Sunday, May 24, 2015

Việt Nam Tuần Qua 24.5.2015

Chủ Nhật, ngày 24.05.2015    
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Để mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay, xin anh nhắc lại sự việc Công an VN đã bắt cóc nhiều người sau khi tham dự hội thảo truyền thông tại Singapore?
Trường An: Theo tôi được biết, nhiều blogger tham dự buổi hội thảo truyền thông tại Singapore đã bị công an cộng sản bắt cóc sau khi đáp chuyến bay trở lại Việt Nam.
Tại Hà Nội, ông Mai Xuân Dũng vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài lúc 18 giờ tối ngày 18/5 thì lập tức bị câu lưu. Gia đình và bạn bè của ông Dũng khi đến chất vấn lý do bắt người thì lập tức bị CA kéo đến đe dọa, hành hung. Ngay giữa sân bay quốc tế nhiều người qua lại, lực lượng CA và một số kẻ lạ mặt còn ra tay đánh đập anh Bùi Tiến Hưng và anh Nguyễn Văn Đề.
Tại Sài Gòn, blogger Huỳnh Công Thuận cho biết 3 người cũng đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất bắt cóc gồm có ông Võ Văn Tạo, Khổng Hy Thiêm và Trần Lê Uyên Thảo. Đến 10h tối cùng ngày, tất cả các blogger này đều đã ra khỏi đồn và về nhà.
Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua, Quốc hội bù nhìn CSVN đã quyết định hoãn thảo luận về dự luật biểu tình. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo lời đề nghị của nội các Nguyễn Tấn Dũng, quốc hội bù nhìn VN sẽ dời việc thảo luận dự luật biểu tình sang một kỳ họp vào năm tới, nhưng không giải thích lý do tại sao. Riêng về dự luật cho phép thành lập hội đoàn dân sự thì vẫn tiến hành thảo luận nhưng có thành luật hay không thì chưa biết.
Xin được nhắc lại là hai năm trước, ông Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng từng kêu gọi soạn thảo dự luật cho phép người dân được biểu tình. Dự luật được giao cho bộ công an soạn thảo, nhưng từ đó đến nay vẫn không có tiến triển nào. Ngay trong hiến pháp mới nhất của nhà nước VN cũng có điều khoản số 25 có nội dung viết rằng "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội và biểu tình", tuy nhiên lại kèm theo một câu văn rất ấm ớ là "việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Có nghĩa là nếu không được nhà cầm quyền VN cho phép thì việc biểu tình hay tự động thành lập hội đoàn là bất hợp pháp.
Cũng trong buổi họp vào hôm thứ 5 vừa qua, quốc hội bù nhìn đã đồng ý sửa đổi dự luật 60 để cho phép các công nhân được lãnh toàn bộ tiền bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc, mà không phải chờ đến tuổi về hưu. Việc sửa đổi này là nhằm dập tắt làn sóng đình công của giới công nhân trên toàn quốc, với hàng trăm ngàn người xuống đường vào tháng 3 vừa qua để phản đối dự luật giữ lại tiền bảo hiểm của họ.
Ngoài ra một số đại biểu quốc hội cũng phản đối việc ghi thêm điều khoản "phải ghi âm hay ghi hình việc công an thẩm vấn các nghi phạm" trong bộ luật tố tụng hình sự. Việc phản đối này cho thấy là quốc hội bù nhìn hoàn toàn làm ngơ trước tệ nạn công an tra tấn người dân đến chết ngay trong đồn công an.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến mới đây, nhà cầm quyền VN đã ra lệnh cho giới báo chí trong nước phải tháo gỡ lá thư ly khai của 20 nhà văn, nhà thơ. Xin anh nói rõ hơn về việc này?
Trường An: Theo như tôi được biết, giới báo chí lề đảng đã đồng loạt gỡ bỏ lá thư tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn VN của hơn 20 nhà văn nhà thơ nổi tiếng trong giới văn chương VN. Kể từ tối hôm thứ 5 các đường dẫn đến lá thư này trên các tờ báo lớn đều bị gián đoạn.
Trước đó, hội Nhà văn VN là một tổ chức do đảng CSVN lập ra từ mấy chục năm qua. Trong đại hội thường niên vừa diễn ra vào đầu tháng này tại Sài Gòn, giới cầm đầu hội này đưa ra đề nghị khai trừ một số cây viết đã gia nhập vào Văn đoàn Độc lập, một tổ chức dân sự được thành lập vào năm ngoái để cổ xúy cho quyền tự do sáng tác của giới văn nghệ sĩ và không chấp nhận sự khống chế của đảng cộng sản.
