Tuesday, September 21, 2021

TÁC DỤNG CỦA TẦM NHÌN CHÍNH TRỊ

Bình Luận

Muốn canh tân, cải tổ và đưa dân tộc Việt đến phú cường thì “Thoát Trung” là một điều kiện tất yếu. Dân Tộc Latvia đã “Thoát Nga” vào thập niên 90 thì ngày hôm nay dân tộc Việt phải đủ cam đảm và viễn kiến “Thoát Trung” tương tự.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: Tác dụng của tầm nhìn chính trị” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Hôm đó là ngày 8 tháng 12, 1991 tại một khu nhà nghỉ mùa đông thuộc Belarus, cách biên giới Ba Lan 8 km,  đại diện 3 nước Russia, Ukraine và Belarus vừa tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô gặp nhau.

Boris Yeltsin đại diện Nga, Stanislav Shushkevich đại diện Belarus và Leonid Kravchuk đại diện Ukraine. Cả 3 lãnh đạo đều rất vui mừng, phấn khởi vì quốc gia họ đang đứng trước ngưỡng cửa mới đầy hy vọng cho tương lai.

Bắt đầu chỉ với 3 quốc gia trong số 15 nước “xã hội chủ nghĩa” Liên Xô,  tham dự hội nghị nhưng trong thực tế 3 nước này chiếm tới 73% dân số và 80% diện tích của Liên Xô. Trong ngày 8 tháng 12 hôm đó, 3 phái đoàn tuyên bố thành lập Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập (Commonwealth of Independent States).

Đọc tin một thông cáo chung được ký, Mikhail Gorbachev trong diễn văn truyền hình ngày hôm sau tuyên bố văn bản đại diện 3 nước ký là “bất hợp pháp”.

Để giải quyết bất đồng, Yeltsin và Gorbachev gặp nhau một tiếng rưỡi đồng hồ. Khi bước ra khỏi phòng họp, Gorbachev biết dù ông tìm mọi cách cứu vãn sự sụp đổ của Liên Xô là điều không tránh khỏi.

>Sau lễ ký kết sơ khởi, các quốc gia Trung Á và vùng Caucasus như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Armenia, Azerbaijan, Georgia và Moldova lần lượt tham gia.

Lãnh đạo của các quốc gia tham gia CIS đều ý thức vai trò chế ngự của Nga nhưng lúc đó họ đã không đặt nặng. Họ quan tâm đến các yếu tố kinh tế xã hội hơn là vai trò chủ đạo của Nga trong các lãnh vực khác, nhất là chủ quyền lãnh thổ, an ninh và quốc phòng. Dưới thời Putin khái niệm “lân bang” được ra đời để chỉ các quốc gia “vùng độn” bao bọc chung quanh Nga như thời Nga Hoàng.

Nhưng có 3 quốc gia rất nhỏ vùng Baltics đã thấy trước điều đó. Lãnh đạo 3 quốc gia nhỏ này đã từ chối thẳng thừng việc tham gia ‘Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập’.3 nước đó là Latvia, Lithuania, Estonia.

Chọn Latvia để phân tích vì chính sách đối ngoại và vị trí chiến lược của Lithuania, Estonia về căn bản cũng giống như của Latvia.

Latvia là quốc gia theo thể chế Cộng Hòa vùng Baltic, thủ đô Riga, có dân số thống kê năm 2019 là 1.9 triệu người, bằng dân số tỉnh Quảng Nam, có chung biên giới với Estonia, Lithuania, Belarus và Nga.

Latvia độc lập năm 1918 nhưng bị Liên Xô chiếm năm 1940, bị Đức Quốc Xã chiếm năm 1941, bị Liên Xô chiếm lần nữa năm 1944 và sau đó trở thành nước CS trong hệ thống Liên Xô mãi cho đến khi chính thức độc lập năm 1991.

