Kính thưa quý thính giả, lịch sử Việt Nam thời cận đại ghi lại, không những chỉ có Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết để giữ tiết tháo trước cơn quốc nạn, mà còn có một vị Tổng đốc từ quan về quê lãnh đạo các văn thân yêu nước chống thực dân Pháp. Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Tổng đốc Đào Doãn Địch” của Việt Thái, qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đào Doãn Địch tên thật là Đào Tăng Sắt, tự Doãn Địch, hiệu Cao Mô. Ông sinh năm Quý Tỵ (1833) tại làng Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông làm quan cho triều Nguyễn, giữ chức "Kiểm Biện ở dinh Long Võ".
Về sau, thấy ông "văn học khả quan, tài năng khả thủ, đủ mưu kế chánh trị, thanh liêm, thận trọng, cần mẫn, giữ đúng quan châm, có thành tích và siêng năng" nên vua Hàm Nghi đặc cách thăng ông lên chức "Phụng Nghị Đại phu”, hàm Hồng lô Thiếu khanh.
Ngày 5/7/1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bôn tẩu, truyền hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân vùng dậy chống thực dân Pháp.
Hưởng ứng lời kêu gọi, Tổng đốc Bình Định Đào Doãn Địch từ quan, cầm đầu các văn thân chống quân Pháp. Ông chiêu mộ được khoảng 600 nghĩa quân, lập căn cứ ở thôn Tùng Giản (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Tin lan nhanh đến các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên... khiến hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp tìm đến tham gia vào đoàn quân khởi nghĩa do ông lãnh đạo.
Lúc bấy giờ, tại làng Phú Lạc, quận Bình Khê, có người thanh niên 25 tuổi tên Mai Xuân Thưởng văn võ song toàn, chiêu mộ được nhiều nghĩa quân về đầu quân dưới trướng của ông.
Giữa tháng 7 năm 1885, Thủ lãnh Đào Doãn Địch chỉ huy đánh chiếm thành Bình Định và trừng trị viên quan thân Pháp là Tổng đốc Lê Thận. Quân Pháp từ Quy Nhơn kéo lên bao vây đánh phá, ông dàn quân kháng cự. Hai bên giao tranh dữ dội ở Trường Úc và Phong Niên. Trước hỏa lực hùng hậu của quân Pháp, lực lượng của ông phải rút về bản doanh của Mai Xuân Thưởng tại Đồng Hươu ở thôn Phú Phong thuộc huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Đến tháng 9 năm 1885, ông lâm trọng bệnh và qua đời ở tuổi 52.
Trước khi mất, ông giao quyền chỉ huy cho Tán tương Quân vụ Mai Xuân Thưởng để tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng chiến tại Bình Định.
Sau khi làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, Mai Xuân Thưởng cho xuất quân và giao chiến với quân Pháp nhiều trận tại Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho... Dưới trướng của Thủ lãnh Mai Xuân Thưởng, có nhiều người sau này cũng nổi danh trong lịch sử kháng chiến chống Pháp như Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Bá Huân, Hồ Tá Quốc, Võ Đạt.. và hàng ngàn sĩ phu đến từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Nhận thấy lực lượng của Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh, gây nhiều thiệt hại về nhân lực và tài lực, quân Pháp đem pháo hạm án ngữ cửa biển Quy Nhơn, đồng thời sai Trần Bá Lộc đưa quân từ tỉnh Khánh Hòa đánh ra, Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào. Nhờ pháo binh yểm trợ, 2 cánh quân này bắt tay nhau tiến vào Phú Phong.
Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu, An Nhơn, Thủ lãnh Mai Xuân Thưởng bị thương nặng phải rút quân vào Linh Ðỗng (núi Phú Phong) ẩn náu và tính kế kháng chiến lâu dài.
Đến tháng 4, Trần Bá Lộc ra lệnh tàn sát dân chúng và tra tấn mẹ ông ngay tại quê nhà. Vì quá thương mẹ, ông ra nạp mình để cứu mẹ cùng với dân lành. Biết không thể chiêu hàng, triều đình Huế ra lệnh hành quyết ông. Khi ấy ông chỉ mới 27 tuổi.
* * *
Lịch sử VN gần 5 ngàn năm, ghi nhận hàng trăm cuộc khởi nghĩa đẫm máu để giành lại nền độc lập tự chủ cho nước nhà. Thế nhưng, so với một ngàn năm Bắc Thuộc, trong 80 năm bị Pháp đô hộ, nhiều anh hùng hào kiệt đã nối tiếp xuất hiện, chiến đấu cho dù phải hy sinh thân mình để giành lại chủ quyền quốc gia ở khắp 3 miền. Đặc biệt là tại miền Trung, một vùng đất cằn cỗi, nhưng lại sản sinh nhiều thủ lãnh nghĩa quân nổi tiếng như Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng…
Các phong trào khởi nghĩa nổi lên hoạt động liên tục, gây khốn đốn cho thực dân Pháp suốt mấy chục năm, trước khi đảng cộng sản VN ra đời.
Chính vì thế, cho dù đảng cộng sản VN luôn nỗ lực bôi xóa các giai đoạn lịch sử này, nhưng họ không thể bôi xóa công lao và chiến tích của Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng.v.v.
Điều đáng buồn là sau hơn 75 năm sống dưới chế độ độc tài với sự cai trị tàn bạo của đảng CSVN, truyền thống bất khuất của các bậc Tiền Nhân dường như đang mất dần trong hiện tại. Mặc dù biết rõ là chế độ cộng sản vô cùng thối nát, nhưng chỉ có vài chục nhân sĩ trí thức chấp nhận dấn thân vào con đường đấu tranh chống bạo quyền.
Không hiểu là khi vỗ tay tán thưởng các lời ca tụng lịch sử VN của 2 vị tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama và Donald Trump, có bao nhiêu người Việt biết được bài hịch "Nam quốc sơn hà" của đức Lý Thường Kiệt? Chính bài hịch này đã hun đúc tính thần bất khuất và truyền thống chống ngoại xâm cho nhiều thế hệ, như Tổng đốc Đào Doãn Địch đã từ quan, chấp nhận hy sinh gian khổ để chống ngoại xâm, ngõ hầu mang lại độc lập tự chủ cho nước nhà.
Đất nước Việt Nam đang cần có nhiều người yêu nước như ông, chứ không cần những kẻ "mua danh bán chức" trong tập đoàn lãnh đạo CSVN, mà thực chất họ chỉ là những con “sâu dân, mọt nước” đang đẩy cả dân tộc vào vòng nô lệ mới của Tàu Cộng phương Bắc!
No comments:
Post a Comment