Kính thưa quý thính giả,
Lịch sử VN thời cận đại ghi nhận một nhà văn, nhà báo có tấm lòng yêu nước, chuyên viết tiểu thuyết và kịch ngắn. Với lòng nhân bản, các tác phẩm của ông luôn chú trọng đến việc xây dựng nhân cách, nâng cao giá trị đạo đức xã hội và gia đình. Ông chủ trương cải cách xã hội theo đà văn minh của nhân loại, kêu gọi bài trừ hủ tục và chống các lễ giáo phong kiến. Điều bi thảm là ông bị Việt Minh bắt giữ tại Liên khu 3 và xử tử tại bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhà văn Khái Hưng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Đó là 4 câu thơ nổi tiếng trong bài Tình Tuyệt Vọng của thi sĩ người Pháp tên Félix Arvers do Khái Hưng phỏng dịch.
Nhà văn Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896, xuất thân từ một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương. Cha ông giữ chức Tuần phủ, cha vợ ông tên Lê Văn Đinh là Tổng đốc Bắc Ninh.
Thuở nhỏ Khái Hưng theo học trường Albert Sarraut. Sau khi đỗ tú tài I, vì không muốn làm công chức, ông về Ninh Giang mở đại lý bán dầu lửa. Sau đó, lên Hà Nội dạy học ở trường tư thục Thăng Long.
Tại ngôi trường này, Khái Hưng kết bạn với Nhất Linh và cả 2 đều nổi tiếng qua các truyện ngắn đăng trên nhiều tờ báo thời bấy giờ. Tuy Khái Hưng lớn hơn Nhất Linh 9 tuổi nhưng là người bước vào văn đàn sau Nhất Linh, nên được gọi là Nhị Linh.
Khái Hưng tham gia nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập từ năm 1932, đến đầu năm 1933 mới chính thức ra mắt, với 3 trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo. Sau đó, Tự Lực Văn Đoàn ra báo Phong Hóa, khi tờ này bị thực dân Pháp đóng cửa, thì tờ báo Ngày Nay được ra đời để thay thế.
Là một trong những cây viết chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng là cuốn Hồn bướm mơ tiên (năm 1933), nó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Khái Hưng là Thanh Đức (năm 1943) và cũng là cuốn cuối cùng của nhóm này.
Khái Hưng viết chung với Nhất Linh 2 cuốn tiểu thuyết có tựa đề Gánh hàng hoa và Đời mưa gió, và cùng viết chung truyện ngắn Anh phải sống vào năm 1934.
Giống như các cuốn tiểu thuyết khác của Tự Lực Văn Đoàn, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, mang tính cải cách xã hội. Ngoài ra, ông còn viết một số kịch ngắn. Từ năm 1935 đến 1940, ông là nhà văn được nhiều thanh thiếu niên thành thị ái mộ nhất.
Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, cũng giống như Nhất Linh, Khái Hưng tham gia hoạt động chính trị. Ông gia nhập Đại Việt Dân Chính Đảng, một đảng phái thân Nhật, vì vậy ông bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam.
Đến năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông được trả tự do. Ông liền cùng với Hoàng Đạo cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, và viết một loạt truyện ngắn, kịch ngắn trên các tờ báo của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Theo lời kể của Nguyễn Tường Triệu, con nuôi của ông, vào ngày
22/1/1947, Khái Hưng bị Việt Minh
bắt giam tại Liên khu 3 (Lạc Quần,
Trực Ninh)
và xử tử ông tại bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
* * *
Sau năm 1954, cả miền Bắc hầu như không ai dám nhắc đến Tự Lực Văn Đoàn, chứ nói chi đến nhà văn Khái Hưng. Vì Khái Hưng là một trong những người bị Việt Minh thanh toán trong chiến dịch loại bỏ các đảng phái khác của đảng CSVN.
Thế nhưng tại miền Nam, dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa, các tác phẩm của Khái Hưng tái bản luôn bán rất chạy, thậm chí được dùng làm sách giảng dạy trong các trường trung học. Trong sách giáo khoa ở bậc trung học đệ nhất cấp cũng không thiếu những truyện ngắn đầy xúc động của ông.
Chắc chắn rằng, những ai học dưới mái trường của thời Việt Nam Cộng Hòa đều phải biết đến truyện ngắn có tựa đề Anh phải sống của nhà văn Khái Hưng, diễn tả quyết định đầy thương tâm của người vợ khi buông tay cho dòng nước lũ cuốn trôi, với lời nhắn nhủ chồng phải sống để nuôi 2 đứa con thơ dại, thay vì chết chung.
Mọi người đều tin rằng, với văn tài của Khái Hưng, nếu không bị cộng sản thủ tiêu, và nếu di cư được vào miền Nam sau năm 1954, ông sẽ cho ra đời thêm những cuốn tiểu thuyết xuất sắc không kém gì Hồn Bướm Mơ Tiên hay Tiêu Sơn tráng sĩ.
Chính vì thế, việc thủ tiêu nhà văn Khái Hưng là một trong những tội ác mà "trời không dung, đất không tha" của đảng cộng sản VN. Và cho dù người cộng sản nỗ lực vùi dập suốt mấy chục năm qua, cái tên Tự Lực Văn Đoàn nói chung và Khái Hưng nói riêng, vẫn mãi sống trong lòng người Việt. Lý do là vì Khái Hưng không chỉ nổi tiếng trên văn đàn trước thời tiền chiến, mà còn lừng lững đi vào lịch sử cận đại qua việc dấn thân tranh đấu, để giành lại nền tự chủ của một dân tộc vốn tự hào có "Bốn ngàn năm văn hiến".
No comments:
Post a Comment