Khủng hoảng điện tại TQ đưa đến khủng hoảng kinh tế. Đây là cơ hội bằng vàng cho Việt Nam lấn sân. Tuy nhiên sự bất tài của CSVN sẽ làm dân tộc Việt mất cơ hội này. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Đinh Quang Tri với tựa đề: “Khủng hoảng điện ở Trung Quốc, cơ hội hay thách thức cho Việt Nam?” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Đinh Quang Tri
Trung Quốc thiếu điện trầm trọng
Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quãng thời gian khó khăn khi liên tiếp gặp các thách thức, từ nguy cơ vỡ nợ của Evergrande trên thị trường bất động sản cho đến mới đây nhất là khủng hoảng thiếu điện.
Trong nhiều tuần lễ vừa qua, dân cư tại một số khu vực ngay tại thủ đô Bắc Kinh bị cấm sử dụng thang máy, cấm bật máy điều hòa nhiệt độ và nhiều thành phố ở Trung Quốc chìm trong bóng tối vì mất điện như thời mấy chục năm trước. Vấn đề thiếu năng lượng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trong vài tháng trước đây nhưng chúng đặc biệt trở nên nghiêm trọng vào tuần trước khi 20/31 tỉnh thành của Trung Quốc bị cắt điện tạm thời, gây gián đoạn hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Thậm chí tại thủ đô Bắc Kinh, nơi thường được ưu tiên trong hệ thống cung ứng năng lượng cũng phải tính đến kế hoạch cắt điện luân phiên. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang lan sang toàn thế giới và gây nhiều trở ngại cho các "tế bào" kinh tế trên quy mô toàn cầu, từ tập đoàn Toyota Motor cho tới những người chăn cừu ở Australia hay các công ty sản xuất thùng giấy.
Cuộc khủng hoảng điện trầm trọng tại Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới - được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của nước này. Cùng với đó, những tác động trực tiếp lên chuỗi cung ứng toàn cầu của cuộc khủng hoảng này có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới, vốn đang "oằn mình" chống chọi với đại dịch
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đang gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới nhiều lĩnh vực công nghiệp thế giới. Việc các tập đoàn hóa dầu lớn của Trung Quốc phải ngừng hoạt động do thiếu điện đã khiến giá polyme cơ bản (hóa chất được sử dụng rộng rãi trong công nghệ hiện đại) tăng 10%.
Các nhà kinh tế đã cảnh báo về một nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng chậm lại. Dữ liệu từ tập đoàn tài chính Citigroup cho thấy những nhà xuất khẩu nguyên vật liệu đầu vào trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, cũng như những nhà xuất khẩu hàng hóa, là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế Trung Quốc yếu đi.
Ở góc độ khu vực, những nền kinh tế khác như Đài Loan và Hàn Quốc cũng sẽ nhạy cảm với sự thay đổi này, trong khi những quốc gia xuất khẩu kim loại như Australia và Chile, cùng những đối tác thương mại chính của Trung Quốc như Đức, cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?
Trả lời báo chí, một quan chức Bộ Công thương cho biết về tác động của cuộc khủng hoảng này đến Việt Nam: “Giá một số nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng trong ngắn hạn nhưng việc sản xuất của doanh nghiệp Việt chưa bị ảnh hưởng ngay.”
Nhưng về lâu dài, chắc chắn Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Tác động trực tiếp đó là mặt bằng giá cả sẽ tăng cao thời gian sắp tới. Cụ thể, sắt thép là một trong những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, với khối lượng nhập khẩu tám tháng đầu năm 2021 hơn bốn triệu tấn, giá trị nhập khẩu khoảng 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, phân bón, chất dẻo, xơ dệt, than đá cũng là một trong những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu khối lượng lớn từ thị trường Trung Quốc. Tất cả các mặt hàng này sắp tới sẽ tăng giá rất nhiều, kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo.
Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc lần này sẽ là bài học đáng giá cho Việt Nam vì Việt Nam cũng có thể rơi vào khủng hoảng tương tự. Từ hồi 2019, Việt Nam đã lo ngại khả năng thiếu điện vào năm 2021. Nhưng do đại dịch COVID-19 diễn ra nên lượng tiêu thụ điện đã giảm và Việt Nam đã vượt qua được nỗi lo khủng hoảng thiếu điện đó.
Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào điện than, chiếm 38,1% công suất phát điện của cả nước, đồng thời Việt Nam sẽ phải sử dụng 720 triệu tấn than trong nước cùng với 680 triệu tấn than nhập khẩu để cung cấp cho các nhà máy điện trong thời gian giai đoạn 2016-2030.
Để tránh “rơi” vào cuộc khủng hoảng thiếu điện như Trung Quốc, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đa dạng hoá nguồn điện, tránh trường hợp một nguồn chiếm tỉ trọng quá lớn, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, để thực hiện các mục tiêu dài hạn, như phát triển “năng lượng xanh và carbon thấp” hay “trung hòa carbon”, cũng cần tính đến cách thức triển khai từng bước sao cho phù hợp. Việc điều tiết kịp thời các nguồn dự trữ năng lượng khác nhau cũng cần được xem xét, để vừa có thể đảm bảo được nguồn điện, vừa thực hiện được mục tiêu bảo vệ môi trường, giúp các chính sách và mục tiêu đề ra có thể “hạ cánh mềm”, tránh gây xáo trộn và những “cú sốc” cho nền kinh tế.
Bên cạnh tác động tiêu cực, cũng có tác động tích cực. Đó là việc nhiều tập đoàn trên thế giới trước cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đã tìm cách rút khỏi quốc gia này để tìm các quốc gia khác thay thế. Việt Nam có thể là một trong những quốc gia có thể thay thế Trung Quốc. Vấn đề là liệu Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội này hay không? Những điểm yếu cốt tử trong bộ máy quản trị công của Việt Nam đã được phơi bày trong làn sóng dịch thứ tư vừa rồi. Thậm chí, cho đến nay, tình trạng cát cứ địa phương, sự bất lực và bất tài của chính phủ Trung ương vẫn đang hiển hiện. Điều đó đã khiến đất nước Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội quan trọng.
No comments:
Post a Comment