…Trong thời điểm 1990, các lãnh đạo phong trào độc lập Latvia có một tầm nhìn vô cùng sáng suốt thể hiện qua 4 quan điểm chính dưới đây:

(1). Thay vì theo đuổi các mục tiêu riêng, lãnh đạo phong trào giành độc lập chỉ tập trung dưới một tổ chức duy nhất là Phong Trào Dân Tộc Latvia (Latvian People’s Front) nhằm theo đuổi chỉ một mục tiêu cụ thể trước mắt là loại bỏ chế độ CS tại Latvia và “thoát Nga”.

(2). Dứt khoát đứng về phía Tây Phương dân chủ ngay từ ngày đầu tuyên bố độc lập. Các lãnh đạo 3 quốc gia Baltic luôn nghĩ rằng đất nước họ là một phần của Châu Âu. Họ không phải là những chính trị gia thân Mỹ hay có cảm tình với Mỹ mà thậm chí còn ghét Mỹ nhưng đồng thời họ biết để hiện đại hóa một quốc gia nhỏ từng bị xâu xé bởi các cường quốc độc tài đi về phía Mỹ là chọn lựa của thời đại.

(3). Vận dụng nhưng không bị gạt gẫm trước mọi cải tổ kinh tế chính trị của Mikhail Gorbachev. Các phong trào đổi mới tại Latvia được kích thích từ các phong trào đổi mới do Gorbachev chủ trương tại Moscow. Nhưng các lãnh đạo phong trào độc lập Latvia chỉ muốn dùng không gian dễ thở của những đổi mới đó để dấy lên phong trào đòi tự do độc lập chứ không phải theo đuôi Gorbachev.

(4). Từ chối đề nghị của Boris Yeltsin tham gia vào Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập cùng với các quốc gia cựu Liên Xô để rồi khối này bị cuốn vào vòng kiểm soát của Nga cho đến hôm nay.

Dân số Latvia chưa tới 2 triệu người nhưng đã thắng Liên Xô hùng mạnh gấp trăm lần hơn bởi vì không có sức mạnh nào mạnh hơn sức mạnh của đoàn kết dân tộc.

Trong khi các quốc gia sáng lập hay gia nhập sau đó như Ukraine, Georgia phải chịu đựng cảnh “tránh vỏ dưa Liên Xô gặp vỏ dừa Nga”, Latvia là quốc gia có mức phát triển kinh tế nhanh nhất Châu Âu. GDP trên đầu người năm 2020 của Latvia là 17,560 Mỹ kim, gấp 7 lần Việt Nam. /p>

Latvia hội viên của NATO, Liên Hiệp Châu Âu (EU), WTO, UN, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác. Nhờ các lãnh đạo có tầm nhìn thời đại, các quốc gia vùng Baltic trở nên giàu có và được cả khối NATO bảo vệ.

Chính sách kiểm soát không phận của NATO có từ 1961 nhưng được điều chỉnh năm 2004 để áp dụng cho các nước hội viên mới vùng Baltics.

Vladimir Putin dù gan lớn cỡ nào cũng không dám thử Article 5 của NATO: “Một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh”.

Các em học sinh Latvia ngày nay mỗi sáng yên tâm cắp sách đến trường trong một đất nước tự do, giàu mạnh và thanh bình là nhờ tầm nhìn của ông bà, cha chú các em.

Trong khi đó, vì giới lãnh đạo mắc bịnh tham quyền cố vị, ham mê quyền lực, các quốc gia như Belarus, Uzbekistan đến nay vẫn còn chìm đắm trong độc tài, áp bức.

Con người dù sinh ra ở đâu trên trái đất này cũng có những ước mơ và khao khát giống nhau. Khác nhau chăng là tầm nhìn về phía trước của giới lãnh đạo. Thời điểm những năm đầu thập niên 1990 là thời điểm đầy thách thức về tầm nhìn đối với 15 giới lãnh đạo của 15 nước vừa thoát ra khỏi Liên Xô. Cuộc đấu tranh cân não giữa họ là những bài học vô giá mà các thế hệ trẻ Việt Nam cần học thuộc. Một tầm nhìn xa sẽ đưa đất nước cất cánh bay xa và tầm nhìn bảo thủ, hẹp hòi, cổ hủ và lạc hậu sẽ đẩy đất nước vào hố thẳm./.

No comments:

Post a Comment