Ngay sau lời đề nghị nói trên, hàng loạt cây viết ký tên lên tiếng từ bỏ hội văn quốc doanh, trong số đó có nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà thơ Đỗ Trung Quân. Lá thư của 20 nhà văn nhà thơ cho biết lý do từ bỏ là vì giới lãnh đạo hội văn quốc doanh đã tự tiện tước quyền tham gia đại hội của họ và hành động này không chỉ xúc phạm nghiêm trọng đến quyền công dân mà còn xúc phạm đền danh dự của những người cầm bút. Theo nhận định của nhà thơ Đỗ Trung Quân thì việc gỡ bỏ lá thư này có lẽ là do nhận lệnh từ cấp trên, và nói thêm là đến hôm nay các cây viết ly khai vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ hội nhà văn quốc doanh.
Hoàng Ân: Thế còn việc sao Bộ giáo dục VN lại muốn giảng dạy tiếng Trung từ bậc tiểu học trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế mà vẫn bị hạn chế tại rất nhiều trường học tại VN là sao thưa anh?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, Thông tin về kế hoạch của Bộ Giáo dục- Đào tạo VN sẽ chính thức đưa môn tiếng Trung vào giảng dạy từ cấp tiểu học, trung học cơ sở tại Việt Nam gây xôn xao dư luận, vì theo nhiều nhà giáo dục và các bậc phụ huynh trong nước thì cách làm đó là chưa phủ hợp bởi họ cho rằng tiếng Anh mới là ngôn ngữ cần phải đẩy mạnh trong các trường học tại VN.
Như chúng ta từng biết, từ đầu những năm 1990, tiếng Nga và tiếng Pháp đã được đưa vào chương trình phổ thông như một môn học bắt buộc. Sau đó, học sinh có thêm lựa chọn là tiếng Anh, Nhật. Thế nhưng, với kế hoạch đưa tiếng Trung, một ngoại ngữ mà quốc gia sử dụng là quốc gia có số dân lớn nhất thế giới lại là vấn đề mà Bộ giáo dục VN cân nhắc trong thời gian khá lâu. Và đồng thời việc này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi dù chưa có thông tin chính thức.
Tuy nhiên theo kế hoạch mới thì tiếng Trung sắp tới sẽ trở thành môn bắt buộc ở bậc tiểu học. Trước phản ứng dữ dội của dư luận, một quan chức bộ giáo dục nói rằng kế hoạch này chỉ áp dụng ở các khu có đông người Hoa hay người Việt gốc Hoa sinh sống, chẳng hạn như tại quận 5 Sài Gòn.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế, vào cuối tuần qua Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại VN kêu gọi nhà cầm quyền VN nên hạn chế việc đi vay nợ mới để trả nợ cũ, vì mức tăng trưởng kinh tế của VN vào năm tới sẽ ở mức thấp hơn năm nay. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Theo nhận định của ông Sanjay Kalra Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì VN có tỷ lệ nợ công đang ở mức quá cao, vì thế không nên đi vay mượn nữa mà cần phải tập trung cải tổ các tập đoàn kinh tế quốc doanh, các ngân hàng và nâng cao năng suất lao động để thu hút vốn đầu tư người ngoài.
Xin được nhắc lại là các số liệu của nhà nước VN đều không đồng nhất về mức nợ hiện nay. Theo bộ tài chính VN thì tỷ lệ trả nợ nước ngoài trong ngân sách nhà nước là 16%, chỉ tăng chút ít so với năm trước là 15%. Thế nhưng ủy ban tài chính ngân sách của quốc hội VN thì báo cáo là tỷ lệ trả nợ trong ngân sách lên đến mức 31% trong năm nay, tức gấp đôi tỷ lệ mà bộ tài chánh VN đưa ra.
Nhân đây tôi xin được nói thêm,Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu cho thấy mức thâm thủng trong cán cân mậu dịch với Trung Cộng đã lên đến 10 tỷ rưỡi Mỹ kim chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm nay. Con số thâm thủng này cao gấp 5 lần số tiền VN thu về từ các thị trường khác là 2 tỷ Mỹ kim.
Theo số liệu này thì VN xuất cảng sang Trung Cộng một lượng hàng hóa khoảng 5 tỷ Mỹ kim, nhưng lại nhập về một lượng hàng lên đến hơn 15 tỷ Mỹ kim, tăng gần 24% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment