Thứ Ba, 19.05.2015
Một trong những biện minh của CSVN hầu
duy trì độc tài đảng trị là dân Việt chưa đủ trình độ hiểu biết để sống
dưới một chế độ dân chủ. Lập luận này đúng hay sai? Mời quý thính giả
đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: " Dân ngu hay
ngu dân."sẽ được Thanh Bình trình bày để kết thúc chương trình phát
thanh ĐLSN tối hôm nay.
Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau
một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy
là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn
đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm
cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều
nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.
Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên
niềm tin rằng, "Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng
có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất
cả mọi người mãi mãi được." Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang
tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị
lật mặt nạ.
Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào
khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng
hạn... nhận xét: "Dân rất cả tin và cũng rất mau quên." Cho nên ông
khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước
Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng
dân chúng là con nít.Hàn Phi viết: "Cái trí của dân không thể dùng được,
nó giống như bụng dạ trẻ con vậy."
Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể
duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là "dân trí còn thấp
quá." Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không
có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên
đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến
Pháp, điều số 4: "Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội." Thế đến bao giờ dân
trí mới đủ cao để khỏi bị đảng "lãnh đạo?" Họ không nói. Ðến cái mục
tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra
thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi!
Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?
Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một
câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã
phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi.
Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ
trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?
Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền
hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở
Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của
đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ
Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những
gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt
ra nhìn sự thật.
Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải
làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu
cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch
Ðông tới Hồ Chí Minh, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít
thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn
dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên
ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các
nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản.
Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục,
độc quyền in sách giáo khoa.
Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.
Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí
Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan
chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin
tức "lề trái," người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên
mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử
Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi
chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu
không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ
Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu
binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào
cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó
suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức
phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ - không cần đứa nào "lãnh
đạo" cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson
viết: "Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết
tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ
chỉnh đốn được."
Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân
chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách
xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay
đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng
nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ
là chế độ đỡ tai hại nhất.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment