Thứ Tư, 20.05.2015
Trong một nền dân chủ chân chính,
yếu tố pháp trị tức luật pháp nghiêm minh và thượng tôn luật pháp, giữ
một vai trò then chốt. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận
của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Dân Chủ Là Luật Pháp” sẽ được Hướng Dương
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Cuốn truyện tựa đề Tiểu luận về Nhìn sáng của nhà văn Bồ Ðào Nha José
Saramago mở đầu với cảnh một phòng đầu phiếu, ở thủ đô một xứ tưởng
tượng.
Trời mưa to, bão lớn, không thấy dân đến xếp hàng chờ đợi bỏ phiếu
như các năm trước. Ông trưởng phòng phiếu chờ đại diện của các đảng
chính trị tới đông đủ, tất cả yên vị, đúng giờ mở cửa, theo luật định,
ông ký bản văn chính thức cho dân vào, rồi bảo ông thư ký phòng phiếu
đem ra dán ngay trước cửa, vẫn theo luật định. Ông thư ký nói rằng với
tình trạng mưa, bão thế này, bản thông cáo dán lên trong một phút sẽ bị
mưa ướt nhèm và bị gió cuốn đi, dán làm gì vô ích. Ông trưởng phòng hỏi ý
kiến đại diện ba đảng, gồm có đảng hữu phái (dhp), đảng tả phái, và
đảng đứng giữa. Ba vị đại diện ba đảng chính trị đồng ý có thể niêm yết
bảng thông cáo trong nhà, tại một chỗ ai cũng thấy. Ông đại diện dhp yêu
cầu điều này phải được ghi vào biên bản cuộc bỏ phiếu, để tránh sau này
có người khiếu nại rằng việc tổ chức bầu cử bất thường vì không theo
đúng từng chữ trong luật lệ. Sau đó, ông trưởng phòng mời ba vị đại diện
vào phòng bỏ phiếu, cho thấy không có gì bất thường, rồi ông mở các
thùng phiếu cho cả ba vị coi, chứng nhận mỗi thùng đều trống, trong
sạch, vô nhiễm, không có lá phiếu nào để sẵn trong đó. Theo đúng luật
bầu cử, ông trưởng phòng bỏ lá phiếu đầu tiên, rồi đến các nhân viên của
ông, sau đó là ba vị đại diện ba đảng chính trị làm bổn phận công dân
của họ. Sau đó, họ về chỗ ngồi chờ các cử tri đội mưa tới bỏ phiếu.
Trong đoạn mở đầu, Saramago nhắc đến những chữ "theo đúng luật lệ"
nhiều lần. Tuy viết cuốn truyện để chế nhạo một cuộc bầu cử tưởng tượng,
ở một nước tưởng tượng, nhưng tác giả không quên nhấn mạnh rằng trong
một thể chế dân chủ, tất cả phải làm đúng luật, đúng từng chữ. Nhất là
trong việc bầu Quốc Hội, tức là chọn những người làm luật để cai trị
dân.
Chúng ta thường nói tới hai chữ Dân Chủ với niềm thành kính, coi đó
là một giá trị cao cả, một lý tưởng mà loài người đã tranh đấu nhiều thế
kỷ mới thành, mà hàng tỷ người hiện nay vẫn còn chưa được hưởng, trong
đó có người dân Trung Quốc và Việt Nam. Vì vậy, người Việt Nam đang
tranh đấu đòi dân chủ, coi đó là một khát vọng lớn lao, từ thời Phan
Châu Trinh, hơn một thế kỷ nay nước ta vẫn chưa đạt được.
Nhưng không nên nhìn chế độ dân chủ như một lý tưởng trừu tượng.
Trước hết, nên quan niệm thể chế tự do dân chủ như tập hợp của một số
"luật chơi dân chủ." Giống như đá bóng cần có luật thì cuộc chơi mới
hay; cuộc sống tập hợp trong xã hội cần những luật lệ buộc người tham dự
phải tuân thủ.
Luật chơi hoàn toàn do những người tham dự đặt ra, đồng ý với nhau,
thi hành một cách bình đẳng, không phân biệt, như vậy là dân chủ.
