Thursday, November 28, 2019

Nguyễn Chí Thiện Nhà thơ nhân chứng lịch sử (tiếp theo)

Thi Ca Yêu Nước

Thấm thoát đã hơn 3 năm ngồi tù, Nguyễn Chí Thiện đã quen với sinh hoạt của một thế giới mà nhìn đâu cũng chỉ thấy đói khát, bệnh hoạn, chết chóc, hận thù. Một nơi mà con người bị hành hạ bị khinh miệt không bằng những con vật. Hòa mình trong cái thế giới khốn nạn như thế, Nguyễn Chí Thiện thấy tuyệt vọng, nhưng vẫn nhận thức được rằng ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nguyễn Chí Thiện thấy  xót xa khi chứng kiến những đau khổ tột cùng của người khác. Bên cạnh sự tuyệt vọng của thân phận mình là sự hấp hối của một người em tập kết trước giờ lâm chung, nỗi xót xa được Nguyễn Chí Thiện ghi lại trong bài Anh gặp em, viết năm 1965:
Những manh ao vải
Tả tơi
Vật vã
Vào thịt da…
Em co lạnh lắm không?
Mưa gió mênh mông
Thung lũng sũng nước bùn
Bệnh xá mối đùn, ẩm mốc
Những khuôn mặt xanh vàng gầy rộc
Nhìn nhau, đờ đẫn không lời
Nhát nhát em ho
Từng miếng phổi tung rời
Bọt sùi, đỏ thắm!
Em chắc oán đời em nhiều lắm
Oán con tàu tập kêt Ba Lan
Trên sóng năm nào
Đảo chao
Đưa em rời Miền Nam chói nắng
Sáng nay em không trống không kèn
Giã từ cuộc sống
Xác em dấp trên đồi cao gió lộng

Bên cạnh người em tập kết là xác một thân trâu, một con trâu đã lao động suốt bao năm dài, nay trâu bệnh không kéo cầy kéo gỗ được nữa, trâu lăn ra chết, xác trâu được xẻ thịt làm bữa tiệc mừng ngày quốc khánh cho tù nhân, nhưng chia thế nào 40 cân thịt cho một ngàn tù nhân đói khát đây!
Trông trâu mà khiếp cho trâu
Lở loang, tanh loét, sắc màu nhở nham
Lệnh ban giám thị nhà giam
Mừng ngày quốc khánh cho làm thịt ăn
Tù nhân tính toán băn khoăn
Bốn mươi cân thịt người ăn một nghìn
Bên cạnh chân dung lở loang, tanh loét của một xác trâu bên cạnh một nghìn thân tù hấp hối mừng ngày quốc khánh, lại là một chân dung người ốm đau mà không thuốc thang chăm sóc.
Bác nằm gần sát cầu tiêu
Mùi phân nước giải sớm chiều nồng hôi
Bác ơi, bác sắp chết rồi
Bác không còn sức để ngồi được lên
Bắc nằm thoi thóp khẽ rên
Bát cơm ngô, bát rau dền đặt bên
Bác thêm một miếng đường phèn
Nhà giam Cộng Sản bác quên bác tù
Trưa nay cái chết lù lù
Tới khiêng bác – Khối hận thù ngàn thu!
Và bên cạnh chân dung người chết, là chân dung thần chết lảng vảng chập chờn khi ẩn khi hiện, thần chết là người bạn tù nằm bên cạnh hay chính tôi?
Nhìn thần chết hiện lên dần tứng bước
            Thân tù cao không có lực xô lùi
            Anh chết oan, chết thảm, chết dập vùi
            Hồn khổ não không thể nào siêu thoát
            Đêm đêm hiện về đây lạnh toát
            Bộ đồ đen, bụng phù trướng, bước đi
                        Anh ngước nhìn tôi, ra hiệu, chẳng nói gì
                        Mặt bủng xám, mắt ngời lên sáng quắc
                        Anh bạn ơi, đời tù lao nghiệt khắc
                        Có thể nào đốt được nén hương thơm
                        Để tỏ ý xót thương và tưởng niệm!
                        Anh đã linh thiêng về đây ứng nghiệm
                        Thế đủ rồi, tôi hiểu, hãy nên lui
                        Thể xác anh chuột khoét đã chôn vùi
                        Hồn anh hãy về vui nơi cực lạc
            Lưu luyến chi đời tù lao đói rạc
            Sống đọa đầy, thoi thóp, sống ngựa trâu
            Chết như anh, hết khổ, có chi sầu?
            Anh vẫn nhìn tôi, bướng bỉnh, lắc đầu
Coi mặt đất cực hình chưa hưởng đủ?
            Tùy anh đó, thôi chào anh, tôi ngủ

