Tấn tuồng được gọi là “Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhà nước” mà đảng CSVN đang ngày đêm rêu rao,thực chất chỉ là trò mị dân, mà mục đích tối hậu là tranh quyền đoạt vị giữa các phe phái trong đảng.
Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề “CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CHỈ LÀ CƠ HỘI CHO CÁC PHE PHÁI TRONG ĐẢNG CSVN CỦNG CỐ QUYỀN LỰC” qua giọng đọc của Hải Nguyên để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thưa quý thính giả,
Chiều ngày 30 tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện kế hoạch “tinh giản bộ máy” nhà nước, đã chủ trì cuộc họp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nhằm “rà soát, sắp xếp lại tổ chức và nhân sự” của hai bộ này. Đây là cuộc họp cuối cùng trong năm 2024 liên quan đến chiến dịch “tinh giản bộ máy” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng và đẩy mạnh ngay từ khi nhậm chức, thay thế Nguyễn Phú Trọng sau khi ông qua đời.
Thực tế, kế hoạch “tinh giản bộ máy” trong hệ thống quản lý nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải mới. Nó đã được chính thức khởi động hơn 7 năm trước, qua Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 25/10/2017. Tuy nhiên, trong thời gian đó, kế hoạch này chỉ được triển khai cầm chừng, mang tính hình thức, bởi ưu tiên hàng đầu của Nguyễn Phú Trọng là chiến dịch “đốt lò chống tham nhũng” để thanh lọc nội bộ.
Kể từ khi nhậm chức Tổng Bí thư cách đây hơn 4 tháng, Tô Lâm đã thúc đẩy chiến dịch “tinh gọn bộ máy” với tốc độ nhanh hơn. Theo các báo cáo từ truyền thông nhà nước, hiện bộ máy chính phủ có 30 đầu mối và sẽ giảm xuống còn 21, bao gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Trong số này, 9 bộ sẽ được giữ nguyên, trong khi 4 bộ mới sẽ hình thành từ việc sáp nhập 8 bộ cũ.
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an – hai bộ được đề cập trong cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 30 tháng 12 – nằm trong số 9 bộ được giữ nguyên. Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí nhà nước, hai bộ này vẫn sẽ trải qua một số thay đổi về cơ cấu và nhân sự.
Với Bộ Quốc phòng, các thay đổi cơ cấu tập trung vào việc hợp nhất các cơ quan có chức năng tương đồng. Về nhân sự, dự kiến sẽ cắt giảm từ 15% đến 20% số nhân viên thuộc các bộ phận hành chính, hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật và nghiên cứu khoa học. Bộ Công an, trong khi đó, sẽ xóa bỏ cấp Tổng cục và cũng cắt giảm tương tự từ 15% đến 20% nhân sự tại các khối hành chính và hỗ trợ.
Nhìn chung, nếu so sánh với các bộ, ngành khác trong hệ thống quản lý nhà nước, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có mức độ thay đổi tương đối thấp. Điều này không gây bất ngờ, bởi lẽ đây là hai lực lượng vũ trang chủ chốt được xem như “lá chắn” bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù có “tinh giản” như thế nào, hai bộ này vẫn được ưu tiên để đảm bảo lòng trung thành tuyệt đối với đảng.
Hơn nữa, trong Bộ Chính trị hiện nay có đến 5 ủy viên xuất thân từ lực lượng công an, bao gồm cả Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tương tự, phía quân đội có 3 tướng lãnh là ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có Chủ tịch nước Lương Cường. Với lực lượng lãnh đạo mạnh mẽ như vậy, việc “tinh giản biên chế” tại hai bộ này mang tính hình thức nhiều hơn thực chất.
Một trong những lý do chính được các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra để biện minh cho kế hoạch “tinh giản bộ máy” là “giảm gánh nặng ngân sách.” Tuy nhiên, khi xem xét các con số chi tiêu trong năm 2024, người ta dễ dàng nhận thấy sự mâu thuẫn. Cụ thể, ngân sách của Bộ Công an là 113.271 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần ngân sách của Bộ Y tế (7.010 tỷ đồng) và gần 15 lần ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo (7.711 tỷ đồng). Với con số này, Bộ Công an lẽ ra phải là đối tượng cần được “tinh giản” triệt để nhất.
Tuy nhiên, ngay cả khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm “tinh giản” thật sự Bộ Công an hay toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, chiến dịch mà Tổng Bí thư Tô Lâm đang hô hào và quảng bá vẫn chỉ là một trò chơi nội bộ giữa các phe phái trong đảng, không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho người dân. Thậm chí, nó có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thật vậy, để thực hiện được một kế hoạch “tinh giản bộ máy” hiệu quả và minh bạch, cần có một cơ chế kiểm soát độc lập, đánh giá trung thực hiệu quả của các tổ chức và hoạt động trong bộ máy. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng “tinh giản” chính là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi cơ quan kiểm soát và đánh giá cũng thuộc chính đảng này. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính khách quan và hiệu quả của quá trình kiểm soát.
Nói cách khác, một bộ máy quản lý chỉ thực sự tinh gọn và hiệu quả khi đất nước vận hành theo chế độ dân chủ, nơi các lãnh đạo được dân bầu ra và phải chịu sự giám sát thường xuyên. Nếu bộ máy không đáp ứng được kỳ vọng của dân, người dân có quyền thay thế lãnh đạo qua các cuộc bầu cử tự do. Ngược lại, trong cơ chế độc tài, kế hoạch “tinh giản bộ máy” thực chất chỉ là công cụ để các phe phái trong nội bộ tranh giành quyền lực.
Vì vậy, kế hoạch “tinh giản bộ máy nhà nước” mà Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, dù mang danh nghĩa cải cách, thực chất chỉ là một vở kịch nội bộ nhằm củng cố vị thế của các phe nhóm quyền lực. Nó không hề mang lại hy vọng cải thiện đời sống người dân hay nâng cao hiệu quả quản lý đất nước.
Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
No comments:
Post a Comment