Sunday, September 26, 2021

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật, 26.09.2021

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua. Xin nhường lời cho chị Bảo Trân.

Bảo Trân:Thưa anh HD, theo tôi được biết bạo quyền Việt Nam hoãn ngày mở cửa du lịch đảo Phú Quốc vì tỉ lệ tiêm chủng thấp. Anh có ghi nhận như thế nào trước việc này?

Hướng Dương: Đúng như chị vừa nói.Đảo Phú Quốc sẽ chỉ mở cửa đón khách du lịch nước ngoài từ khoảng 20/11/2021, thay vì từ tháng 10 như dự kiến, do phát hiện một ổ dịch từ ngày 21/09. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng ở Phú Quốc vẫn ở mức thấp, mới chỉ có 35% trên tổng số 160.000 dân được tiêm mũi đầu và 7% là được tiêm đủ.

Cũng theo lời ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, cho biết: « Kế hoạch đón khách du lịch đến Phú Quốc bằng hộ chiếu vac-xin không thể thiếu việc người dân được phủ vac-xin ».

Bảo Trân: Trong một diễn biến khác. Ông Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính thừa nhận không thể đưa số ca COVID-19 về 0. Anh có suy nghĩ gì trước việc này?

Hướng Dương: Thưa chị cùng quý thính giả của đài DLSN

Hôm 23 tháng 9, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận rằng việc đưa số ca nhiễm COVID-19 về 0 là bất khả thi.

Được biết, cuộc họp này nhằm đánh giá nỗ lực chống dịch trong thời gian vừa qua, và lên kế hoạch cho thời gian sắp tới.Trong cuộc họp này, ông Chính cũng thừa nhận rằng Việt Nam đã tỏ ra bị động khi làn sóng lây nhiễm thứ tư ở Việt Nam xảy ra hồi cuối tháng 4, và hiện vẫn đang diễn ra.

 

Ông Thủ tướng đổ cho việc toàn bộ trang thiết bị, máy móc, vắc-xin và thuốc chữa bệnh đều phải nhập khẩu dẫn đến việc dịch bệnh trở nên nghiêm trọng và kéo dài.

Thông tin đáng chú ý trong cuộc họp này là việc thủ tướng Phạm Minh Chính công khai thừa nhận mục tiêu đưa số ca nhiễm COVID-19 về con số 0 là bất khả thi, để củng cố lập luận của mình, ông lấy ví dụ việc nhiều quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng lên đến 90% nhưng vẫn không thể dập tắt việc dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Bảo Trân: Trước tình hình dịch Covid 19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp hơn khiến cho nhiều doanh nghiệp đã chuyển hoạt động ra nước ngoài. Anh vui lòng nhắc lại việc này để quý thính giả của đài cùng nghe?

Hướng Dương: Được biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở Việt Nam trong một tuần gần đây vẫn dao động trên dưới 10.000 ca. Tính đến ngày 23/09, số ca tử vong vì Covid-19 ở Việt Nam đã vượt ngưỡng 18.000. Để chống dịch, Việt Nam áp dụng các biện pháp được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới, tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, theo Financial Times ngày 23/09, trong khi đây lại là một trong những trung tâm sản xuất chính của châu Á.

Trong một bức thư ký chung gửi đến thủ tướng Phạm Minh Chính vào tuần trước, bốn phòng công nghiệp của nước ngoài cảnh báo ít nhất 20% nhà sản xuất của họ đã chuyển một phần hoạt động sang một nước khác, do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt gây xáo trộn hoạt động sản xuất và khiến họ không đáp ứng đúng thời hạn giao hàng cho các đối tác.

Vẫn theo thư của Phòng Thương Mại Mỹ, Phòng Thương Mại châu Âu và Hàn Quốc tại Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Việt, các doanh nghiệp muốn có một lộ trình minh bạch và một ngày mở cửa lại cụ thể.

Bảo Trân:Việc nhà cầm quyền Cộng sản tại Sài Gòn thắc mắc trước việc nộp cho ngân sách 330,000 tỷ đồng, xin lại 28,000 tỷ nhưng chỉ được xem xét 2,000 tỷ là sao anh?

Hướng Dương: Theo báo Tuổi trẻ loan tin, vào tối 23 tháng 9 năm 2021, ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội Cộng sản, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển tại Sài Gòn cho biết, hiện kinh phí để chống dịch của thành phố đang rất căng thẳng, nhưng nhà cầm quyền Trung ương lại đang có thái độ làm ngơ, ngoảnh mặt.

Theo ông Ngân, trong 5 năm vừa qua, nhà cầm quyền thành phố thu thuế và chuyển về Trung ương Cộng sản 1.4 triệu tỉ đồng; riêng năm 2019 chuyển về khoảng 330,000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm đều phải nộp cho ngân sách Trung ương 300,000 tỷ đồng, chiếm 27% nguồn ngân sách quốc gia. Vậy nhưng, khi Sài Gòn xảy ra dịch nặng, dự toán cần 38,000 tỷ đồng để chống dịch nên đề nghị xin nhà cầm quyền cấp Trung ương hỗ trợ gần 28,000 tỷ đồng, đến nay nhà cầm quyền Trung ương cân nhắc chỉ hỗ trợ 2,000 tỷ đồng.

Dù không dám nói thẳng sự bất mãn, nhưng ông Ngân cho biết, nhà cầm quyền thành phố đã huy động mọi nguồn lực dự phòng, dự trữ chỉ được 10,800 tỷ đồng nên con số 2,000 tỷ đồng là quá khiêm tốn. Trong khi hiện tại các ngành sản xuất kinh doanh tại thành phố đều đang tạm ngưng hoạt động, nguồn thu ngân sách bị giảm sút mạnh nên nhà cầm quyền Trung ương cần xem xét, hỗ trợ cho nhà cầm quyền thành phố lúc khó lăm, ít nhất là có thể tạo ra cơ chế để nhà cầm quyền thành phố có thể xoay sở, tìm nguồn thu bù đắp.

 

No comments:

Post a Comment