Trong nhiều năm Nguyễn Chí Thiện ngồi vẽ chân dung như thế, bức nọ cạnh bức kia, thành cuộc triển lãm một quần hội nửa người nửa thú, đang sống mà đã chết, một thế giới người, vật, âm, dương không phân chia giai cấp, không phân liệt đấu tranh, một vùng ngoại biên trên sông lú, người và vật cùng bị giam trong ngõ cụt, trong không gian kín, chết sống giao thoa, cái đói là bát cháo lú khiến người tù quên mình khi trước đã từng là một con người. Ta hãy nghe đoản thơ Suất cơm tối viết năm 1966:
Suất cơm tôi một hôm đánh đổ
            Tôi còn đương đau khổ nhìn theo
            Thì nhanh như một đàn heo
            Bốn, năm đầu bạc dẫm trèo lên nhau
            Bốc ăn một lúc sạch làu
            Miếng cơm, miếng đất, lầu bầu chửi nhau.
Trên bờ nghĩa địa ấy, người thanh niên Nguyễn Chí Thiện tồn tại như một vong hồn:
Tôi đương sống, nhưng từ lâu đã chết
            Chết trong tim, trong óc, chết tâm hồn
            Cố đào lên bao thứ  sớm vùi chôn
            Song chúng đã xông mùi, tan rữa hết

Để khép laị những vần thơ nhân chứng, như chính tác giả nhận định thơ của chính mình, ta hãy nghe bài Thơ của tôi, Nguyễn Chí Thiện viết năm 1970.
Thơ của tôi không phải là thơ
            Mà là tiếng cuộc đời nức nở
            Tiếng của nhà giam ngòm đen khép mở
            Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ
                        Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ
                        Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ
                        Tiếng răng lạnh đập vào nhau khổ sở
                        Tiếng dạ dầy đói lả bóp bâng quơ
            Tiếng tim buồn thoi thóp đập bơ vơ
            Tiếng bất lực trước muôn ngàn xụp lở
Toàn tiếng của cuộc đời sống dở
            Và chết thời cũng dở, phải đâu thơ.
Năm năm sau, 1975, ông viết bài thơ thứ nhì định nghĩa thơ của mình còn khốc liệt hơn:
Thơ của tôi không có gì là đẹp
            Như cướp vồ, cùm kẹp, máu ho lao.
            Thơ của tôi không có gì cao
Như chết chóc, mồ hôi, báng súng
Thơ của tôi là những gì kinh khủng
Như đảng đoàn, như lãnh tụ, như trung ương
Thơ của tôi kém phần tưởng tượng
Nó thực như tù, như đói, như đau thương
Thơ của tôi chỉ để đám dân thường
Nhìn thấu suốt tim đèn phường quỉ đỏ
Không còn gì để bàn trước những lời thơ như thế. Trước những dòng thơ tù như thế, mọi khen chê, mọi nghệ thuật đều trở nên vô nghĩa:
Trước mắt tôi, mặt trời hấp hối
            Sau lưng tôi, bóng tối mịt mùng,
            Bên phải tôi, tù ngục chập chùng,
            Còn bên trái, súng nhằm tim chắn lối.
MN, HS, BC và KA tam biệt quí thinh giả và xi gặp lại trong TCYN lần tới.
Khôi Anh

No comments:

Post a Comment