Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ TÌNH TRẠNG NHÂN QUYỀN Ở VN XUỐNG DỐC DƯỚI THỜI TÔ LÂM
Bạo quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ 170 nhà bất đồng chính kiến, tăng 10 người so với năm trước, trong khi đó nước này vẫn ở trong nhóm các quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, theo phúc trình toàn cầu của hai tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ Ký giả(CPJ) công bố vào hôm qua 16/1.
VN đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và vừa công bố tái ứng cử nhiệm kỳ mới 2026-2028, nhưng hai báo cáo cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc về tình hình nhân quyền ở quốc gia độc đảng.
Trong phần về Việt Nam, tổ chức Giám sát Nhân quyền cho biết là dưới trướng Bộ trưởng công an Tô Lâm, công an đã bỏ tù hàng chục nhà phê bình, tàn phá xã hội dân sự đang phát triển và xu hướng này tiếp diễn vào năm 2024, kể cả khi ông Tô Lâm nắm giữ vị trí quyền lực nhất của đảng CSVN vào tháng 8/2024.
Theo thống kê,từ tháng 8 năm ngoái có ít nhất 12 người bị bắt tạm giam và 14 người bị kết án theo các tội danh ở hai điều luật 331 và 117 của bộ luật hình sự.
Báo cáo của tổ chức giám sát nhân quyền trên thế giới cũng cho biết làtại Việt Nam, công an giám sát chặt chẽ mạng xã hội và bắt giữ những người mà họ cho là đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.
Một phúc trình khác của Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 9 quốc gia có nhiều nhà báo bị giam giữ nhất thế giới trong năm 2024, với 16 người hiện đang bị cầm tù.
Trong các năm trước, báo chí lề đảng thường bác bỏ các báo cáo của hai tổ chức này, với cáobuộc là bịa đặt, xuyên tạc và thiếu thiện chí về Việt Nam.
2/ MỘT NGƯỜI DÂN BỊ BẮT VÌ CHỈ TRÍCH NGHỊ ĐỊNH 168
Ông Đặng Hoàng Hà, một công dân trú tại quận Hoàng Mai ở Hà Nội, trở thành người đầu tiên ở Việt Nam được báo chí lề đảngloan tin bị công an xử lý vì chỉ trích sự hà khắc của nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông.
Ông Hà 51 tuổi bị cục an ninh chính trị của bộ công an mời lên đốn làm việc về “hành vi xuyên tạc, chống phá nghị định 168”. Đây là nghị định quy định các mức phạt nặng nề đối với các lỗi vi phạm giao thông, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1. Dư luận đangcó nhiều chỉ trích trong khi đại diện bộ công an khẳng định đây là biện pháp cần thiết để lập lại trật tự an toàn giao thông.
Theo cáo buộc của công an vào ngày 15/1, ông Hà bị cho là đã xử dụng trang mạng cá nhân có tên Bút Thần với nhiều hình ảnh có nội dung “sai lệchvề cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe, kèm theo lời lẽ kích động, gây hoang mang trong dư luận”.
Cũng theo cáo buộc của bộ công an, trên trang mạng của ông Hà có viết là “người dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình vì nghị định 168” nhưng không rõ thời điểm đăng tải, hay dòng chữ “dân chết càng nhanh càng tốt”với tựa đề “Nhận cuốc xe 25 ngàn đồng, tài xế xe ôm méo mặt vì bị phạt 5 triệu đồng”.
Việc bắt giam ông Hà nằm trong bối cảnh nhiều người dân phản đối về việc áp dụng nghị định 168 đang làm gia tăng tình trạng kẹt xe cả ngày đêm ở nhiều đô thị sau khi được thi hành. Nghị định này gia tăng mức phạt vạ cao gấp nhiều lần so với mức trước đây,trong khi đó mức thu nhập của người dân đang còn thấp.
Giới báo chí lề đảngđã có nhiều bài viết ngợi ca về tác động tích cực của nghị định 168 và biện hộ cho việc áp dụng mức phạt hà khắc đối với một số lỗi vi phạm.Những bài viết này cũng cho rằng các “thế lực phản động” sẽ triệt để lợi dụng để xuyên tạc và bịa đặt sự thật về nghị định 168.
3/ PHI LUẬT TÂN VÀ TRUNG QUỐC CAM KẾT GIẢI QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG
Phi Luật Tân và Trung Quốc đã đồng thuận tìm tiếng nói chung cũng như tìm cách hợp tác bất chấp những bất đồng của họ ở Biển Đông, theo thông báo của bộ ngoại giao hai nước vào hôm qua 16/1.
