Wednesday, April 24, 2013

Đi bán nước dạo hay là chứng nghiệm nỗi thống khổ loài người?

Thứ Ba ngày 23.04.2013     
Ký Sự “Bán Nước Dạo Hay Là Chứng Nghiệm Nỗi Thống Khổ Loài Người?” của Uyên Hà, trong chuyên mục Góc Khuất Cuộc Đời hôm nay sẽ phác họa những cuộc đời, những mảnh số phận mà trong đó ít nhiều mang bóng dáng của bạn trên đất nước Việt Nam thời Cộng Sản Xã Hội Chủ Nghĩa đầy man trá và ác ôn!, qua giọng đọc Hướng Dương để tiếp nối chương trình tối nay.
Họ là những người lao động nghèo, những công nhân mất sức lao động hoặc không thể ngóc đầu lên được vì đời sống quá khốn khó lại bị chèn ép từ những ông chủ vô nhân tính. Nhiều công nhân phải bỏ việc sau dịp tết Nguyên Đán Quí Tỵ bởi khi vào làm lại, công ty bắt họ phải ký lại hợp đồng mới, khoản thời gian hợp đồng cũ bị hủy hoàn toàn, không những không được tích lũy thời gian làm việc để được nhận các phúc lợi của người lao động khi về già mà họ còn bị đẩy xuống hàng công nhân tập sự, hưởng mức lương thấp hơn đang có. Chính vì thế, sau dịp Tết, vừa tốn tiền về quê thăm gia đình, vừa tốn công thuê phòng trọ mới vì phòng trọ cũ tăng giá, lại vừa mất khoản tiền lương ổn định, người lao động chơi vơi như cánh bèo giữa dòng. Họ chuyển sang bán nước dạo, bán trái cây dạo kiếm sống. Nhưng họ đâu được bình yên!

Đi dạo một vòng trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, đặc biệt là khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, nhìn hai bên đường, bạn sẽ nhìn thấy những chiếc thùng xốp được chở trên xe gắn máy, bên ngoài ngụy trang bằng vải nilon hoặc áo mưa, thỉnh thoảng, có vài bao nước đá giấu dưới mấy lùm cây, người lái xe chở thùng xốp thì lúc nào cũng tỏ ra căng thẳng, sợ sệt, mắt dáo dác nhìn ra chung quanh... Đó là những người bán nước dạo tội nghiệp mà chúng tôi đã gặp.
Họ đến từ nhiều miền, Bắc, Trung, Tây Nam Bộ, phần đông họ là nông dân chất phác, bị mất đất do chính sách thu hồi đền bù của nhà nước, chuyển nghề không được vì chỉ quen làm nông nghiệp, mà làm thuê ở quê thì không đủ sống, họ đi làm thuê tứ phương, trôi dạt về những khu công nghiệp có mức lương rẻ bèo từ hai triệu rưỡi đồng đến ba triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, vật giá leo thang vùn vụt, tiền lương lãnh ra may mắn lắm thì đủ trả tiền nhà, tiền điện nước, xăng nhớt và ăn nhín uống nhịn để sống qua ngày. Nhưng rồi bị công ty ép đủ thứ, họ mất việc, phải đi bán nước dạo, bán trái cây dạo để kiếm mỗi ngày từ vài chục ngàn đồng cho đến một trăm ngàn đồng mà tồn tại qua ngày. Để bán được một chai nước, một ký trái cây, họ phải tránh né bảo vệ, tránh né công an, vì chỉ cần gặp hai nhóm này, xem như họ mất sạch mọi thứ.
Hoa, người bán nước dạo trên đường số 9, khu công nghiệp Sóng Thần 2 kể rằng ở đây, có nhiều người bán nước dạo, bán rất đắt vì nhu cầu uống nước của công nhân trong giờ giải lao rất cao, họ bị thiếu nước ở nơi làm việc, cô cũng từng làm công nhân nên cô biết rõ điều này. Nhưng các giám đốc công ty lo sợ rằng nếu công nhân uống nước nhiều sẽ đi tiểu tiện nhiều, làm ảnh hưởng đến giờ làm việc, chính vì thế họ cấm công nhân ra ngoài mua nước và bán trong căn tin của công ty với giá cắt cổ. Vì đời sống khốn khó, công nhân tìm mọi cách ra ngoài trong giờ giải lao để mua nước giá rẻ. Thấy cấm công nhân không được, họ chuyển sang cấm người đi bán nước bằng cách cho công an và bảo vệ khu công nghiệp hễ ai bắt được một người bán nước dạo trên đường thì phạt 500 ngàn đồng ở lần thứ nhất và tịch thu toàn bộ phương tiện, tài sản ở lần thứ 2. Bảo vệ nào bắt được nhiều người bán nước thì được thưởng, khoản tịch thu sẽ dành để bồi dưỡng cho bảo vệ. Chính vì khoản bồi dưỡng này, các bảo vệ không nương tay với bất kỳ ai, họ truy lùng ráo riết.
Tội nghiệp nhất là cô gái tên Nhung, bạn của Hoa, người gốc Quảng Bình, vào làm công nhân được nửa năm thì bị bệnh, nghỉ việc không có chế độ gì, cuối cùng gom vốn mua chiếc xe gắn máy đi bán nước kiếm sống, bán được chưa đầy một tuần thì bảo vệ khu công nghiệp bắt, nộp phạt mất 500 ngàn đồng, ngày hôm sau Nhung cố đi bán để gở vốn vì với Nhung, khoản tiền bị mất quá lớn. Đi bán được hai chai nước suối thì lại bị bắt, bị tịch thu toàn bộ tài sản. Không còn gì để mất, Nhung đã ra đứng đường, bán thân xác cho khách làng chơi để kiếm cơm độ nhật và kiếm tiền gởi về quê nuôi đứa em ăn học. Kể đến đây, Hoa rơi nước mắt và thú thật rằng trong cuộc đời cô, có lần tuyệt vọng vì không có tiền để sống, cô phải bán thân nuôi miệng gần ba tháng trời. Với Hoa, đây là khoản thời gian đau đớn và ô nhục nhất của một kiếp người...
Và đáng sợ hơn, đáng kinh tởm hơn, theo như lời Hoa kể, vì cô có chút nhan sắc, nên cô rất dễ gặp những kẻ đạo mạo trong các cơ quan nhà nước đã cho người đến gọi cô tới phòng khách sạn, họ đã hành hạ cô cho xứng với đồng tiền họ bỏ ra.
Câu chuyện của Hoa và Nhung cũng như nhiều nữ công nhân, lao động nghèo khác thật là thương tâm, xót xa. Nhưng thương tâm hơn cả là những nữ công nhân này chưa bao giờ biết rằng trong những đồng tiền bẩn thỉu của bọn quan chức ăn chơi sa đọa, có cả mồ hôi, xương máu của những người cùng đường như cô và các bạn. Đó mới là bản chất thật của thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa!
Uyên Hà

No comments:

Post a Comment