Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Minh Nguyệt & Vũ Đình.
1/TỔNG THỐNG DONALD TRUMP TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC
Ông Donald Trump cam kết giải cứu nước Mỹ khỏi những gì ông mô tả là nhiều năm phản bội và suy thoái trong bài phát biểu nhậm chức của mình vào hôm qua 20/1, với sắc lệnh ưu tiên trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Đầu tiên, ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam nước Mỹ.Ông Trump cho biếtlà mọi hành vi nhập cư bất hợp pháp sẽ bị dừng lại ngay lập tức và sẽ bắt đầu quá trình đưa hàng triệu người nhập cư trở về nơi họ xuất phát.
Bài phát biểu của ông Trump lặp lại nhiều chủ đề mà ông đã nêu ra trong lễ nhậm chức cho nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2017, khi ông nói một cách u ám về sự thảm sát ở Mỹ và tình trạng mất việc làm mà ông cho là đã tàn phá đất nước.
Ông Trump 78 tuổi đã tuyên thệ nhậm chức vào lúc trưa ngày 20/1 bên trong Điện Capitol của quốc hội Mỹ. Phó tổng thống của ông, JD Vance, đã tuyên thệ nhậm chức ngay trước đó.
Ngay sau lễ nhậm chức,tổng thống Trump đã ký một loạt các sắc lệnh trong những giờ đầu tiên làm tổng thống, bao gồm 10 sắc lệnh tập trung vào an ninh biên giới và nhập cư, vốn là ưu tiên hàng đầu của ông.
Ông Joe Biden và bàKamala Harris đã có mặt trong buổi lễ nhậm chức nói trên, cùng với các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton. Nhiều giám đốc các tập đoàn lớn, bao gồm ba người giàu nhất thế giới làông Elon Musk, Jeff Bezos và Mark Zuckerberg, đã có mặt ở hàng ghế trên sân khấu, bên cạnh những người được đề cử vào nội các và các thành viên trong gia đình ông Trump.
Ông Trump tuyên bố sẽ ân xá cho nhiều người trong số hơn 1500 người bị buộc tội liên quan đến vụ tấn công quốc hội vào ngày 6/1 năm 2021. Ông Trump cũng sẽ khôi phục án tử hình liên bang mà ông Biden đã đình chỉ.
Giống như năm 2017, ông Trump cam kết sẽ tái thiết chính phủ liên bang và bày tỏ sự hoài nghi sâu sắc về các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vốn đã định hình nên nền chính trị toàn cầu sau thế chiến thứ hai.
Lễ nhậm chức diễn ra trong bối cảnh an ninh nghiêm ngặt sau một chiến dịch tranh cử được đánh dấu bằng sự gia tăng bạo lực chính trị bao gồm hai vụ mưu sát nhắm vào ông Trump, trong đó có một vụ mà viên đạn sượt qua tai ông.
2/ TRUNG QUỐC ĐANG LO LẮNG VỀ TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
Giới chức và người dân Trung Cộng vừa hy vọng vừa lo lắng khi ông Donald Trump trở lại nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, với hy vọng là tránh lặp lại cuộc chiến thương mại gây tổn thương vốn đã chia rẽ hai siêu cường kinh tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Phó chủ tịch Trung Cộng Hàn Chính, trong các cuộc họp với tổng giám đốc Tesla Elon Musk và các thành viên khác của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Washington trước lễ nhậm chức của ông Trump, cho biết là ông hy vọng các công ty Hoa Kỳ sẽ "bám rễ" tại Trung Cộng và giúp ổn định quan hệ song phương.
Cần biết là khi đó, ông Trump đã áp thuế lên hơn 300 tỷ Mỹ kim hàng hóa từ Trung Cộng. Trong những tháng qua, ông Trump tuyên bố sẽ áp thêm ít nhất 10% vào mức thuế đã áp dụng đối với hàng hóa Trung Cộng, trong lúc nền kinh tế của nước này đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng vững chắc.
Tổng thống Trump đã có hành động hòa giải là mời Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tham dự lễ nhậm chức của ông vào hôm qua. Nhưng ông Tập Cận Bình đã cử ông Hàn Chính đến dự lễ này.
Ông Tập và ông Trump đã lạc quan sau khi nói chuyện qua điện thoại vào ngày 17/1, khi ông Trump gọi đó là "một khởi đầu rất tốt". Trong cùng ngày, cổ phiếu ở Trung Cộng đại lục và Hồng Kông đã tăng giá.
Những tác động của cuộc chiến thương mại gần đây nhất vẫn tiếp tục được cảm nhận ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi các công ty nước ngoài đang trì hoãn đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ bằng cách đầu tư nhiều tiền hơn vào các thị trường lân cận, chẳng hạn như Việt Nam.
3/ NƯỚC ĐỨC BỐI RỐI VỀ VỤ TIẾT LỘ TIN MẬT TỪ TÒA ĐẠI SỨ Ở MỸ
Đại sứ Đức tại Mỹ, ông Andreas Michaelis, trong một điện mật gửi về Berlin đưa ra những nhận định “đáng báo động” về những kế hoạch trả thù của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Michaelis còn cho rằng chương trình của ông Trump có nguy cơ đe dọa đến nền dân chủ Mỹ.
Bức điện mật của đại sứ Đức gởi Ngoại trưởng Annalena Baerbock vào hôm 14/1 đã được nhật báo Đức Bild tiết lộ vào ngày 19/1. Trong bức điện này, đại sứ Đức lên án chiến lược phá hoại tối đa của tân tổng thống Mỹ nhằm xác định lại trật tự hiến pháp của đất nước mình.
Theo đại sứ Đức, ông Donald Trump là một người bị thôi thúc bởi “sự ham muốn trả thù” và có thể hướng đến việc tập trung tối đa quyền lực để gây bất lợi cho quốc hội và nhà nước liên bang.
Đại diện chính phủ Đức tại Mỹ cũng bày tỏ lo lắng về những mối họa từ việc trục xuất ồ ạt di dân, việc kiểm soát các cuộc điều tra tư pháp mà ông Trump tìm cách sắp đặt các đồng minh của mình vào những vị trí chủ chốt.
Vụ tiết lộ này diễn ra không đúng thời điểm cho Berlin vì đại sứ Michaelis sẽ đại diện cho chính phủ Đức trong lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump. Bộ ngoại giao Đức tìm cách hạ thấp tầm mức vụ này khi khẳng định Hoa Kỳ là một trong những đồng minh quan trọng nhất của nước Đức.
Ngoài ra, trên lĩnh vực kinh tế, việc ông Donald Trump trở lại cầm quyền thật sự khiến Đức lo lắng cho tương lai của hàng trăm ngàn công nhân trước mối đe dọa áp mức thuế quan cao.
No comments:
Post a Comment