Cuộc vận động dân chủ hiện nay đang ngày càng mạnh hơn, biểu hiện
dưới nhiều hình thức. Nhiều khi đồng bào đang đòi dân chủ, dù không nhắc
đến hai chữ đó. Ðồng bào Bình Thuận biểu tình phản đối các nhà máy điện
gay không khí ô nhiễm. Dân Khánh Hòa biểu tình chặn xe trên quốc lộ để
phản đối việc nạo vét luồng lạch lấy cát tại Cam Ranh khiến nguồn nước ô
nhiễm làm tôm, cá nuôi trên bè bị chết sạch. Ðồng bào Ninh Thuận kéo
nhau đi phản đối xưởng muối đưa nước mặn vào ruộng. Ðó chính là những
vận động đòi dân chủ.
Bởi vì chỉ khi nào có chế độ dân chủ thì những hành động gây ô nhiễm
mới được ngăn chặn, trước khi xảy ra. Chỉ trong chế độ dân chủ thì những
người nắm quyền mới lo soạn ra những luật lệ bảo vệ cuộc sống lành mạnh
cho những người dân bình thường, vì chính trị gia nào cam kết bảo vệ
môi trường sống sẽ được dân bầu lên. Nếu họ chỉ nói suông mà không biến
lời cam kết thành luật lệ thì dân sẽ phản đối, kỳ sau họ sẽ thất cử.
Trong chế độ độc tài thì người cầm quyền chỉ cần vận động cấp trên trong
đảng của họ, không cần giành lá phiếu của dân. Cho nên họ cũng không
bận tâm làm luật bảo vệ không khí, bảo vệ nước, cho dân được sống lành
mạnh và no đủ.
Làm cách nào để tránh khỏi cảnh những người cầm quyền khinh dân, làm
hại dân như thế? Nhiều người sẽ trả lời rằng phải lật đổ bọn người đang
cầm quyền, thay thế họ bằng những người tử tế hơn.
Nhưng làm cách nào để những người mới sẽ làm những việc tốt hơn?
Chỉ có một cách là chính người dân nắm quyền chọn những người cai trị
họ, bằng lá phiếu tự do. Khi những người cầm quyền luôn luôn biết rằng
quyền hành của mình là do dân trao cho, chứ không phải là nhờ được cấp
trên trong đảng chia chác và ban phát, thì họ sẽ hành động khác. Họ sẽ
đặt ra những luật lệ bảo vệ môi trường vì biết nhu cầu thiết thực của
dân. Họ không chờ đến khi dân đau khổ quá phải kéo nhau đi biểu tình,
ném đá, ném chai xăng, thì mới "sửa sai." Rồi mai mốt lại sai, rồi lại
sửa tiếp.
Ðồng bào Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã đi biểu tình đòi ngăn
chặn những hành động phá hại môi trường sống. Nếu quen với lối sống dân
chủ, tự do, đồng bào sẽ đòi đảng Cộng Sản phải thiết lập hoặc thay đổi
những luật lệ bảo vệ môi trường, chứ không chỉ đòi họ thay đổi hành động
đã làm. Muốn cải thiện đời sống, phải thay đổi luật lệ chứ không thể
chỉ thay đổi từng quyết định của những người cầm quyền. Giống như anh
chị em công nhân hãng PouYuen tại Sài Gòn đình công đòi thay đổi luật
hưu bổng xã hội.
Khi xã hội có luật lệ và ai cũng được đối xử bình đẳng trước pháp
luật thì chuyện người nào, đảng nào đang nắm quyền không quan trọng nữa.
Bởi vì, ai có quyền trong tay cũng phải tuân thủ luật pháp. Dân chủ tự
do nghĩa là nếu người nào làm sai luật người dân có quyền thay thế. Nền
tảng của chế độ dân chủ là Luật, bởi vì tất cả chế độ chỉ gồm những
"luật chơi" bảo đảm mọi người được tự do, bình đẳng. Cho nên, ngay những
trang đầu cuốn tiểu thuyết của Saramago, ông mô tả mối quan tâm lớn của
các nhân vật trong một phòng đầu phiếu, là làm đúng luật, đúng từng li
từng tí một.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment