Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân
Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Trong trí nhớ của tất cả chúng ta đều chưa từng bao giờ nghĩ đến việc có một ngày toàn thế giới đều phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, thậm chí phải bắt buộc đeo khẩu trang cả ở trong khán phòng. Nhưng đại dịch Covid đã làm chúng ta thức tỉnh rằng mọi việc khó tin nhất đều có thể xảy ra và xảy ra một cách hết sức đường đột, bất ngờ. Qui luật bất ngờ này là phổ quát cho mọi việc, mọi chủ thể.
Điều đó có nghĩa rằng qui luật này cũng không loại trừ chế độ cộng sản độc tài ngoan cố tại Việt Nam hiện nay. Sự sụp đổ của chế độ này cũng có thể xảy ra một cách hết sức bất ngờ, ngoài mọi sự tiên đoán, dự báo của mọi người.
Không chỉ chịu chi phối của qui luật thoái hóa, biến đổi chung của mọi sự vật, chế độ Hồ-Tàu còn đã và vẫn đang tiếp tục tạo ra những nguyên nhân, những lí do có tính phá hủy nền tảng tồn tại của một chế độ chính trị.
Từ thời xa xưa, các triết gia cổ đại cả ở Đông lẫn Tây đều nói đến nền tảng căn cốt cho sự tồn tại của một chính quyền là niềm tin, sự ủng hộ của dân chúng - những người bị cai trị. Vì vậy, mọi kẻ cầm quyền từ trước tới nay đều phải luôn cố gắng giành và duy trì được sự tin tưởng, ủng hộ của dân chúng.
Trong các chính quyền cổ xưa, kẻ cầm quyền thường xây dựng lòng tin của dân chúng dựa trên niềm tin thần thánh coi những kẻ cầm quyền là đại diện, là sự chọn lựa của đấng tối cao toàn năng trên trời. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin thần thánh này, những kẻ cầm quyền cổ xưa đều phải dùng nhiều cách khác nhau để củng cố, tôn tạo niềm tin của dân chúng vào sự cầm quyền của họ vì thiếu sự tin tưởng của dân chúng quyền lực tất yếu sẽ đi tới điểm sụp đổ. Vì vậy, trong lịch sử nhân loại trước khi có chế độ dân chủ, chưa có một chính quyền nào có thể tồn tại mãi mãi vì các chế độ phi dân chủ đều thiếu niềm tin của dân chúng hoặc chỉ được xây dựng trên niềm tin giả tạo có tính cưỡng bách.
Trong khi đó chế độ dân chủ, dù không phải là chế độ toàn hảo, được xây dựng trên nền tảng sự đồng ý-tán thành của người dân thông qua các kì bầu cử tự do, công bằng và định kì. Đây chính là sự tin tưởng tự nguyện của người dân được kí thác cho người cầm quyền trong một hạn định với những kì vọng, mục đích cho cá nhân và xã hội. Và sau một kì bầu cử, dựa trên những kết quả đã đạt hoặc chưa đạt mục đích, kì vọng, người dân có thể thay đổi sự tin tưởng, tín nhiệm để kí thác cho những người khác được nắm vai trò cầm quyền lãnh đạo xã hội. Do đó, các chính quyền trong các chế độ dân chủ luôn phải thay đổi, thậm chí bị thay đổi, phế truất khi chưa hết một nhiệm kì nhưng hoạt động, vận hành của xã hội vẫn ổn định không bị rơi vào tình trạng náo loạn do chế độ dân chủ vẫn vững vàng, thường trực bởi nền tảng tin tưởng của người dân vào chế độ luôn được duy trì không hoang mang, lo sợ, nghi kị như trong các chế độ phi dân chủ.
Thưa anh chị em và quí vị, nếu căn cứ vào lí luận vừa nêu, chúng ta có thể nói chế độ Hồ-Tàu đã sụp đổ hoàn toàn rồi bởi lí do rất đơn giản là chẳng còn ai tin tưởng vào chế độ này, kể cả bọn chóp bu cao nhất như Nguyễn Phú Trọng.
Trong tháng 9 vừa qua Nguyễn Phú Trọng đã ra quyết định thành lập cái gọi là Hội Đồng Lí Luận Trung Ương trực thuộc Bộ Chính Trị để nghiên cứu về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Quyết định này tự cho nhân dân chúng ta thấy rõ hơn sự ngoan cố trong việc cố tình lừa bịp nhân dân ta của chính Trọng và đảng Hồ-Tàu. Mặt khác, quyết định này cũng tự cho nhân dân ta thấy bản thân Trọng và đảng Hồ-Tàu không hề có niềm tin gì vào chế độ chính trị hiện nay, chúng chỉ cố tình tìm mọi cách, kể cả những cách ngô nghê nhất, để kéo dài thêm thời gian cầm quyền của chúng mà thôi.
Trong giới công an, sĩ quan an ninh, quân đội, bộ đội hiện nay, chúng ta có thể thấy chẳng còn ai, kể cả những người ngây thơ nhất, lại đi tin vào cái gọi là “xã hội chủ nghĩa” nữa, tất cả đều chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu, mua chức, mua quyền để làm giàu và hạ cánh an toàn. Thế nhưng, tay đảng trưởng của cả một chính quyền vẫn trắng trợn nói đến ước vọng tiến lên “chủ nghĩa xã hội”.
Đây chính là biểu hiện bế tắc, cùng quẫn về lí luận của kẻ cầm quyền khi tìm lí do để cứu vớt niềm tin của công chúng.
Nhưng càng cùng quẫn, chúng càng tự chứng minh cho tất cả chúng ta thấy sự giải thể, tan rã của chế độ này là điều tất yếu, có lợi cho toàn dân tộc.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.
03/10/2021
No comments:
Post a Comment