Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ NGA – VIỆT KÝ KẾT THỎA ƯỚC VỀ HẠT NHÂN
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin vào hôm qua 14/01 đã hội đàm với Tổng bí thư CSVN Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong ngày họp đầu tiên, Hà Nội và Moscow đã ký kết một thỏa thuận hợp tác về phát triển năng lượng hạt nhân.
Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom và công ty điện lực VN đã đồng ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân theo thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai bên. Tuy nhiên nội dung chi tiết của thỏa thuận không được công bố.
Chương trình hợp tác này diễn ra vào lúc Việt Nam đặt mục tiêu khởi động lại chương trình phát triển năng lượng hạt nhân sau nhiều năm bị đình chỉ, trong khi nhu cầu về điện lực ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên tập đoàn Rosatom của Nga đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ, nhắm vào nhiều công ty con và quan chức cao cấp của hãng.
Ngoài ra, Nga cũng đồng ý chuyển giao một tàu nghiên cứu hàng hải cho Việt Nam theo một thỏa thuận được ký kết giữa bộ quốc phòng Việt Nam và bộ khoa học Nga. Cuối cùng vào ngày hôm qua, Nga và Việt Nam cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và mạng viễn thông.
Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam nhưng khối lượng cung cấp đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, bất chấp việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Hà Nội phải đối mặt với những tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh.
2/ TÒA BẢO HIẾN NAM HÀN RÚT NGẮN PHIÊN XỬ ĐẦU TIÊN
Vào hôm qua 14/01, tòa bảo hiến Nam Hàn bắt đầu xem xét thủ tục phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, một tháng sau khi ông ban hành thiết quân luật nhưng thất bại. Tuy nhiên phiên tòa chỉ kéo dài 4 phút vì tổng thống bị tước quyền không tham dự.
Một phiên tòa mở ra mà không có bị cáo. Các luật sư của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã báo trước là ông sẽ không đến phiên xử vì lo ngại cho an ninh của cá nhân. Ông cố thủ trong tư dinh và từ chối đến các phiên thẩm vấn của các cơ quan đã ban hành lệnh bắt ông.
Phiên điều trần đầu tiên, trên tổng số 5 phiên được lên lịch cho phiên tòa này, đã sớm kết thúc vì không thể nghe được lời khai của bị cáo. Tuy nhiên bắt đầu vào ngày mai tại phiên xử thứ hai, các thẩm phán của tòa có thể tiếp tục phiên xét xử kể cả khi Tổng thống Yoon không tham dự.
Trong vụ này, trước tiên các thẩm phán sẽ xác định liệu việc ban bố thiết quân luật có bất hợp pháp hay không. Những người khác có liên quan đến vụ án này đã bị kết tội. Ở giai đoạn thứ hai, họ sẽ phải xác nhận là có phế truất tổng thống hay không. Phiên xử cuối cùng dự kiến diễn ra vào ngày 4/2 và tòa có thời hạn tối đa là 5 tháng để đưa ra phán quyết.
Cùng ngày, các đơn vị đặc nhiệm cảnh sát ở thủ đô Seoul, Gyeonggi Nambu, Gyeonggi Bukbu và Incheon đã tổ chức cuộc họp thứ ba để thi hành lệnh bắt ông Yoon, dự trù diễn ra vào hôm nay 15/1. Cuộc họp đã thảo luận kế hoạch xâm nhập dinh tổng thống, được canh phòng nghiêm ngặt ở khu vực Hannam, trung tâm Seoul, cũng như tìm cách vô hiệu hóa lực lượng cận vệ của tổng thống có thể cản trở lệnh bắt. Có thể có đến một ngàn cảnh sát được huy động.
Trước đó, lực lượng bảo vệ tổng thống được đề nghị hợp tác thi hành lệnh bắt một cách ôn hòa và an toàn. Về phía quân đội, bộ quốc phòng cam kết không một quân nhân nào, đang canh giữ dinh tổng thống, sẽ ngăn cản quá trình bắt ông Yoon.
3/ TRUNG CỘNG BỊ TỐ CÁO KẾT HỢP VỚI BĂNG ĐẢNG ĐỂ DỌ THÁM ĐÀI LOAN
Cục tình báo Đài Loan đã lên tiếng tố cáo cơ quan tình báo Trung Cộng đang hợp tác với các băng đảng tội phạm, các công ty bình phong và các đối tác đáng ngờ khác để thu thập thông tin về khả năng phòng thủ của Đài Loan, dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp trên đảo.
Theo tình báo Đài Loan, quân nhân Đài Loan là mối quan tâm đặc biệt, chiếm khoảng một nửa trong số 64 điệp viên bị đưa ra xét xử vào năm ngoái. Con số đó tăng từ 16 người vào năm 2021 và 10 người vào năm 2022.
Các vụ bắt giữ này phù hợp với chiến dịch đe dọa quân sự, cưỡng ép kinh tế và các chiến thuật “vùng xám” của Trung Cộng như xử dụng internet để thúc đẩy thống nhất và cung cấp các chuyến đi đến Trung Cộng được chi trả toàn bộ cho các quan chức chính phủ cấp thấp.
Theo một phúc trình được Cục An ninh Quốc gia Đài Loan công bố vào cuối tuần qua, các điệp viên Trung Cộng đã xử dụng thế giới ngầm ở Đài Loan để chuyển tiền cho những người có thông tin. Các băng đảng, với nhiều băng đảng có nguồn gốc từ trước khi chia rẽ giữa hai bên vào năm 1949, đang được tìm kiếm. Phúc trình cho biết là những kẻ cho vay nặng lãi, các công ty bình phong có thể được xử dụng để rửa tiền, các giáo phái tôn giáo đôi khi tham gia vào hoạt động bất hợp pháp và các nhóm phi lợi nhuận đều bị cấu kết.
Một số khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền điện tử, trong khi các phương pháp cổ điển cũng được xử dụng như dụ dỗ tình dục và gây áp lực buộc họ tiết lộ bí mật. Đó là trường hợp của một vị tướng Lo Hsien-che, người đã bị bắt trong một âm mưu như vậy khi đang đồn trú tại Thái Lan.
Trong số những người bị bắt vào năm ngoái có 23 người làm việc cùng nhau trong một đường dây gián điệp, một trong số họ đã bị kết án 20 năm tù. Cơ quan tình báo chính của Trung Cộng, tức bộ an ninh nhà nước, điều hành các chương trình dựa trên các hoạt động gián điệp truyền thống và các cuộc tấn công mạng cùng với tình báo quân sự. Trong khi đó Mặt trận Thống nhất của đảng cộng sản điều hành các chiến dịch tuyên truyền.
No comments:
Post a Comment