Thưa quý thính giả, ở những nước tự do dân chủ, những người lãnh đạo quốc gia luôn có những chính sách mới, những sáng kiến để hoàn thiện hệ thống công quyền, nâng cao đời sống của người dân. Trái lại, ở những nước độc tài toàn trị như Việt Nam, người cộng sản cũng luôn có những chính sách mới, những sáng kiến mới. Tuy nhiên, nó không phải là để nâng cao đời sống xã hội của nhân dân mà chỉ là một chiêu trò mới để bòn rút công quỹ, tạo ra thêm cơ hội để bóc lột nhân dân. Trong phần bình luận hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Châu Nam Việt với tựa đề “Tinh giản biên chế - Sân chơi đầy tiêu cực”, được đăng trên trang Việt Nam Thời Báo, sẽ do Hướng Dương trình bày sau đây.
Châu Nam Việt / Việt Nam Thời Báo
Tinh giản biên chế, biểu ngữ mới của bộ máy nhà nước Việt Nam gần đây, đang được coi như là chính sách tối ưu nhằm giảm nhẹ ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền thời Tô Lâm. Tuy nhiên, thực tế thì lại có một số nơi đang cho thấy chuyện lợi dụng tinh giảm để đục khoét ngân sách. Như việc tỉnh Điện Biên công bố sẽ chi 6,4 tỷ đồng cho 35 công, viên chức bị tinh giản vào năm 2025; trong đó có người nhận số tiền cao nhất lên tới gần 400 triệu đồng.(1)
Điều này cho thấy có sự đối nghịch giữa thực tế và mục tiêu ban đầu của chính sách tinh giản bộ máy mà nhà cầm quyền hô hào. Điện Biên, một tỉnh vùng cao vốn có nguồn kinh tế hạn chế, thì việc chi hàng tỷ đồng để “đền bù” cho những cán bộ thiếu năng lực bị tinh giản khiến nhiều người không khỏi bất bình. Phải biết rằng đây mới chỉ là số lượng công, viên chức bị tinh giản tại một vùng cao, nếu như ở những vùng trung tâm như Hà Nội, Sài Gòn,… thì số tiền “đền bù” này sẽ còn lớn gấp rất nhiều lần.
Chứng tỏ rằng nhà cầm quyền hô tinh giản để tiết kiệm, nhưng thực tế chẳng tiết kiệm được một chút nào. Liệu tinh giản biên chế thực sự nhắm đến mục tiêu tiết kiệm ngân sách hay chỉ là một hình thức tiêu tiền ngân sách kiểu mới?
Một điểm đáng chú ý là sự chênh lệch lớn ở mức độ hỗ trợ giữa cán bộ bị tinh giản và người dân thất nghiệp. Theo quy định hiện hành, người lao động thất nghiệp thườngchỉ được hưởng trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp bằng vài tháng lương cơ sở. Thế nhưng, với cán bộ bị tinh giản, số tiền hỗ trợ lại được nâng lên tới hàng trăm triệu đồng – tương ứng với vài năm tiền lương của người lao động bình thường.
Nên nhớ đây mới chỉ là tiền hỗ trợ cho cán bộ từ chính sách tinh giản biên chế, chưa tính tiền trợ cấp từ bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, một cán bộ bị tinh giản sẽ nhận rất nhiều khoản tiền như: tiền hỗ trợ tinh giản biên chế, bảo hiểm thất nghiệp, lương hưu trước tuổi,… điều này thật bất công với người dân lao động.
Phải chăng chính quyền quá ưu ái cho những người cán bộ vốn “ngồi chơi xơi nước”, “ăn bám ngân sách” từ nhiều năm qua, trong khi người dân bình thường – những người đang đóng góp thuế để nuôi hệ thống công quyền thì lại nhận được hỗ trợ ít hơn hoặc thậm chí không có hỗ trợ?
Một người công nhân làm cật lực chỉ kiếm được vài triệu triệu mỗi tháng, chỉ đủ chi phí sinh hoạt và nuôi con đi học, thế mà một cán bộ “ăn không ngồi rồi” lại nhận được vài trăm triệu chỉ để nghỉ việc. Đây là sự công bằng mà chế độ cộng sản hay rao giảng hay sao? Tiền đó là tiền thuế của dân, sao chính quyền lại có thể sử dụng một cách vô lý như vậy?
Ngoài ra, chính sách tinh giản biên chế vẫn đang làm phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực khác như hiện tượng “chạy chọt” để tránh tình trạng bị giản. Nhiều cán bộ, con ông cháu cha sẵn sàng chi tiền hoặc lạm dụng quyền lực để giữ lại cái ghế, biến việc tinh giản bộ máy nhà nước thành một sân chơi đầy tiêu cực. Ngoài ra, việc chi hỗ trợ chỉ là cách chính quyền trả lại một phần tiền mà trước đó những cán bộ đã chạy chọt chức quyền nhưng giờ mất ghế mà thôi.
Với cơ chế rườm ra, bộ máy khổng lồ hiện nay thì việc tinh giản biên chế là một bước đi đúng đắn để xây dựng một hệ thống công quyền hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch. Tuy nhiên, những điều bất ổn, bất công từ chính sách hỗ trợ cho cán bộ bị tinh giản cho thấy chính sách này đang bị lạm dụng và biến tướng, dẫn đến lãng phí ngân sách và tạo ra nhiều tiêu cực. Nhà cầm quyền cần sớm có những biện pháp điều chỉnh để đảm bảo rằng mục tiêu cao cả của tinh giản biên chế không bị lạm dụng, đồng thời mang lại lợi ích thực sự cho cả hệ thống chính trị và dân tộc; qua đó, lấy lại niềm tin của người dân.
_____________________
Tham khảo:
(1) https://nld.com.vn/mot-can-bo-xa-duoc-tro-cap-gan-400-trieu-dong-do-tinh-gian-bien-che-196241220173723031.htm
No comments:
Post a Comment