Tuesday, January 21, 2025

NHỮNG CHUYỆN BUỒN LÚC GIAO THỜI

Chuyện Nước Non Mình

Trong lúc Tổng Bí Thư Tô Lâm, đang gân cổ hô hào “Kỷ Nguyên Mới đang mở ra tương lai sáng lạn cho dân tộc” thì bao cảnh đau lòng vẫn đang diễn ra nhan nhản khắp nơi.

Trong chuyên mục CHUYỆN NƯỚC NON MÌNH hôm nay, kính mời quý thính giả cùng theo dõi bài viết “NHỮNG CHUYỆN BUỒN LÚC GIAO THỜI” của tác giả CẢNH CHÂN đăng trong VIỆT NAM THỜI BÁO, sẽ do Ngọc Sương trình bày sau đây ....

Những ngày này là khởi đầu một năm mới Tây lịch, nhưng lại là thời điểm kết thúc một năm âm lịch theo truyền thống phương Đông. Thời gian này người dân Việt Nam thường có tâm lý chung là náo nức đón tết, dời lại mọi công việc qua sau tết rồi tính tiếp. Trong khi đó nhà nước thì đưa vào thực thi các chính sách, quy định, nghị định mới, điển hình là nghị định 168 gây rối loạn xã hội những ngày qua.

Sau nghị định, nhiều công ty, hàng quán tại các thành phố lớn gặp rất nhiều khó khăn do người dân mất thời gian di chuyển quá nhiều, tâm lý ra đường sợ bị phạt, và nhiều vấn đề khác. Một số doanh nghiệp buộc phải đóng cửa để cắt lỗ, cùng với tâm lý để qua tết rồi tính tiếp như đã nói ở trên, khiến nhiều người lao động lao đao, mất thu nhập ngay trước tết.

Một bài viết nhận được nhiều chia sẻ mấy ngày qua là những dòng tâm sự về dự định đóng cửa của Spa Người Mù. Đây là cơ sở gội đầu, massage tạo việc làm cho các nhân viên là những người khiếm thị tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Bài viết có tựa đề “Với những khó khăn không thể vượt qua, chúng em đang tính đến việc đóng cửa để cắt lỗ”.

Theo đó Spa Khiếm Thị này giải thích nguyên nhân là “Vì vắng khách, chúng em không thể có kinh phí để trả tiền mặt bằng, tiền điện… Hàng tháng, bị âm nhiều tiền, một tháng hai tháng chúng em gồng lỗ được, chứ việc này kéo dài thì chúng em không biết lấy kinh phí đâu ra. Đóng cửa, có nghĩa là chúng em thất nghiệp, nhưng dù sao chúng em không bị âm tiền. Chúng em sẽ làm các công việc như bán vé số, bán tăm bông để duy trì cuộc sống”. (1)

Những nhân viên khiếm thị ở đây trăn trở rằng “Điều chúng em buồn nhất khi phải đóng cửa là chúng em không có cơ hội thực hành massage mà chúng em đã rất vất vả mới có được chứng chỉ hành nghề. Và đóng cửa cơ sở, cũng là chúng em tự đóng cánh cửa mở ra tương lai, hành trình đi tìm ánh sáng xem như khép lại”.

Cuối bài viết, những người khiếm thị này tâm sự rằng “Chúng em tự cho mình thêm chút cơ hội… Ừ, thì qua Tết rồi tính. Chúng em mong có điều kỳ diệu xảy ra”. Bài viết nhận được hơn 2000 lượt tương tác và hơn 1000 lượt chia sẻ thể hiện sự đồng cảm.

Không chỉ người mù, mà người khoẻ mạnh cũng đang gặp nhiều bế tắc trong bối cảnh xã hội hiện nay. Nào là công nhân mất việc không có tiền về quê, nào là người trẻ không dám lập gia đình vì không đủ tiền sống… Câu chuyện rùng rợn nhưng thương tâm, gây chú ý nhất mạng xã hội những ngày qua là vụ một người đàn ông phải giết cả gia đình vì nghèo khổ, bế tắc trong cuộc sống.

Vụ việc xảy ra ở huyện Phú Xuyên (thủ đô Hà Nội). Nghi phạm Vũ Văn Vương khai rằng ngày 15/1 đã giết vợ và hai con, rồi sau đó dùng tay bóp cổ người mẹ bị bệnh lâu ngày nằm một chỗ trên giường đến chết. Sau khi gây án, Vương viết thư để lại và uống thuốc ngủ tự tử nhưng không chết. Đến chiều 16/1, Vương bắt xe khách bỏ trốn vào Vũng Tàu, rồi đến chùa Liên Trì để cầu siêu cho các nạn nhân. Nghi phạm khai động cơ phạm tội là muốn giải thoát cho cả nhà do quá nghèo. (2)

Túng quẫn tới mức giết cả gia đình rồi tự sát thì có thể hình dung cuộc sống của người dân bí bách đến mức nào. Mặc dù các báo cáo kinh tế của cơ quan chức năng đều rất đẹp, phát triển vượt bật, nhưng số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2024 có 197.861 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Chỉ tính riêng tháng 12 có 26.418 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Từ đó có thể mường tượng ra số người mất việc làm sẽ khủng khiếp đến thế nào.

Còn về nông nghiệp và đời sống của người dân tại nông thôn thì cũng không khá khẩm hơn, khi giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất trong 4 năm. Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy từ cuối năm 2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ 624 USD một tấn xuống còn 434 USD – thấp nhất từ năm 2021. Với giá này, Việt Nam là quốc gia có giá gạo rẻ nhất trong top 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.

Báo chí trong nước mô tả rằng “Giao dịch gạo tại địa phương chậm và ít, giao dịch lúa mới tiếp tục chậm do giá lúa biến động liên tục. Tại nhiều địa phương, hôm nay giao dịch lúa, gạo gần như ngưng trệ. Các doanh nghiệp không xuất được hàng khiến cho thương lái ít thu mua lúa, gạo thậm chí bỏ cọc dù đang vào chính vụ thu hoạch. Ở nhiều tỉnh thành, lượng lúa gạo được thu mua về ít, giao dịch mới tiếp tục chậm, nhiều chủ kho nghỉ tết sớm. Tại Sóc Trăng, nhu cầu hỏi mua mới không nhiều, thương lái bỏ cọc nhiều. Tại Đồng Tháp, nông dân chào bán lúa giá giảm nhưng ít thương lái mua. (3)

Trong khi chi phí đầu vào như giống, phân, thuốc, nhân công tăng cao, giá lúa xuống thấp kỷ lục, nông dân năm nay xác định lỗ nặng và coi như mất tết. Nhìn toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đã vậy còn chịu thêm các nghị định, chính sách vô lý của nhà cầm quyền, đã nghèo còn mắc cái eo…

 

No comments:

Post a Comment