Thứ Hai, ngày 11.05.2015
Quý thính giả thân mến, tại các
quốc gia dân chủ, mọi nghị quyết do thủ tướng ký để thi hành đều phải
qua một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh hầu đáp ứng nguyện vọng của dân
chúng. Đây mới chính là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Để tiếp nối
chương trình hôm nay qua chuyên mục Chuyện Chỉ Có Ở Việt Nam, mời quý
thính giả đài ĐLSN theo dõi bài: “Phản Biện” của Việt Thắng sẽ được Tâm
Anh trình bày sau đây
Ngày 15 tháng 4 năm 2015, thủ tướng chính phủ việt nam ra quyết định
số 501 về thí điểm " diễn đàn khoa học chuyên nghiệp".Theo quyết định
sẽ có ba cơ quan tham gia đó là: Liên hiệp các hội khoa học kỹ- thuật
Việt nam; Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt nam; Viện hàn lâm khoa học
công nghệ Việt nam. Các cơ quan này có trách nhiệm: phản biện các chủ
chương, chính sách, dự án phát triển kinh tế- xã hội ở Việt nam. Đối
tượng tham gia gồm các nhà nghiên cứu khoa học đã về hưu; những nhà khoa
học đương quyền đang làm việc tại các hội khoa học Việt nam. Quyết định
501 của thủ tướng chính phủ cũng quy định: Cấm các tổ chức, cá nhân
tham gia diễn đàn không được lợi dụng diễn đàn xuyên tạc sự thật, bôi
nhọ làm tổn hại đến tổ chức, đến danh dự, uy tín của tổ chức cá nhân.
Ngoài ra các tổ chức, cá nhân cũng không được đề cập đến các nội dung
không liên quan đến vấn đề thảo luận tại diễn đàn, không làm tổn hại đến
lợi ích dân tộc,sự nghiệp bảo vệ tổ quốc; không được phát tán tài liệu
của diễn đàn.
Những năm qua và nhất là thời gian gần đây hàng loạt các dự án phát
triển kinh tế - xã hội ở Việt nam gặp phải những phản ứng gay gắt của
các tầng lớp nhân dân; của các nhà khoa học quốc doanh và phi quốc
doanh, làm cho nhiều dự án phải đình hoãn lại hoặc phải hủy bỏ, điển
hình là dự án thay thế cây xanh ở Hà nội; dự án lấp sông Đồng nai; và xa
hơn nửa là dự án boxit Tây nguyên... Trước tình hình trên nhà nước cộng
sản Việt nam buộc phải tìm giải pháp để giảm thiểu các tai nạn dự án,
một trong những cách giảm thiểu là lấy ý kiến của các tập thể, cá nhân,
những tổ chức, những người đã và đang làm công tác nghiên cứu khoa học
phụng sự cho chế độ cộng sản, đó là hoàn cảnh ra đời của quyết định 501.
Xét về phạm vi , thì quyết định 501 có một phạm vi rất hẹp, chỉ là nằm
trong giới hạn các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Hàng loạt các chủ
chương chính sách của nhà nước cộng sản đã cho thấy nó xa rời thực tế,
phương hại đến lợi ích của người dân,mặc dù gặp phải sự phản đối quyết
liệt của xã hội nhưng chưa thấy có động thái nào của nhà nước sẵn sàng
mở rộng tham khảo và lắng nghe ý kiến phản biện. Điển hình là luật bảo
hiểm xã hội; các quy định về chứng minh nhân dân, những quy định này đã
phải chết yểu khi nó bắt đầu phôi thai. Nhìn vào thực tế thấy rằng ít có
các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tổ chức nhà nước cộng sản lên tiếng
phản đối các quy định trên mà chính là sự phản đối của nhân dân, các nhà
tri thức, khoa học với tư cách độc lập thông qua kênh truyền thông
ngoài luồng.
Hiến pháp Việt nam quy định: "Mọi công dân có quyền tham gia quản lý
nhà nước và xã hội", thế nhưng trong quyết định 501 quy định đối tượng
tham gia chỉ trong phạm vi ba cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và
các nhà làm công tác nghiên cứu khoa học đã suốt đời phục vụ cho chế độ
cộng sản thì mới có quyền tham gia phản biện, những đối tượng khác không
được phép. Như vậy nhà nước cộng sản Việt nam một lần nữa đã có những
hành động trái với hiến pháp, lộ nguyên hình về bản chất coi thường
người dân, coi thường các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước
với tư cách độc lập, thẳng thừng loại bỏ họ ra khỏi đời sống xã hội.
Trong khi lực lượng này đã và đang trở thành một lực lượng lớn, họ chính
là tài nguyên quốc gia, có đầy đủ khả năng, trí tuệ tham gia phản biện
và trong thực tế đã trở thành lực lượng có tiếng nói quan trọng, góp
phần tạo dư luận điều chỉnh xã hội.
Nhìn nhận một cách khách quan mà nói, quyết định 501 của thủ tướng
chính phủ mang đầy đủ mầu sắc của một thể chế độc tài. Nó thể hiện lối
tư duy chuyên quyền độc đoán, nó được hình thành để đối phó dư luận và
với mục đích giảm thiểu các phản ứng của nhân dân. Chiêu bài dung nạp
những tổ chức cá nhân trong guồng máy của chế độ cộng sản, những người
mà từ trước đến nay chỉ biết nghe và làm theo những gì mà đảng định
hướng, quen thói thụ động nay được thu gom lại và giao nhiệm vụ phản
biện, những người này không đủ tâm và cũng không đủ tầm để đảm nhiệm
công việc mới mẻ này. Mặt khác tiếng nói của họ luôn bị hạn chế bởi vì
đằng sau là những bóng ma sẵn sàng chặn họng khi có những động thái đi
chệch quỹ đạo của đảng.
Nếu nhà nước cộng sản Việt nam thành tâm tiếp thu, lắng nghe những ý
kiến phản biện thì không có con đường nào khác ngoài con đường mở rộng
thông tin cho mọi người dân biết. Đặc biệt là người dân nằm trong vùng
dự án, lắng nghe ý kiến của dân, tiếp thu chọn lọc những ý kiến xác
đáng, đồng thời giải đáp kịp thời những thắc mắc của dân, tạo được sự
đồng thuận của dân chúng. Mặt khác cần thông tin và tiếp thu những ý
kiến của các tổ chức, cá nhân, những người làm công tác nghiên cứu khoa
học trong và ngoài nước với tư cách độc lập để bổ xung, điều chỉnh dự án
trước khi quyết định triển khai dự án. Làm được như vậy mới hy vọng
giảm thiểu sự thất bại mà nhà nước cộng sản Việt nam đã mắc phải trong
nhiều năm qua.
Dưới một chế độ độc tài toàn trị những nghị quyết hầu hết là quyết
định riêng có của một nhà nước do cộng sản lãnh đạo, nó biểu lộ sự bất
bình thường, bởi lẽ bề ngoài tỏ vẻ mở rộng dân chủ nhưng nội dung bên
trong là hàng loạt các quy định nghiêm cấm, giới hạn. Đúng là chuyện chỉ
có ở Việt nam.
Việt Thắng
No comments:
Post a Comment