Thứ Bảy 23.05.2015
Kính thưa quý thính giả, Huyền sử về Đức Thánh Gióng đã thể hiện tinh
thần và sức mạnh của dân tộc trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm
bảo vệ đất nước. Tinh thần này cần được thể hiện và phát huy mạnh mẽ
trong giai đoạn Tổ Quốc đang lâm nguy để đồng bào vùng lên dẹp nội thù
và chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt"
tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Phù Đổng Thiên
Vương" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương
trình tối nay.
Áo bào cởi lại Linh Sơn,
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.
Đền thiêng còn dấu cố viên
Sử xưa còn đó lời nguyền còn đây.
Đó là bốn câu chót trong Đại Nam Quốc Sử diễn ca.
Theo truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương sinh ra tại xã Phù Đổng, vào
thời Hùng Vương thứ 6, ngài là người có công dẹp giặc Ân đem lại thái
bình cho đất nước, được dân gian phong thánh, nên còn được gọi là đức
Thánh Gióng.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chép lại về đức Thánh Gióng như sau:
"Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông bà lão nghèo
chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức nhưng họ vẫn không có con. Một
hôm bà ra đồng, thấy một vết chân rất to liền ướm thử, không ngờ về nhà
thụ thai và 12 tháng sau sinh được một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Kỳ lạ
thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy.
Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai sứ giả đi tìm người có
thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra
mời thiên sứ vào nhà và nói: "Xin cho một thanh gươm, một giáp sắt và
một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm, giáp và ngựa, đứa
trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh
tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chạy. Thánh
Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc Sơn thì dừng lại, cởi bỏ áo giáp, phi
ngựa lên đỉnh núi và bay về trời. Từ đó, giặc phương Bắc không còn xâm
phạm nước Nam nữa".
Vua Hùng nhớ ơn, phong ngài là Phù Đổng Thiên Vương và cho lập miếu
thờ. Sau đó, vua cũng ban cho dân làng Phù Đổng một trăm mẫu ruộng tự
điền và ra lệnh bốn mùa phải cúng tế Thiên Vương. Về sau, vua Lý Thái Tổ
phong ngài là Xung Thiên Thần Vương.
Hiện nay đền thờ Phù Đổng Thiên Vương vẫn ở cạnh chùa Kiến Sơ, làng
Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng 4, các làng trong
vùng đều mở lễ hội từ ngày mùng 7 đến mùng 9 để nhớ công ơn đuổi giặc Ân
của ngài.
* * *
Mỗi dân tộc đều có những huyền sử hay anh hùng ca để tự hào về nguồn
gốc của mình. Người Pháp cho rằng mình có xuất xứ từ sắc dân Gaulois
kiêu hùng, dám đương đầu với đế quốc La Mã, với huyền sử về một số lực
sĩ có sức mạnh không thua gì Hercules trong Kinh Thánh.
Chính vì thế, không thể lấy cái nhìn khoa học kỹ thuật hôm nay để cho
rằng sự tích Thánh Gióng là chuyện ảo tưởng để rồi phủ nhận hay nhạo
báng tổ tiên của mình.
Phải có những con người thật, những chiến tích có thật thì người dân
Việt mới lập đền miếu để thờ phụng suốt mấy ngàn năm. Theo thời gian,
những con người và chiến tích ấy đã được thần thoại hóa, biến thành
những câu chuyện nhuốm màu huyền bí. Điều cần phải tự hỏi là tại sao
những huyền sử đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Câu trả lời
là tổ tiên muốn gửi gắm một số thông điệp đến các thế hệ mai sau. Và
huyền sử Phù Đổng Thiên Vương là một thông điệp nhắc nhở con cháu Việt
tộc là phải biết đồng lòng bảo vệ biên cương lãnh thổ, không chấp nhận
mất một tấc đất nào vào tay giặc.
Thông điệp thứ nhì là khi "quốc gia hưng vong" thì "thất phu hữu
trách". Cậu bé 3 tuổi ở làng Phù Đổng là điển hình cho tinh thần "giặc
đến nhà, đàn bà cũng đánh". Một thông điệp nữa là tinh thần "vinh thắng
thăng hóa". Khi dẹp xong giặc Ân, Ngài đã không màng đến vinh hoa phú
quý, trái lại cưỡi ngựa bay về trời, có nghĩa là lui về ẩn dật làm một
người dân bình thường.
Ngoài ra còn có các thông điệp được gửi gắm trong câu chuyện này.
Chẳng hạn như tinh thần đoàn kết một lòng của dân tộc, thể hiện qua việc
toàn thể làng Phù Đổng gom góp thức ăn để cậu bé 3 tuổi ăn no lớn mạnh.
Và khi chiếc roi sắt bị gẫy thì Ngài nhổ các bụi tre, tức xử dụng vũ
khí có sẵn của dân tộc, để đánh tan giặc phương Bắc.
Chính vì thế, khi lắng tâm tưởng nhớ về đức Phù Đồng Thiên Vương
trong ngày lễ sắp đến, mỗi người dân Việt phải tự hỏi là mình nên làm gì
để khỏi phụ lòng kỳ vọng của tiền nhân trong việc bảo vệ mảnh giang sơn
gấm vóc đang bị tập đoàn cộng sản VN dâng hiến dần cho giặc phương Bắc,
theo các thỏa ước bí mật được ký kết từ nhiều năm qua.
Một trong những việc phải làm là vạch trần nội dung các thỏa ước đó
để toàn dân biết rõ bộ mặt bán nước của đảng cộng sản VN, từ Hồ Chí Minh
- Lê Duẩn cho đến Nguyễn Phú Trọng - Nguyễn Tấn Dũng hiện nay.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment