Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Tiến VănThưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Hôm 11 tháng 10 vừa qua, Tô Lâm đã chủ trì lễ ra mắt chính thức một lực lượng mới tinh của Bộ Công An, đó là Trung Đoàn Không Quân Công An Nhân Dân. Trong suốt lịch sử tồn tại của chế độ cộng sản tại Việt Nam từ năm 1954, lực lượng không quân luôn luôn chỉ là lực lượng của quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng.
Một số anh chị em còn tấm lòng với đất nước trong lực lượng công an, an ninh đã bày tỏ mối lo lắng với cộng tác viên của chúng tôi trước việc lực lượng công an sẽ có thêm lực lượng không quân.
Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta sẽ cùng nhau xem lại sơ lược sự hình thành của lực lượng không quân trong quân đội cộng sản.
Không quân của cộng sản Việt Nam là lực lượng có sự phát triển khó khăn nhất vì đây là lực lượng đòi hỏi những trang bị kĩ thuật phức tạp và tốn kém như phi cơ, phi trường, kho tàng, đồng thời công tác huấn luyện nhân sự rất đặc biệt.
Không quân cộng sản Việt Nam có khởi nguồn là do sự viện trợ, trợ giúp của Trung Cộng. Những nhân viên kĩ thuật hàng không và phi công đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam đều do Trung Cộng đào tạo. Mãi tới năm 1963, lãnh đạo cộng sản miền Bắc mới quyết định thành lập một trung đoàn không quân chiến đấu đầu tiên mang mật danh là Đoàn Sao Đỏ. Điều trớ trêu của sự thành lập trung đoàn này là việc thành lập được thực hiện tại Trung Cộng. Các phi cơ chiến đấu đầu tiên của không quân cộng sản Việt Nam cũng là do quan thầy Trung Cộng viện trợ từ nguồn cung ứng của Liên Xô. Như vậy, phải mất 10 năm sau khi chiếm được quyền cai trị độc đoán trên toàn miền Bắc Việt Nam, đảng Hồ-Tàu mới đủ khả năng để hình thành một trung đoàn không quân chiến đấu với vài phi cơ của đàn anh Trung Cộng và Nga Xô.
Từ sau khi phe cộng sản thế giới sụp đổ, không quân của cộng sản Việt Nam nhanh chóng suy thoái vì mất sự viện trợ. Sự xuống cấp này đã dẫn tới nhiều tai nạn chết người liên tiếp trong những năm gần đây.
Vậy tại sao, hiện nay ngay trong thời bình, bọn chóp bu lại quyết định cho Bộ Công An có thêm lực lượng không quân?
Thưa quí vị và các bạn, như chúng ta đã cùng nhận định nhiều lần, bất cứ vấn đề gì trong hệ thống hiện nay của đảng Hồ-Tàu cũng đều bị điều khiển bởi hai động cơ chính.
Động cơ thứ nhất là kiếm tiền cho bản thân, hay gọi một cách chính xác hơn là tham nhũng, vơ vét tiền bạc của dân chúng. Động cơ thứ hai là nhằm tăng sức mạnh trấn áp dân chúng để bảo vệ chế độ hòng đảm bảo an ninh cho bọn chóp bu và để chúng tiếp tục vơ vét, tham nhũng.
Song, động cơ vơ vét, tham nhũng luôn là động cơ thường trực, có tính nền tảng hàng đầu. Còn động cơ thứ hai nhằm bảo vệ chế độ là động cơ phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh, cấp độ chức vụ; nghĩa là động cơ này phần lớn chỉ đứng hàng thứ hai hoặc thậm chí chỉ làm bình phong cho động cơ thứ nhất mà thôi.
Ví dụ, đối với Nguyễn Phú Trọng hay Phạm Minh Chính, việc cho công an có thêm lực lượng không quân là xuất phát từ động cơ muốn gia cố thêm sức mạnh khống chế, trấn áp dân chúng nhằm bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đến cùng vì Trọng và Chính hiểu rõ chúng là những kẻ tội đồ hàng đầu của dân tộc. Nhưng đối với Tô Lâm hay cấp thứ trưởng công an trở xuống thì động cơ bảo vệ chế độ giảm đi rất nhiều; thay vào đó là động cơ có thêm cơ hội để gia tăng lợi ích tiền bạc, vật chất, quyền lực cho cá nhân, phe cánh và gia đình vì Tô Lâm đã hiểu rõ vai trò của bản thân chỉ còn là công cụ cho Trọng và Chính lợi dụng. Đối với cấp công an từ tỉnh, thành phố trở xuống thì chúng ta có thể nói hầu như tất cả chỉ nhằm vào động cơ kiếm thêm tiền bạc cho cá nhân và gia đình mà thôi vì tất cả chẳng còn ai tin tưởng vào chế độ hiện hành và cũng chẳng còn ai kính nể bọn chóp bu như Trọng và Chính - những kẻ đã lộ rõ bộ mặt phản quốc, hại dân và mị dân rất lộ liễu.
Như vậy xét về mặt tổng thể và lâu dài, những người yêu nước, yêu dân chủ càng phải thận trọng và nỗ lực nhiều hơn trong các hoạt động chống độc tài nhưng chúng ta hoàn toàn không phải lo lắng quá nhiều về lực lượng không quân trong công an.
Ngược lại, chúng ta phải thấy rõ các cơ hội thuận lợi cho công cuộc đấu tranh giải trừ độc tài trong việc bọn chóp bu cho mở rộng, đầu tư thêm nhiều hoạt động cho lực lượng công an như lập thêm trung đoàn kị binh hay trung đoàn không quân.
Những lợi ích này chúng ta sẽ cùng nhau bàn thêm trong chuyên mục tuần tới.
Hoàng Ân cùng Tiến Văn xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị cùng anh chị em trong chuyên mục tuần tới.
31/10/2021
No comments:
Post a Comment