Tuesday, April 30, 2013

Tin tức ngày thứ Sáu, 26.04.2013

Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Lê Thành Ân Thăm UBND Huyện Hoàng Sa

Việc ông tổng lãnh sự, một trong đại diện ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam tới thăm và làm việc với chủ tịch UBND huyện, có thể được xem như hành động thừa nhận sự hiện diện của đơn vị hành chính này. Trong không khí trao đổi cởi mở và thẳng thắn, đoàn công tác của Tổng lãnh sự Mỹ bày tỏ lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; khẳng định sự cần thiết hợp tác để bảo đảm chủ quyền, duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tự do thương mại bình thường trên Biển Đông, trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Sự có mặt của ông Lê Thành Ân tại Đà Nẵng trùng hợp với chuyến thăm của tàu khu trục USS Chung-Hoon cùng tàu cứu cấp USNS Salvor với thủy thủ đoàn gần 400 người. Hai tàu chiến Hoa Kỳ này sẽ hiện diện tại đây từ ngày 21/4 đến 25/4.

Việt Nam, Philippines Họp Về Tranh Chấp Biển Đông

Tin của tờ Sunday Star Manila cho biết Tổng Thống Philippines, Benigno Aquino và Thủ Tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý củng cố sự hợp tác giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo mở một cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 22 diễn ra ở Darussalam, Brunei. Tờ báo này còn nói thêm rằng cả hai nước thừa nhận sự cải thiện trong an ninh biển giữa hai quốc gia; phía Việt Nam cũng bày tỏ ủng hộ sáng kiến quốc tế của Philippines về vấn đề biển đông.
Cần nhắc lại, vào tháng trước, Philippines đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung cộng tại Biển Đông ra một tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Philippines tin rằng đường biên giới biển 9 đoạn (còn gọi là "chữ U" hay "lưỡi bò") mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền là bất hợp pháp và hy vọng tòa quốc tế sẽ tuyên bố rằng việc Trung cộng thừa nhận chủ quyền như vậy là trái với Công ước của LHQ về Luật Biển.

Âu Châu Hậu Thuẫn Philippines Kiện Trung Cộng

Nghị viện Âu châu đã ra nghị quyết ủng hộ sáng kiến là cần có trọng tài để giải quyết vấn đề biển đông của Philippines theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, nhằm làm rõ các quyền trên biển của nước này tại Biển Đông. Bản phúc trình cũng kêu gọi Trung cộng phải "tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu".
Năm ngoái, Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng tâm thông qua một nghị quyết về việc tán thành Philippines đưa Trung cộng ra tòa án Quốc Tế. Đây hiện đang là nơi tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei, Philippines, Trung cộng và các nước khác. Biển Đông cũng là nơi có tuyến hải hành quan trọng cho việc giao thông ở châu Á, Thái Bình Dương và cho việc thương mại toàn cầu.

Quan Chức CSVN Lợi Dụng "Biến Đổi Khí Hậu" Để Trốn Trách Nhiệm

Tổ chức phát triển của Liên hiệp quốc dự đoán, khi mực nước biển dâng cao thêm 1 mét, ở Việt Nam sẽ có 22 triệu người mất nhà với nhiều thiệt hại. Lũ lụt và bão tố mạnh hơn cũng có thể làm chậm những phát triển ở nhiều lãnh vực tại những vùng dân cư chính, sự "biến đổi khí hậu" này sẽ làm cho bão nhiều hơn, lũ lụt lớn hơn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, cụm từ "biến đổi khí hậu" đang được sử dụng như một "lá chắn" để che đỡ các thất bại trong nhiều công trình, gian dối trong xây dựng và sa sút trong việc quản trị các ngành. Chẳng hạn, nhiều công trình cầu, đường bị hư hại do việc làm cẩu thả, sử dụng vật liệu thiếu tiêu chuẩn, sai phương cách, v.v... Thay vì, những kẻ có trách nhiệm phải điều tra kỹ lưỡng thì trái lại đã được khỏa lấp bằng lý do "biến đổi khí hậu".
Ông Tuấn cũng lên án chuyện tùy tiện san lấp vùng trũng, vùng ngập nước, xâm lấn kênh rạch, làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên. Bê tông hoá các khu đất trống, bãi cỏ để xây dựng cao ốc, nhà cửa, đường sá, khiến nước mưa, nước thải không thoát đi được, làm cho đô thị ngập úng nặng nề... rồi lại đổ cho "biến đổi khí hậu". Thậm chí tình trạng xả nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt khiến nhiều dòng sông bị tắt nghẽn hoặc việc thi nhau xây các đập nước, hồ chứa khổng lồ làm dòng chảy xuống hạ lưu bị xáo trộn nghiêm trọng, nước mặn thì xâm lấn sâu vào đất liền, v.v... Mọi sự thất bại nặng nề trong công trình xây cất đều cho là hậu quả của "biến đổi khí hậu và nước biển dâng".

No comments:

Post a Comment