Tuesday, April 30, 2013

Tin tức ngày thứ Ba, 30.04.2013

Gia Đình Điếu Cày Và "Cuộc Đấu Không Cân Sức"

Gia đình ông Điếu Cày cho biết là đang thu thập bằng chứng để đệ đơn yêu cầu giám đốc thẩm đối với bản án 12 năm tù vì tội "tuyên truyền chống nhà nước" đã phán cho ông hôm 28/12/2012.
Bà Dương Thị Tân nói vì công lý, bà quyết theo đuổi vụ kiện, tuy biết rằng đây là cuộc đấu không cân sức. Bà nói "Gia đình tôi sẽ phải đương đầu với cả một thể chế, cả một bộ máy cường quyền. Nhưng chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng dù biết là sẽ có những chuyện không hay xảy ra. Họ đã từng đe dọa mẹ con tôi rất nhiều". Bà Tân cũng cho biết bên cạnh việc khiếu nại bản án, gia đình cũng sẽ đệ đơn khiếu nại về cách thức đối xử của giới cầm quyền đối với gia đình bà trong việc thăm nuôi người thân.
Chuyện phải lặn lội tự tìm kiếm người thân đang bị bắt nhốt đối với gia đình bà là điều luôn luôn xảy ra trong suốt thời gian hơn 5 năm qua, kể từ khi ông Hải bị giam giữ tới nay, với hàng chục lần chuyển trại và trong lần lên thăm nuôi mới nhất hôm 28/4 vừa qua, bà Tân được thông báo là ông Hải đã bị chuyển đi trại giam khác.

Báo Động Thực Trạng Ô Nhiễm Nguồn Nước VN

Các tổ chức bảo vệ môi sinh trên thế giới, đặc biệt là tổ chức 'Sông Ngòi Quốc Tế' (International Rivers), vào tuần trước lên tiếng báo động và cảnh báo về nạn ô nhiễm trầm trọng nguồn nước trên sông hồ ở Việt Nam. Những phúc trình từ các tổ chức trên cho thấy việc khai thác quá mức mặt nước đã và đang làm giảm chất lượng cũng như số lượng tài nguyên trên lưu vực các sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình và sông Đồng Nai.
Nguyên nhân chính làm nhiều nguồn nước ở Việt Nam bị ô nhiễm đến nỗi không thể sử dụng hay tái sử dụng là vì nước bẩn từ các khu công nghiệp thải thẳng ra đó.
Nước trên bề mặt, là nước sông nước hồ, thì khai thác để dùng cho nông nghiệp hay công nghiệp; Còn nước thiên nhiên là nước mạch ở dưới đất, chính yếu là để cho dân xài cũng giống như từ hệ thống cung cấp nước. Nước mặt bị ô nhiễm bởi vì bị nhiễm các chất phế thải từ các nguồn dân dụng cũng như kỹ nghệ .
Còn nông nghiệp thì do sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, nên khi mưa, nước cũng chảy ra bề mặt sông hồ. Vì vậy, cả hai mặt khai thác và sử dụng đều khiến nước bị ô nhiễm.
Nhà cầm quyền VN cần có kế hoạch để khai thác và sử dụng nguồn nước một cách đúng đắn. Nhưng nếu luật pháp không nghiêm minh thì sẽ có thêm những giòng sông chết như sông Thị Vải hay sông Đáy.

Vi Khuẩn H7 Đang Lan Sang Việt Nam

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của CSVN, thừa nhận vi khuẩn H7 đã có mặt tại Việt Nam. Vi khuẩn này được tìm thấy trong 2 trên tổng số 400 mẫu gia cầm vừa được Cục này thử nghiệm.
Mặc dù thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long khẳng định rằng Việt Nam chưa bị nhiễm vi khuẩn H7N9 qua kết quả thử nghiệm các mẫu gia cầm tại các chợ gà vịt bán sỉ ở Lạng Sơn và Hà Nội... nhưng ông Trịnh Quân Huấn, cựu thứ trưởng Bộ Y Tế cho rằng: "Có thể tại Việt Nam hiện nay đã có ca nhiễm vi khuẩn cúm H7N9 lây lan từ Tầu, nhưng chưa biết để ngăn chận thôi".
Tiết lộ mới nhất của ông Cục trưởng Cục Thú Y về 2 mẫu gia súc, cho thấy Việt Nam có thể đã bị "dính" dịch cúm H7N9 từ bên Tàu.

Nga - Nhật Đồng Ý Thương Thảo Về Tranh Chấp Biển Đảo

Hôm Thứ Hai, Nga và Nhật cho hay sẽ tái lập cuộc thương thuyết về tranh chấp hải đảo, vốn đã làm cho hai bên không thể ký một thỏa thuận hòa bình chính thức cho cuộc xung đột từ thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Các hòn đảo đang có tranh chấp giữa hai nước là nơi có dân Nhật sinh sống nhưng bị Nga xua quân đánh chiếm chỉ ít ngày trước khi Nhật đầu hàng thời Đệ Nhị Thế Chiến, khiến 17,000 người Nhật nơi đây phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Việc tái thương thuyết này diễn ra trong sự lo ngại về sự phát triển mạnh mẽ của Trung cộng và cũng nhằm tăng cường mối liên hệ thương mại giữa hai nước Nga và Nhật.
Tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai cường quốc khối G8 này từ 10 năm qua, Tổng Thống Vladimir Putin và Thủ Tướng Shinzo Abe đều biểu lộ sự quan tâm về sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung cộng. Tuy ông Thủ Tướng Nhật Bản công nhận rằng hai bên còn nhiều bất đồng ý kiến, nhưng cũng hoan nghênh quyết định cho bộ ngoại giao 2 nước khởi sự tái thương thuyết, đó là một hành động quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng "bất thường" hiện nay trong mối tương quan giữa hai nước.
Ông Abe cũng cho hay mức thương vụ với Nga đã tăng 8 lần trong 10 năm qua kể từ khi Thủ Tướng Junichiro Koizumi có cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin ở Moscow.

No comments:

Post a Comment