý đến là việc xuất cảng lương thực của Úc. Tuy không có sản lượng nhiều so với diện tích mênh mông, nhưng vì mức tiêu thụ trong nước rất ít ỏi, nước Úc dư thừa nông phẩm khá nhiều để đứng vào danh sách các nước hàng đầu về xuất cảng thịt thà, rau quả, đường mía, nho, rượu và các loại hạt như lúa mì, bắp, lúa mạch, và gạo. Có lẽ một số thính giả không biết rằng, vào những năm được mùa, Úc có thể bán ra xấp xỉ một triệu rưỡi tấn gạo, kể cả giống gạo người Nhật ưa chuộng và rượu saké làm từ gạo Nhật. Nghe ra như một chuyện "chở củi về rừng", nhưng đấy là chuyện có thật.
Trong khuôn khổ câu chuyện tuần này, chỉ xin nói về kỹ nghệ trồng lúa gạo là kỹ nghệ người viết biết võ vẽ đôi chút. Trồng bông vải hay lúa thì cần có nước thật nhiều, cho nên kỹ nghệ trồng bông vải và lúa gạo chỉ tụ tập ở những vùng thượng lưu con sông dài nhất nước Úc, là hệ thống sông ngòi theo châu thổ sông Murray và Darling. Và chỉ trong những năm có mưa nhiều thì các vùng này mới có đủ nước đưa từ sông lên tưới ruộng lúa.
Các trang trại trồng lúa của Úc có một điểm rất đặc biệt. Đó là không có chuyện cấy lúa, mà chỉ có trồng lúa. Không hề có chuyện "ruộng cao đóng một gầu dai; ruộng thấp anh phải đóng hai gầu sòng" như ở bên nhà mình thời xa xưa. Cây lúa của Úc cũng thuộc một giống mới nhất. Thân cây thì lùn tịt, và năng lượng cùng phân bón chạy nhiều hơn vào các hạt lúa thay vì mọc thành rơm rạ. Có lẽ chỉ có chi tiết này là tương tự như ở Việt Nam, với lúa giống lấy từ Trung tâm Nghiên cứu về Lúa gạo ở Phi Luật Tân.
Ngoài ra thì việc trồng cấy khác xa so với VN. Các thửa đất trồng lúa ở Úc rộng vài nghìn cây số vuông, tức hàng trăm nghìn mẫu tây, mà chẳng có be bờ phân định gì cả, nên rất tiện lợi cho việc dùng máy móc. Thành ra mỗi trại chỉ có vài ba người điều hành, phần lớn là từ một gia đình. Thế đất cũng được san định bằng tia laser, đầu này cao hơn đầu kia theo độ dốc một phần nghìn, để nước dẫn vào ruộng chẩy từ từ theo độ dốc thoai thoải đó. Nếu cần, thí dụ như khi trời chuyển lạnh thình lình vào đầu mùa, người ta dễ dàng rút nước đi cho cây lúa con khỏi úng thủy.
Khi gieo hạt, thường thì người ta gieo bằng... máy bay, với hạt giống gói ghém sẵn đủ thứ thuốc, từ thuốc trừ sâu tới thuốc làm cho nẩy mầm nhanh chóng, và phân bón lần đầu tiên. Gieo đâu thì để mọc đó, chứ không chờ mạ lên, nhổ mạ rồi cấy lại như thời xa xưa ở bên mình. Thật sự thì người viết không biết bây giờ ở nước ta có còn nhổ mạ rồi cấy xuống hay không nữa vì mấy chục năm chưa về thăm quê.
