Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt & Vũ Đình trình bày sau đây.
1/ THỦ TƯỚNG NGA SANG THĂM VN
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15/1 để thúc đẩy hợp tác. Dự trù sẽ có nhiều văn kiện được ký kết trong chuyến thăm này, theo đại sứ Nga tại Hà Nội vào hôm qua 13/1.
Trong chuyến thăm 2 ngày, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin dự trù sẽ hội đàm với “tứ trụ” lãnh đạo Việt Nam, bao gồm Tổng bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo, đặc biệt là việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp.
Nga, một cường quốc về năng lượng và hạt nhân, đã chuyển hướng sang Á châu sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vì cuộc xâm lăng ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 đã bày tỏ rằng Nga mong muốn hợp tác với Việt Nam về năng lượng và an ninh.
Ông Putin cũng nói riêng tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính là nước Nga sẵn sàng thiết lập nguồn cung cấp khí hóa lỏng dài hạn cho Việt Nam. Nga từ lâu đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, với công ty nhà nước Nga Zarubezhneft đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh này.
Ngoài ra, Việt Nam và Nga cũng đang tìm kiếm các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và hậu cần để thúc đẩy thương mại song phương.
https://www.voatiengviet.com/a/7935007.html
2/ VN VƯỢT QUA NHẬT BẢN VỀ HÀNG NHẬP CẢNG TỪ TRUNG QUỐC
Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản, trở thành điểm đến xuất cảng lớn thứ ba của Trung Quốc trong lúc mức thuế quan của Mỹ đang buộc các công ty phải tìm nhà cung cấp mới nhằm tránh thuế.
Theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc công bố hôm 13/1, kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc sang Việt Nam trong năm 2024 đã tăng gần 18%, lên mức kỷ lục 162 tỷ Mỹ kim. Con số này đã vượt qua mức 152 tỷ Mỹ kim xuất sang Nhật Bản, trước đây là thị trường lớn thứ ba đối với Trung Quốc.
Đây được xem là một sự thay đổi đáng kể trong động lực thương mại toàn cầu, nhấn mạnh tác động của việc thay đổi thuế quan và chuỗi cung ứng. Số lượng xuất cảng của Trung Quốc tăng tốc vào tháng 12 một phần lớn là do các nhà máy của Trung Quốc đang vội vã xuất hàng tồn kho ra nước ngoài trong lúc chuẩn bị cho rủi ro thương mại gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Cần biết là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ trở lại tòa Bạch Ốc vào tuần tới. Ông Trump từng đề nghị mức thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới giữa hai siêu cường.
Dữ liệu của Trung Quốc cho thấy gia tăng xuất khẩu từ nước này sang Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực linh kiện, nơi chúng được lắp ráp và sau đó xuất cảng sang Mỹ và các nước khác. Hầu hết các sản phẩm sau khi được lắp ráp hoàn thiện đều được vận chuyển đến khách hàng Hoa Kỳ, đẩy thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên mức kỷ lục trong năm tính đến tháng 11.
Thực tế này cũng có thể khiến Việt Nam nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump, người từng đề cập đến việc cần phải cân bằng thương mại với Việt Nam vào năm 2019 khi ông gọi Việt Nam là nước “lạm dụng” thương mại.
https://www.voatiengviet.com/a/7935068.html
3/ MỸ, NHẬT VÀ PHI LUẬT TÂN THẮT CHẶT HỢP TÁC ĐỂ ĐỐI PHÓ TRUNG QUỐC
Lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân trong cuộc trao đổi điện đàm vào hôm qua 13/01 đã tuyên bố thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận ba bên trước tình hình căng thẳng gia tăng tại nhiều vùng biển Á châu có tranh chấp.
Thủ tướng Nhật Shigeru Ishiba, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. và Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden, đã có cuộc họp vào sáng hôm qua. Cuộc họp này diễn ra sau lần họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Thủ tướng Marcos, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida tại Washington vào tháng 4 năm 2024 nhằm bảo vệ luật lệ quốc tế và ổn định khu vực.
Thông cáo của phủ tổng thống Phi Luật Tân cho biết các nhà lãnh đạo đồng ý tăng cường và siết chặt hơn nữa hợp tác kinh tế, hàng hải và công nghệ giữa ba nước. Riêng Tổng thống Joe Biden tỏ ra lạc quan về khả năng người kế nhiệm Donald Trump sẽ thấy được lợi ích của việc tiếp tục mối quan hệ hợp tác này.
Thông cáo của tòa Bạch Ốc đã nêu rõ lãnh đạo ba nước đã thảo luận về hành vi nguy hiểm và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Bộ ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo riêng tuyên bố cả ba nhà lãnh đạo phản đối “bất kỳ ý đồ đơn phương làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực” tại các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng không nêu đích danh Bắc Kinh.
Vài giờ sau cuộc họp ba bên, Phi Luật Tân đã phản đối Trung Quốc có hành động leo thang khi cho điều hai tàu hải cảnh cùng một trực thăng đến bãi cạn Scarborough trong hai ngày 5 và 10/1. Trong hai tàu này, có một tàu hải cảnh dài 165 thước mà Phi coi là “quái vật”.
Phi Luật Tân luôn khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền.
4/ NAM HÀN SẼ CẢI TẠO CÁC PHI TRƯỜNG SAU TAI NẠN CỦA JEJU AIR
Nam Hàn cho biết họ có kế hoạch cải tạo các kết cấu chứa ăng-ten hướng dẫn hạ cánh tại các phi trường của mình trong năm nay sau vụ tai nạn chết người vào tháng 12 của một chiếc máy bay Jeju Air khi trượt khỏi đường băng và bốc cháy sau khi đâm vào một kết cấu bê tông.
Bộ giao thông Nam Hàn là cơ quan đã kiểm tra các điều kiện an toàn tại các hãng hàng không và phi trường kể từ khi chiếc máy bay phản lực Boeing bị tai nạn tại phi trường Muan ở phía tây nam. Vào hôm qua 13/1, họ công bố về kế hoạch thay đổi các kết cấu dạng này, được gọi là “localizer” nhằm định hướng hạ cánh cho các máy bay.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố là 7 phi trường trong nước, bao gồm cả Muan, đã được phát giác là có các bờ kè hoặc nền móng làm bằng bê tông hoặc thép cần phải thay đổi. Bộ này nói thêm là họ sẽ chuẩn bị các biện pháp để cải thiện các kết cấu vào tháng này và đặt mục tiêu hoàn thành các cải tiến vào cuối năm 2025.
Các chuyên gia an toàn hàng không đã chỉ trích việc đặt bờ kè tại phi trường Muan và cho biết điều này có thể là nguyên nhân làm tăng số người chết trong vụ tai nạn, đã khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng.
Chính phủ cũng đã hoàn tất việc kiểm tra 6 hãng hàng không nội địa đang khai thác máy bay Boeing 737-800 và phát giác ra một số hành vi vi phạm tại một số hãng hàng không, bao gồm vượt quá thời hạn kiểm tra trước và sau chuyến bay, không tuân thủ các quy trình giải quyết lỗi máy bay hoặc hành khách lên máy bay.
No comments:
Post a Comment