Tuesday, April 30, 2013

Huế, Festival làng nghề và mùa tháng Tư đỏ ối

Thứ Ba ngày 30.04.2013     
Chuyên mục Góc khuất Cuộc Đời tuần này xin gửi đến quí thính giả ký sự "Huế, Festival làng nghề và mùa tháng Tư đỏ ối" của Trần Hải Hà qua sự trình bày của Huớng Dương. bài viết không đặc tả những mảnh đời riêng lẻ nhưng tự nó phản ánh một bức tranh đối lập giữa giàu và nghèo, giữa sự băng hoại từ văn hóa cho đến kinh tế, giáo dục của kẻ cầm quyền và những thao thức của đồng bào về những giá trị bị mất đi dưới bàn tay Cộng sản.
Cố đô Huế trầm mặc và sâu lắng, đây cũng là mảnh đất hằn những vết thương chiến tranh kể từ biến cố Mậu Thân 1968, đến những ngày đầu tháng Ba năm 1975, Huế bắt đầu biến động, cho đến ngày 26 tháng Ba, Huế chính thức rơi vào tay quân Bắc Việt, thành phố Huế thêm một lần điêu tàn. Nếu như năm 1968, Huế tan hoang và đầy âm khí bởi những cái chết oan khiên, những nấm mồ chôn tập thể, những cuộc tàn sát đẫm máu thì năm 1975, Huế rơi vào cơn hoảng loạn của những đoàn người chạy trốn sự khủng bố và lo sợ tai ương trong một tương lai không xa.
Không bao lâu sau đó, Huế, Quảng Trị và Quảng Bình được sáp nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên, ngụ ý của nhà cầm quyền khi đặt tên này là san bằng và trị vì cả ngôi trời, đây cũng là một ý hướng chủ đạo trong tinh thần vô tôn giáo, vô thần của nhà nước đương quyền. Và, cũng không bao lâu sau đó, Bình Trị Thiên rơi vào nạn đói, người xách bị vào Nam ăn xin ngày càng đông, những năm 1975, cho đến cuối thập niên 1980, lượng người ăn xin từ các vùng quê hẻo lánh của Bình Trị Thiên tăng tỉ lệ với số lượng chùa chiền, miếu mộ, lăng tẩm bị đập phá, hủy hoại. Điển hình nhất trong công cuộc phá phách này là vụ Tố Hữu và Trần Hoàng biến Đàn Tế Nam Giao thành nhà máy xay bột cám heo.
Mãi cho đến những năm 1990, khi chính sách gọi là chống mê tín dị đoan, nhưng trên thực chất là xóa sổ tín ngưỡng, tôn giáo cũng như hệ thống vật thể đi kèm được giảm thiểu, vấn đề tâm linh được cởi mở đôi chút và tên Bình Trị Thiên được đổi thành Thừa Thiên – Huế, với ngụ ý làm theo mệnh trời. Cũng từ đó, đời sống người dân bớt khốn khó, có cái để ăn, khỏi phải xách bị đi xin. Và, năm 1997 đến nay, ngành du lịch Huế đi vào hoạt động kéo theo hàng trăm loại dịch vụ mua bán, đời sống người dân có phần khấm khá hơn, thậm chí có người trở nên giàu có.
Nhưng, sau ba mươi tám năm sống trong chế độ mới, dường như nhân dân vẫn chưa hết nỗi kinh sợ trước nhà cầm quyền, dù muốn hay không muốn, hình ảnh nhà cầm quyền trong mắt người dân Huế vẫn là một tập thể vô thần, hung hãn và thiếu văn hóa. Điển hình cho vấn đề này là các phong trào kêu gọi tự do tôn giáo bất bạo động của các vị sư và các giám mục, cha xứ đều bị dập tắt và đàn áp, ranh giới giữa giàu và nghèo ngày càng thêm lớn, đại bộ phận dân lao động ở các huyện vùng ven vẫn còn tình trạng thiếu, đói, suy dinh dưỡng. Giải thích cho vấn đề này, nhà cầm quyền Thừa Thiên – Huế vẫn đổ cho thiên tai và dịch họa.
Huế vừa xong lễ ăn mừng 26 tháng Ba do nhà nước tổ chức, nhưng cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ và các hoạt động ca ngợi Đảng vẫn còn kéo dài cho đến ngày 30 tháng Tư.
Lúc 19h đêm 29 tháng Ba, một sân khấu lớn bên bờ sông Hương, phía đường Lê Lợi, ngay trước trường Quốc Học Huế, đã diễn ra buổi khai mạc Festival làng nghề Huế. Đây là chương trình diễn ra năm lẻ, song hành cùng với Festival quốc tế Huế diễn ra vào năm chẵn, hai năm một lần, nhằm tôn vinh làng nghề truyền thống ở Huế như nghề đúc chuông đồng, nghề làm nhà rường, nghề mộc, nghề làm nón lá, nghề làm lồng đèn, nghề làm bánh tráng, nghề nấu bún bò Huế, nghề nấu cơm hến và các món ăn cung đình...
Chương trình có sự giao lưu, góp mặt của những người mẫu thời trang đến từ Pháp, Philipines và Hồng Kông, xen kẽ chương trình là những giọng ca xứ Huế.
Bên cạnh sự góp mặt khá thú vị của các đoàn nghệ sĩ quốc tế cùng những tiết mục mới mẽ, kịch bản chương trình vẫn có nhiều nét giống năm cũ, phần múa ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước vẫn giữ phong cách mọi năm, mô tuyp múa đôi solo, sau đó toàn đội ra múa mô phỏng nét sinh hoạt của người nông dân Việt Nam, tiếp theo là một số động tác ám gợi công trình thống nhất đất nước của đàng Cộng sản Việt Nam "quang vinh muôn năm", và cuối cùng là động tác bế một diễn viên cầm cờ đỏ sao vàng đội lên đầu, diễn viên này sẽ huơ huơ cây cờ để biểu niệm sự toàn thắng vẻ vang của Đảng... Nhìn chung, gần như đây là tiết mục bắt buộc phải có trong mọi chương trình lễ hội khắp ba miền đất nước.
Chương trình Festival làng nghề diễn ra ngay trong dịp 30 tháng Tư, nên mọi gian hàng trong hội chợ làng nghề cũng mang hơi hướm ca ngợi công trạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cờ đỏ sao vàng xuất hiện nhiều hơn sản phẩm làng nghề, những bản nhạc đỏ mang tính cổ động phát ra ở nhiều nơi.
Vì đây là Festival nên không thể bình luận hay mô tả thêm về thực trạng đang bị chìm xuồng và có nguy cơ bị mất dấu hoặc thay màu, không còn giữ được nét truyền thống của các làng nghề ở Huế. Và trong ngày đầu tiên của Festival làng nghề, có nhiều nghệ nhân cao tuổi đi xem triển lãm phải lắc đầu thú thật rằng họ không còn nhận ra đâu là đặc điểm, hay nói khác đi là nét bí truyền của làng nghề trong các bộ sản phẩm mà lớp hậu sanh thực hiện và trình làng.
Bên cạnh không khí hào nhoáng, đông đúc và háo hức đô hội, đâu đó, trên những con đường thành nội rợp tiếng ve sầu, những cuộc đời buôn gánh bán bưng, những bữa cơm mười ngàn đồng và những tiếng rao khe khẽ rất Huế, khe khẽ như thể nó được nén kĩ trong lồng ngực nghèo khổ và cam chịu đã rất lâu! Những thanh âm mang một chút gì đó rất riêng của Huế, một cố đô âm vang Festival làng nghề giữa mùa tháng Tư đỏ ối.
Trần Hải Hà

No comments:

Post a Comment