Thưa quý thính giả,
Một vị Tướng đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh khi còn mang cấp bậc Đại Tá. Ông được xem là một cấp chỉ huy nổi tiếng gan dạ, chống cộng sản đến giờ phút cuối và là người đã nói câu: “Kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm một người lính VNCH."
Trong tiết mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thiếu tướng Lê Minh Đảo” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Thiếu tướng Lê Minh Đảo sinh ngày 5/3/1933 tại Gia Định, cha là ông Lê Hằng Cầm và mẹ là bà Ngô Thị Thao. Ông học trường Petrus Ký, đậu Tú Tài 2 năm 1952.
-Năm 1953, ông thụ huấn khóa 10 Võ Bị Đà Lạt, tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu úy.
-Năm 1955, ông theo học khóa Huấn Luyện Viên tại trường Võ bị Lục quân Fort Benning, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.
-Năm 1965, ông giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 Bộ Binh.
-Năm 1967, ông làm Tỉnh trưởng Chương Thiện.
-Năm 1969, ông đổi về làm Tỉnh trưởng Định Tường.
-Năm 1970, ông thăng cấp Đại Tá.
-Năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, kiêm Tư lệnh Biệt Khu 31. Ông nhận lệnh đưa quân vào chiến trường An Lộc thay thế Sư đoàn 5 Bộ Binh và được vinh thăng Chuẩn tướng.
-Năm 1974, ông nhận lệnh đưa Sư đoàn 18 tiến về Bến Cát đánh tan các cứ điểm do Cộng quân chiếm đóng chỉ cách Sài Gòn 30 cây số.
Năm 1975, ông được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Phòng tuyến Xuân Lộc.
Đầu tháng 4/1975, quân CS Bắc Việt (đông gấp 5 lần so với lực lượng của Tướng Đảo) do Tướng Hoàng Cầm chỉ huy tiến về Sài Gòn bị ngăn chận sau 12 ngày chiến đấu, tổn thất nặng nề. Hà Nội liền đưa tướng Trần Văn Trà thay thế và đổi hướng tiến quân.
Sau 11 ngày kịch chiến tại Xuân Lộc, khi phòng tuyến Tây Ninh và Phan Rang thất thủ, Tướng Đảo được lệnh rút quân về Biên Hòa. Tối ngày 20/4/1975, ông rút khỏi Xuân Lộc với đầy đủ quân số và vũ khí, kể cả thương binh.
-Ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức. Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay thế. Để khích lệ tinh thần các tướng lãnh chỉ huy, ngày 24/4, Tổng thống Trần Văn Hương thăng ông lên cấp Thiếu tướng.
-Ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng, ông ra lệnh cho thuộc cấp tan hàng, trở về Sài Gòn lâm cảnh tù tội. Ông bị đưa ra trại tù ở miền Bắc.
-Ngày 5/5/1992, ông ra tù và tháng 4 năm 1993, ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện HO, cư ngụ tại Tiểu bang Connecticut.
-Thứ Năm, ngày 19/3/2020, ông qua đời lúc 1 giờ 45 chiều tại bệnh viện Hartford, Connecticut, hưởng thọ 87 tuổi, để lại 2 nhạc phẩm Lưu Đày & Nhớ Mẹ do chính ông sáng tác để tặng cho những chiến hữu và đồng đội trong lao tù.
*****
Thiếu tướng Lê Minh Đảo được đánh giá là một chiến binh quả cảm, một sĩ quan mẫn cán, năng động, có tài tham mưu và là một cấp chỉ huy thanh liêm. Ông là một trong những vị tướng của Quân lực VNCH có tinh thần tự trọng cao độ, luôn tự lực cánh sinh.
Một ngày nào đó, cái tên Lê Minh Đảo sẽ được thế hệ mai sau biết đến trong những cuốn sách giáo khoa về môn sử Việt. Nó được viết bởi sự trung thực của những sử gia chân chính, chứ không phải là những dòng chữ bịa đặt và bẻ cong sự thật của lũ văn nô bồi bút CSVN hiện nay.
Lịch sử không chỉ là những bản hùng ca chiến thắng, mà còn ghi chép nhiều bi ai về cuộc đời của những người cầm súng bảo vệ đất nước. Trong đó có cả sự tuẫn tiết bi hùng của những vị tướng như: Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú.
Và Lê Minh Đảo, một vị tướng dù bị CS giam
cầm 17 năm, nhưng vẫn giữ
được tiết tháo, tuy sống nơi hải ngoại, ông vẫn không ngừng đi lại, bỏ
nhiều thời gian để kêu gọi và vận động đấu tranh cho VN thoát ách gông cùm cộng sản.
Trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam, thời nào cũng xuất
hiện những con người yêu nước có nhân cách cao quý, có tài lẫn đức và khí tiết.
Họ không chịu sống cuộc đời “giá áo túi
cơm” chỉ biết vinh thân phì gia, mà vượt lên cái tầm thường bằng cách đặt
lý tưởng và danh dự lên trên cả mạng sống của bản thân mình để xả thân cho đất
nước. Những hy sinh của họ là hồi chuông làm thức tỉnh những con người có lương
tri và trí tuệ.
“Anh hùng tử, khí hùng bất tử.” Những tấm gương một lòng vì dân vì nước của họ rất xứng đáng được vinh danh. Nghiêng mình ngưỡng phục và xin dâng 3 nén hương lòng để tưởng nhớ Thiếu tướng Lê Minh Đảo, cùng tri ân những tướng lãnh oai hùng tuẫn tiết và Quân - Cán - Chính VNCH.
Xin mượn 2 câu thơ của thi sĩ Hoàng Phong Linh để vinh danh Chư Vị:
Những con người không tên không tuổi,
Dựng quê hương thành tuổi thành tên!
No comments:
Post a Comment