Sunday, October 10, 2021

Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp?

Nói Với Người Cộng Sản

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hoàng Ân

Tiến Văn

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Ngày hôm nay 10 tháng 10 là một ngày lịch sử đối với dân tộc ta nói chung và đối với Hà Nội nói riêng. Đây là ngày ghi dấu cách đây 67 năm Hà Nội đã phải trao vào tay quản lí của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cơ quan tuyên truyền của đảng Hồ-Tàu luôn cổ xướng, truyền tụng mọi ca từ để tung hô cái gọi là ngày “giải phóng thủ đô”. Trên thực tế ngày “giải phóng thủ đô” 10 tháng 10 chính là ngày Hà Nội bắt đầu phải sống trong gông cùm, xiềng xích của chế độ cộng sản sau 9 năm đảng cộng sản phát động chiến tranh đẫm máu với người Pháp dưới chiêu bài để đòi độc lập.

 

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu liệu cuộc chiến tranh với người Pháp có cần thiết không nếu như thực sự Hồ muốn tìm lại độc lập cho đất nước.

 

Để hiểu được sự thật này chúng ta cần phải lần ngược lại lịch sử.

 

Như nhiều người chúng ta thường lên án, tố cáo cuộc tìm kiếm và chiếm đóng làm thuộc địa của người Pháp và nhiều nước phương Tây trong các thế kỉ 18, 19. Những tố cáo, lên án này ở một phương diện là đúng đắn  vì các cuộc tìm kiếm thuộc địa của Pháp và phương Tây đã mắc phải nhiều sai lầm và tội ác đối với người dân bản địa. Tuy nhiên, chúng ta cũng trở nên sai lầm và tội ác nếu chúng ta không nhận thấy công cuộc tìm kiếm thuộc địa và chiếm lĩnh, thôn tính các vùng đất khác là một xu hướng chung của con người ở khắp mọi nơi, trong đó có người Việt Nam chúng ta.

 

Cho tới thời Lý, đầu nhà Trần, cương thổ của chúng ta ở phía Nam mới chỉ ở khoảng vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay. Và chúng ta thường quên mất rằng chính người Việt chúng ta đã xâm chiếm, thôn tính và xóa sổ cả một dân tộc, một vương quốc khác đó là Vương Quốc Chàm.

 

Do đó, chúng ta phải thấy công cuộc thuộc địa hóa của Pháp và phương Tây là một diễn biến có tính cách tự nhiên của loài người trong giai đoạn bán khai, khi mà những giá trị về  quyền con người chưa được đề cao và phổ cập .

 

Cho mãi đến đầu thế kỷ 20, lúc mà nền văn minh bắt đầu nở rộ ở một số nước phương Tây, với kết quả cụ thể là ngay trong Thế Chiến 2 các đại cường về thuộc địa đã tự cam kết sẽ trả lại độc lập cho người bản xứ. Đó là tinh thần của Hiến Chương Đại Tây Dương do Mĩ và Anh kí kết tại Newfoundland, Ca Na Đa ngày 14 tháng 8 năm 1941.

 

Đúng như cam kết, từ 1946 đến 1949, có tới 12 thuộc địa tại châu Á Châu đã giành độc lập mà không cần tới chiến tranh:

 

Năm 1946, Hoa Kì trả độc lập cho Phi Líp Pin, Pháp trả độc lập cho Syrie và Liban.

Năm l947: Anh trả độc lập cho Ấn Độ và Áp Ga Nít Tăng.

Năm l948: Anh trả độc lập cho Miến Điện, Sri Lan Ca và Palestine.

Năm l949: Pháp trả độc lập cho Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia; Hòa Lan trả độc lập cho In Đô Nê Xi A.

 

Riêng đối với Việt Nam, chúng ta phải thấy ngày 8 tháng 3 năm 1949, tại chính dinh tổng thống Pháp ở Paris, Tổng Thống Pháp đương quyền Auriol và Quốc Trưởng-Cựu Hoàng Bảo Đại cùng kí kết một hiệp ước trong đó Pháp thừa nhận sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ ba miền của Việt Nam và sự độc lập của Việt Nam trong khối Liên Hiệp Pháp. Ngoài ra, Pháp còn đăng kí cho Việt Nam là một quốc gia độc lập tại Liên Hợp Quốc.

 

Theo Hiệp Ước Ê Li Zê tháng 3, 1949, Việt Nam là một quốc gia liên kết trong Liên Hiệp Pháp nên giữa Việt Nam và Pháp có nghĩa vụ an ninh hỗ trợ nhau. Nếu Quốc Gia Việt Nam bị đe doạ về an ninh thì Pháp có nghĩa vụ tiếp sức, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền vì Việt Nam thuộc chủ quyền, lãnh thổ của Liên Hiệp Pháp và của Thế Giới Dân Chủ.

 

Như vậy rõ ràng là với trào lưu tiến hóa của nhân loại, dù không có cái gọi là “công cuộc giải phóng dân tộc” do đảng Hồ-Tàu phát động, trước sau gì Pháp cũng trao trả độc lập cho Việt Nam. Trong trường hợp đó, nhân dân đã đỡ hao tốn biết bao máu xương, đất nước không hao hụt bao nhiêu tài nguyên, không phải chỉ trong 9 năm từ 1945 đến 1954, mà cả 2 thập niên kế tiếp trong cuộc chiến “giải phóng Miền Nam” và “Chống Mỹ cứu nước”. Và quan trọng nhất là Tổ Quốc Việt Nam đã tránh được họa cộng sản cũng như thoát được vòng kềm tỏa của bá quyền phương bắc.

 

Ngày hôm nay, trong bối cảnh nhân dân chúng ta đang khao khát, mong ước có được một nước đại cường cam kết bảo vệ trước sự xâm lăng hung hãn của Trung Cộng, trong bối cảnh chính quyền Hồ-Tàu bất lực và bỏ mặc dân chúng trước sự tấn công của Covid, chúng ta phải khẳng định cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp là hoàn toàn vô nghĩa và vô cùng lãng phí công của, xương máu của dân tộc Việt Nam chúng ta.

 

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

 

10/10/2021

 

 

No comments:

Post a Comment