Thưa quý
thính giả, khi một nhà nước chuyên chế độc tài điều hành quốc gia thì lẽ đương
nhiên sẽ dẫn đến những luật lệ duy ý chí, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng
ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người dân. Trong tiết mục CNNM hôm nay, mời quý
thính giả theo dõi bài viết của tác giả Hưng Mai với tựa đề “Khi ‘thưởng nóng’ tố giác
giao thông gieo rắc mầm mống bất an”, đăng trên trang web
Saigon Nhỏ, sẽ do Ngọc Sương trình bày sau đây
Nhà nước Cộng Sản Việt Nam tiếp tục giở những chiêu trò kiểm soát và thao túng người dân. Lần này là vụ “thưởng nóng.”
Chủ trương “thưởng nóng” cho những người tố giác vi phạm giao thông dấy lên làn sóng nghi ngờ và bất bình trong dư luận. Nghị định 176/2024/NĐ-CP (Nghị định 176), có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, quy định về việc trao thưởng cho những người cung cấp thông tin vi phạm giao thông, với mức thưởng tối đa 10% số tiền phạt, nhưng không quá 5 triệu đồng cho mỗi lần báo cáo. Tuy nhiên, đằng sau những con số và lời hứa hẹn đó là một mớ bòng bong các vấn đề pháp lý, thực tiễn và những toan tính chính trị đầy bất trắc.
Việc nhà nước cộng sản tìm cách biến người dân thành những “tai mắt” của chế độ, thông qua chính sách thưởng tiền tố giác, không chỉ là một sự xâm phạm trắng trợn vào quyền tự do cá nhân, mà còn là một sự xúc phạm đến lương tri và phẩm giá con người. Những người hàng xóm thân thiết có thể trở thành những “kẻ chỉ điểm,” những người bạn tốt có thể biến thành đối thủ cạnh tranh, tất cả chỉ vì một chút lợi ích vật chất.
Dân Việt đang sống trong một xã hội mà đồng tiền có thể mua được tất cả. Việc nhà nước khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau đã tạo ra một bầu không khí bất ổn, nghi kỵ, làm xói mòn những giá trị đạo đức và nhân văn của xã hội, gieo rắc nỗi sợ hãi và bất an vào cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân.
Một câu hỏi nhức nhối lương tâm khác mà nhà nước cộng sản cố tình phớt lờ, đó là làm thế nào để bảo vệ những người tố giác? Trong một thế giới mà sự trả thù cá nhân và những mối quan hệ phức tạp vẫn tồn tại, việc tố giác có thể là một hành động dũng cảm, nhưng cũng đầy rủi ro. Những người dám lên tiếng có thể phải đối mặt với sự đe dọa, trả thù, thậm chí là những rắc rối pháp lý không đáng có. Trong khi đó, nhà nước liệu có đủ sức mạnh và ý chí để bảo vệ những người dân yếu thế? Và nếu như chính sách này bị lợi dụng để tố cáo sai sự thật, để trả thù cá nhân, thì liệu rằng xã hội có còn đủ sức để chống đỡ những mầm mống tiêu cực? Việc gắn phần thưởng tài chính với hành động tố giác đã vẽ nên một bức tranh xã hội đầy u ám, khi mà sự nghi ngờ và tham lam trở thành động cơ của các mối quan hệ xã hội. Niềm tin và sự gắn kết cộng đồng, vốn là những sợi dây vô hình liên kết con người, nay có nguy cơ bị phá vỡ bởi những hành động vì lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, nỗi lo về sự xâm phạm quyền riêng tư cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc khuyến khích người dân ghi hình và báo cáo vi phạm giao thông có thể dẫn đến tình trạng thu thập và công khai thông tin cá nhân một cách tràn lan, tạo ra những hậu quả tiêu cực cho những người không may bị ghi hình. Liệu rằng chúng ta có đang đánh đổi sự riêng tư để đổi lấy một chút trật tự giao thông hay không? Trong một xã hội mà quyền riêng tư chưa được bảo vệ đầy đủ, sự mất mát này có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Đến thời điểm hiện tại, dù Nghị định 176 đã có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể và rõ ràng về cơ chế chi trả tiền thưởng cho người tố giác. Đại diện Cục Cảnh Sát Giao Thông (Bộ Công An) thừa nhận, cơ chế chi trả vẫn đang trong giai đoạn “chờ hướng dẫn.” Đây không chỉ là một sự tắc trách và thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, coi thường luật pháp và người dân, mà còn tạo cơ hội cho tham nhũng và trục lợi.
Liệu rằng có xảy ra tình trạng “quân xanh quân đỏ,” khi những người có quan hệ thân quen với cơ quan chức năng cấu kết với nhau để trục lợi từ chính sách này? Và điều gì sẽ xảy ra khi một số cá nhân lợi dụng việc quay phim vi phạm giao thông để kiếm tiền, rồi bán lại những clip đó cho người khác, liệu có hợp pháp, hay lại bị “bẻ cong” thành một tội danh nào đó.
Mục tiêu chính của chính sách này có thực sự là để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hay chỉ là một chiêu trò để thu tiền và củng cố quyền lực của chế độ? Trong một xã hội mà sự dối trá và gian lận đã trở thành một phần của cuộc sống, những lời hứa hẹn về sự công bằng và minh bạch chỉ là những câu từ rỗng tuếch.
Những trường hợp như của ông Trần Minh Lợi và ông Trần Cao Long, những người dám lên tiếng tố cáo tham nhũng và bị trả thù, là một minh chứng rõ ràng về bản chất độc tài và tàn bạo của nhà nước cộng sản. Ông Trần Minh Lợi, một người dân ở Đắk Nông, bị bắt và vu khống tội danh chỉ vì ông dám tố cáo tham nhũng. Ông Trần Cao Long cũng bị bắt vì dám tố cáo những sai phạm của các cán bộ địa phương, và bị gán cho cái tội danh vu khống. Những câu chuyện này cho thấy, nhà nước cộng sản luôn tìm cách đàn áp những người dám đứng lên chống lại bất công và tham nhũng. Trong một xã hội mà những người tố cáo lại trở thành nạn nhân, liệu ai sẽ dám lên tiếng vì sự thật?
Chính sách “thưởng nóng” tố giác vi phạm giao thông, một lần nữa, khẳng định rõ ràng rằng, nhà nước cộng sản không hề quan tâm đến lợi ích của người dân. Họ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để duy trì quyền lực và sự kiểm soát của mình. Chính sách này đã phá vỡ những giá trị đạo đức và nhân văn của xã hội, tạo ra một môi trường nghi kỵ, thù hận và bất công. Những người tố cáo có thể bị trả thù, những người bị tố cáo có thể bị oan sai, và người dân thì luôn sống trong sự bất an và lo lắng.
No comments:
Post a Comment