Thưa quý thính giả,
Một soạn giả cải lương với tiếng đàn tranh điêu luyện, được xem là người khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên. Ông cũng là người tạo danh tiếng cho nhiều nghệ sĩ suốt nhiều thập niên. Hơn 50 năm sáng tác, ông “ra đi” để lại 50 tuồng cải lương, cùng với 2 ngàn bản vọng cổ và tân cổ giao duyên phản ảnh tâm tư và tình cảm con người trong cuộc sống.
Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Soạn giả Viễn Châu” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đó là mấy câu trong bài tân cổ nổi tiếng “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” của soạn giả Viễn Châu, kể lại thiên tình sử bi thương của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ (con của Hoài Quốc Công, Võ Tánh) và Bạch Thu Hà (con của Tổng trấn Tây Thành, Bạch Công).
Soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21/10/1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, cha là Hương Cả. Thuở nhỏ, ông được thân phụ và các bậc túc nho dạy Việt văn và Hán văn tại nhà. Do mê văn nghệ, ông theo học đàn tranh, vĩ cầm, tây ban cầm. Đến năm 18 tuổi, ông thông thạo các loại nhạc cụ này, được dân chúng ở Trà Vinh khen ngợi.
-Năm 1942, ông lên Sài Gòn tham gia vào Ban cổ nhạc Đài phát thanh Pháp Á. Thời gian này, ông viết truyện ngắn đầu tay có tựa đề “Chàng Trẻ Tuổi” được đăng trên tờ báo Dân Mới và bài thơ “Thời Mộng” được đăng trên báo Tổng Xã Mới.
-Cuối năm 1943, ông theo Đoàn ca kịch của nghệ sĩ Năm Châu ra Hà Nội trình diễn và nhờ chuyến đi này, ông tiếp xúc với các bậc thầy như Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Duy Lân .v.v. nên ông học hỏi nhiều về kỹ năng sáng tác.
-Cuối năm 1945, Pháp chiếm Đông Dương, ông viết vở cải lương đầu tay mang tên “Hồn Chiến Sĩ” với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vở tuồng này, ông bị Pháp tìm bắt, nên phải tá túc ở nhà người bạn tại Vĩnh Long, rồi trở lên Sài Gòn nhờ nghệ sĩ Năm Châu thu nhận vào đoàn ca kịch.
Một thời gian sau, ông bị Pháp bắt đày đi an trí ở Tây Ninh. Cuối năm 1949, ông trốn thoát trở về Sài Gòn gia nhập vào đoàn ca kịch Con Tằm với tên mới là Trương Văn Bảy.
-Năm 1950, ông viết vở tuồng cải lương “Nát Cánh Hoa Rừng” với bút hiệu Viễn Châu, phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là tuồng cải lương đầu tay của ông được đoàn ca kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu lớn ở Sài Gòn, được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh và kể từ đó, soạn giả Viễn Châu bắt đầu nổi tiếng.
Tiếng đàn tranh điêu luyện của ông (Bảy Bá) với Năm Cơ (đàn kìm, sến), Văn Vỹ (đàn guitar phím lõm) cùng hòa điệu, cả 3 bậc thầy được giới mộ điệu ngợi khen và các hảng dĩa phải liên tục thu thanh và phát hành.
Ngoài đoàn ca kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn: Kim Thanh (Út Trà Ôn, 1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương và Tân Hoa Lan (1969). Hơn thế nữa, ông còn sáng tác nhiều bài “vọng cổ” và các bản “tân cổ giao duyên” qua đơn đặt hàng của nhiều hảng dĩa.
-Ngày 1/2/2016, ông từ trần tại Sài Gòn, hưởng thọ 92 tuổi. Thi hài ông được hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa. Mộ phần và Nhà tưởng niệm ông hiện ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
****
Soạn giả Viễn Châu được báo chí vinh danh là “vua vọng cổ”, là người tạo danh tiếng cho các nghệ sĩ: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Ngọc Giàu, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Nga .v.v. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác nhiều bài vọng cổ hài hước làm nổi danh Văn Hường, Hề Sa .v.v.
Trong lãnh vực nghệ thuật, soạn giả Viễn Châu là người đi đầu trong việc ghép tân nhạc vào bài vọng cổ mà ông gọi là tân cổ giao duyên. Bài tân cổ giao duyên đầu tiên do ông sáng tác năm 1958, có tựa đề “Chàng Là Ai” (tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết) do Lệ Thủy trình bày năm 1964. Thể loại mới này đã gây ra nhiều tranh cãi trên báo chí, nhưng với sự hâm mộ của công chúng, cùng với sự tồn tại và phát triển nhanh của loại nhạc này, chính là bằng chứng thành công cụ thể nhất.
Thời gian sau năm 2005, mặc dù tuổi cao và mang trọng bệnh, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác và hoàn tất “Hồi ký về Cuộc đời và Sự nghiệp” của mình. Theo lời của nghệ sĩ Phương Quang (học trò ông), ông từng dặn con trai là nhạc sĩ Trương Minh Châu rằng: “Khi ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy và viết, để xuống đó ba viết bài vọng cổ”.
Soạn giả Viễn Châu đã trọn nghiệp cầm ca, ông “ra đi” làm cho nhiều người thương tiếc. Gia tài ông để lại cho đời chính là nhân nghĩa trên sân khấu và hơn 50 tuồng cải lương, với 2 ngàn bài vọng cổ cùng tân cổ giao duyên được giới mộ điệu ưa thích mãi đến ngày nay.
Kính chào vĩnh biệt soạn giả Viễn Châu, người con ưu tú của vùng đất Trà Vinh, một nghệ sĩ tài hoa của đất nước.
“Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà” tiếp theo…
No comments:
Post a Comment