Trong thời gian trên dưới một trăm ngày, khi thì xịt thuốc sát trùng, khi thì rải thêm phân bón, cái gì cũng làm bằng máy bay. Đến lúc gặt thì dùng máy. Máy chạy đến đâu, lúa được gặt đến đấy. Một đầu máy nhả ra rơm rạ, đầu kia là bồ lúa lưu động. Thành ra chẳng có chỗ nào có tay người đụng đến. Làm kiểu này chắc hạt lúa rơi vãi khá nhiều, nhưng trong những chuyến thăm viếng vùng Griffith hay Leeton ở tiểu bang NSW, chưa có khi nào kẻ viết bài này được mời ăn... ếch nhái hay chuột đồng cả. Kể ra thì cũng mất đi phần nào hứng thú, bởi không có soi ếch mà cũng không có hun chuột về ...ướp xả nướng vàng lên.
Nhưng năng suất lúa ở Úc thì rất cao. Như đã nói ở phần trên, những năm có nước nhiều thì với diện tích canh tác khoảng 150 nghìn mẫu tây và với một mùa duy nhất trong năm, Úc thu hoạch trên dưới một triệu rưỡi tấn gạo. Đây tuy không phải là chuyện "với sức người, sỏi đá cũng thành cơm", và chắc chắn cũng không phải là lời láo khoét về năng suất, nhưng chỉ làm con tính nhẩm, người ta thấy trung bình mỗi mẫu tây ở đây cũng cho ra tới 10 tấn gạo. Xin nhấn mạnh là "gạo" chứ không phải là "lúa".
Thế nhưng mức tiêu thụ gạo ở Úc còn khá thấp, nhất là chỉ có người Á châu như người Việt mình mới ăn thường ngày. Và người Việt mình thì lại "kén cá chọn canh", ít ăn gạo Úc mà lại ăn gạo nhập của Thái, của Ấn Độ vì nó thơm hơn. Cho nên Úc tuy bán gạo ra nhiều, mà vẫn phải nhập cảng gạo thơm cho hợp khẩu vị dân chúng. Gần đây còn có cả gạo Việt Nam như gạo Hai Trái Đào nữa. Những dữ liệu về gạo ở Úc, từ mức sản xuất cho đến xuất cảng, thật ra chẳng đáng bao nhiêu so với mức sản xuất gần 40 triệu tấn và xuất cảng khoảng 7 triệu tấn mỗi năm của Việt Nam, nhưng nó đủ cho thấy sự khác biệt trong thể chế chính trị có ảnh hưởng lớn tới chuyện gạo.
Đầu tháng tới, nước xuất cảng gạo hàng đầu trên thế giới là Thái Lan sẽ đơn phương tăng gấp rưỡi giá thu mua, từ 320 lên tới 485 Mỹ kim một tấn, theo với lời hứa hẹn tăng lợi nhuận cho nông dân đã đưa đảng cầm quyền thắng cuộc bầu cử vào đầu tháng Bẩy vừa qua. Giá gạo trên thị trường thế giới trong thời gian qua cũng rục rịch tăng theo, nhất là giá bán lẻ, vốn cao gấp mấy lần giá bán sỉ.
Với mức xuất cảng 10 triệu tấn mỗi năm, nếu Thái Lan có thể khiến cho thế giới chấp nhận mức giá mới thì nhiều người sẽ khổ lắm. Những nước nghèo khó và dựa vào gạo để sống như Việt Nam sẽ rất chật vật, và lạm phát vốn đã cao lại còn cao hơn nữa. Ở những nước ăn uống thừa mứa như Mỹ, như Úc... thì gạo chắc cũng sẽ tăng giá ít ra là gấp rưỡi ở khâu bán lẻ. Khi ấy thì một bao gạo nhập cảng, có trọng lượng 25 kí lô ở Úc, sẽ có giá hơn 60 Úc kim. Nhưng đấy là chuyện... nhỏ trong xã hội giàu có, vì người không đi làm cũng vẫn được chính phủ chi tiền phụ cấp xã hội hàng tuần.
Hẹn gặp lại quý vị qua Lá Thư Úc Châu kỳ tới.
Đằng Phong Hầu
No comments:
Post a Comment