Cuộc di tản của hằng vạn dân nghèo trốn
dịch cho thấy bộ mặt gian ác của đảng và Mặt Trận Tổ Quốc. Mời quý thính giả
đài ĐLSN nghe phần bình luận của Huy Đức với tựa đề: “Một cách lên tiếng khác” sẽ được Song Thập trình bày để kết
thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Có lẽ nhiều người cũng đang tự hỏi, phản ứng của các địa phương trước dòng người hồi hương là nỗi sợ “vỡ thành tích chống dịch” hay thấy đó là một tình huống nhân đạo cần ngay những quyết định của mình. Tàu hỏa, xe khách… vẫn nằm yên mặc cho hàng vạn công dân lầm lũi, bao gồm cả phụ nữ có mang, trẻ sơ sinh… bồng bế nhau hàng nghìn ki-lô-mét trên xe máy; dắt díu nhau hàng trăm ki-lô-mét trên đôi chân, trên xe đạp.
Quyết định đông cứng hệ thống giao thông công cộng như một biện pháp
chống dịch không chỉ gây ra những thiệt hại to lớn về kinh tế, mà còn đang đày
ải hàng vạn con người.
Dòng người ấy càng lầm lũi, càng câm nín, mức độ lên tiếng càng đanh
thép. Lên tiếng về năng lực của hệ thống chính trị.
Một hệ thống chính trị nắm rất thành công quyền lực nhưng lại thất bại
khi đứng bên cạnh những người dân bị đẩy vào thế bần cùng.
Nếu như dòng người hồi hương mấy tháng trước đây có mục đích đơn giản là
“chạy dịch”. Mục đích của dòng người hồi hương diễn ra suốt mười ngày qua phức
tạp hơn. Cho dù họ có thể đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine; họ có thể đã vượt
qua những ngày cả nhà là F0; họ có thể đã phải bỏ lại người thân ở Sài Gòn,
Bình Dương hoặc cùng người thân về… trong hũ tro.
Trong những ngày bị giam hãm trong những phòng trọ chật chội, hết tiền,
hết gạo; tương lai bế tắc. Họ hẳn đã phải nhìn lại cả quá trình tha hương mưu
sinh, đo đếm được mất. Quê hương, với họ, như một biểu tượng che chở. Họ mạo
hiểm cả gia đình và bản thân trong một hành trình hàng nghìn ki-lô-mét mưa gió,
để về nhà, để tìm sự bình an và chắc hẳn đã thay đổi rất nhiều quan niệm sống.
Cho dù một thời gian sau, nhiều người trong số họ sẽ quay lại nơi cũ
hoặc tìm đến một không gian mưu sinh khác. Quyết định hôm nay của họ đã làm
thay đổi cấu trúc của nền kinh tế và gây sang chấn sâu sắc trong lòng Việt Nam.
Không có quốc gia nào trải qua giai đoạn “đang phát triển” mà không phải
chứng kiến quá trình dịch chuyển dòng lao động từ khu vực nông nghiệp sang các
khu vực kinh tế khác. Như tôi đã viết nhiều lần, tiến trình “công nghiệp hóa”
dựa trên nền tảng “thu hồi” đất đai của người dân giao cho cho các “đại gia”
làm khu công nghiệp hoặc “phân lô bán nền” không chỉ buộc phần lớn lao động
nông thôn muốn “ly nông” phải “ly hương”; Mà trong dòng người ly nông xâm nhập
vào các đô thị ấy chủ yếu là lao động giản đơn hoặc làm osin thay vì chủ yếu là
tầng lớp tinh hoa (tài năng, đỗ đạt…) như truyền thống.
Rất ít người trong số họ thực sự thay đổi được số phận. Họ “ở trọ” trong
các khu phố chật chội thiếu các điều kiện sống tối thiểu. Họ không tiếp cận
được các chính sách an sinh xã hội và y tế. Họ không có tiếng nói.
Giờ đây chúng ta chứng kiến những người ly hương với hai bàn tay trắng
đang hồi hương vẫn hai bàn tay trắng với nhiều gánh nặng hơn.
Hệ thống chính trị nhiều công an, nhiều quan chức vào hàng nhất nhì thế
giới lại thiếu sự tin cậy để biết dân, hiểu dân; ít khả năng tiên liệu và đủ
lòng trắc ẩn để tránh ra quyết định như những cỗ máy.
Lực lượng công đoàn quốc doanh sử dụng tới 2% tiền lương của công nhân
rõ ràng đã không phải là lực lượng ở bên cạnh công nhân trong những ngày khó
khăn. Không chỉ có công đoàn quốc doanh…
Người dân không quan tâm nhiều tới cái gọi là “định hướng xã hội chủ
nghĩa”. Chính “kinh tế thị trường” đang làm thay đổi đất nước suốt hơn ba thập
niên vừa qua. Nhưng, sẽ không có “kinh tế thị trường” thực sự nếu không có “nhà
nước pháp quyền”, sẽ không có “nhà nước pháp quyền” nếu không có, tối thiểu là “xã hội dân sự”.
Người dân không có tiếng nói thật sự trong các hội đoàn quốc doanh. Các
hội đồng hương tỉnh huyện cũng chủ yếu là sân chơi của những người thành đạt có
quan hệ tốt với chính quyền. Những người yếu thế không có các tổ chức tương tế,
không có những tổ chức xã hội do họ tự nguyện lập ra, biết họ, hiểu họ và nói
tiếng nói của họ.
Những người có tâm nguyện phụng sự xã hội cũng rất khó khăn khi muốn lập
các quỹ từ thiện [những chương trình uy tín như “Cơm Có Thịt” cũng phải mất
nhiều năm mới xin được pháp nhân (Quỹ Học Trò Nghèo Vùng Cao)].
Những cá nhân, những người nổi tiếng gây quỹ đơn lẻ rất dễ trở thành mục
tiêu tấn công. Các thiết chế dân sự rất dễ bị làm mất uy tín, rất dễ để cho
công chúng hoang mang. Càng hoạt động xã hội mang tính cá nhân càng rất dễ có
sai sót vì thiếu kỹ năng. Nếu những người hoạt động xã hội dễ dàng lập các pháp
nhân thì công chúng vừa dễ giám sát, nhà nước vừa dễ “nắm người có tóc”, vi
phạm pháp luật dễ bị xử lý và khi lòng tham nảy sinh cũng không dám liều làm
bậy.
Đừng thiết kế những chính sách chủ yếu nhằm bảo vệ hệ thống chính trị mà
phải thiết kế những chính sách đảm bảo trong hệ thống chính trị ấy có dân. Sẽ
rất đáng sợ nếu như cho đến bây giờ bản chất của đảng cầm quyền vẫn là “của
giai cấp công nhân – những người vô sản”. Nhưng sẽ đáng sợ hơn nếu đảng cầm quyền
cứ rượu ngon, cigar trong những dinh thự quá xa cách với giai cấp công nhân.
Nếu công bằng xã hội không phải là chính sách được nhìn thấy từ những
người đang cầm quyền mà được giành lấy bởi những tầng lớp bị bỏ quên bởi những
người cầm quyền thì số phận của đất nước và cả những dinh thự ấy đều không dễ
dàng đoán định./.
No comments:
Post a Comment