Hai nước đã tổ chức vòng đàm phán thứ 10 theo cơ chế tham vấn song phương được thiết lập để giải quyết các vấn đề ở Biển Đông, nơi các tranh chấp thường xuyên và căng thẳng, với mối quan hệ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Cả hai nước đều cho biết họ đã đồng ý thúc đẩy hợp tác khoa học hàng hải cũng như cam kết giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
Theo tuyên bố được đưa ra, Thứ trưởng ngoại giao Phis Theresa Lazaro nói trong bài phát biểu khai mạc làcả hai nước tin tưởng chắc chắn là vẫn có không gian thực sự cho sự hợp tác ngoại giao và thực tế trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông.
Trung Quốc cho biết họ kêu gọi Phi Luật Tân tiếp tục cam kết giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn.Cả hai bên đều nhất trí tăng cường giao tiếp và đối thoại sâu sắc hơn, nhưng cũng chỉ trích lẫn nhau về các cuộc đối đầu gần đây.
Phi Luật Tân, một đồng minh của Mỹ, cho biết họ đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về hành vi của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả sự hiện diện liên tục của lực lượng này trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
Về phần mình, Trung Quốc cho biết họ đã gửi các công hàm phản đối về "những hành vi xâm phạm và khiêu khích trên biển" gần đây cũng như về việc "thổi phồng" các tranh chấp hàng hải.
4/ TÂN NGOẠI TRƯỞNG MỸ CAM KẾT ĐẶT LỢI ÍCH QUỐC GIA TRÊN HẾT
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio cam kết sẽ thực thi tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump với tư cách là ngoại trưởng.
Lời tuyên bố của ông trong phiên điều trần củaquốc hội vào hôm 15/1 là tân chính quyền sẽ mở ra một con đường mới bằng cách đặt lợi ích của Hoa Kỳ “trên hết tất cả”.
Ông Rubio tuyên bố việc đặt lợi ích cốt lõi của quốc gia lên trên hết không phải là chủ nghĩa biệt lập.Theo ông thì đây là lẽ thường tình khi nhận thức rằng một chính sách đối ngoại tập trung vào lợi ích quốc gia không phải là một di tích lỗi thời. Ông cho biết là trật tự toàn cầu sau chiến tranh không chỉ là lỗi thời mà còn là vũ khí được xử dụng để chống lại nước Mỹ.
Đây là một phát súng mở đầu đáng chú ý của ông Rubio, người sinh ra ở thành phố Miami trong một gia đình di dân Cuba.Nếu được phê chuẩn, ông sẽ trở thành người gốc Latin đầu tiên giữ chức vụ ngoại giao hàng đầu của Mỹ.
Là một đảng viên Cộng hòa 53 tuổi, ông Rubio có mối quan hệ với ông Trump trong thập niên qua. Từng là đối thủ của nhau trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, hai người đã trở thành đồng minh thân thiết khi ông Trump vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào tòa Bạch Ốc.
Ông Rubio lần đầu tiên đến Washington vào năm 2010 và từng ủng hộ việc cho phép những di dân bất hợp pháp vào Mỹ. Nhưng giống như những người Cộng hòa khác, quan điểm của ông Rubio về vấn đề di dân đã chuyển sang lập trường cứng rắn của ông Trump, người đã cam kết sẽ theo đuổi mạnh mẽ việc trục xuất sau khi nhậm chức vào ngày 20/1.
Không giống như nhiều nhân vật khác được ông Trump lựa chọn vào nội các, ông Rubio được kỳ vọng sẽ dễ dàng giành được sự chuẩn thuận của quốc hội. Nhiều người kỳ vọng ông sẽ là một trong những lựa chọn nội các đầu tiên của ông Trump được chấp thuận.
Là một thành viênlâu năm trong Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo Thượng viện,trong các bài phát biểu của mình, ông đã đưa ra những cảnh báo rất nghiêm khắc về các mối đe dọa quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Cộng, quốc gia được hưởng lợi từ một “trật tự thế giới toàn cầu” mà ông mô tả là lỗi thời.
Quyết định hủy bỏ việc chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ cho khủng bố của ông Joe Biden khi chỉ còn vài ngày nữa là hết nhiệm kỳ sẽ khiến ông Rubio khó chịu vì từ lâu đã ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với hòn đảo do đảng cộng sản cai trị.
No comments:
Post a Comment