Thursday, September 23, 2021

Trung Quốc giải bài toán bất bình đẳng, tạo ‘thịnh vượng chung’

Bình Luận

Chủ nghĩa cộng sản là một thứ chủ nghĩa phong kiến tân thời, tạo ra sự bất công nghiêm trọng giữa đảng CS là giai cấp cai trị và nhân dân là giai cấp bị trị. Khái niệm thịnh vượng chung của Tập Cận Bình chỉ là một thứ bánh vẽ mị dân mà thôi.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: Trung Quốc giải bài toán bất bình đẳng, tạo ‘thịnh vượng chung’” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Những tháng gần đây đã có nhiều bằng chứng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện một đường lối cứng rắn nhằm gia tăng sự kiểm soát của đảng Cộng Sản trong mọi mặt đời sống nhằm tiến tới một xã hội “thịnh vượng chung.” Quy mô và tốc độ của các chương trình “chấn chỉnh” đã làm nhiều người Trung Quốc lo ngại đất nước có thể đang bắt đầu đi vào một cuộc biến động về ý thức hệ và những thành quả cải cách kinh tế theo hướng thị trường có thể bị đảo ngược.

Bắt đầu từ Tháng Mười Hai năm ngoái, Bắc Kinh bất ngờ ngăn chặn vào phút cuối vụ bán cổ phần ra các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông của công ty tài chính Ant thuộc tập đoàn Alibaba. Lúc ấy có tin đồn rằng động tác này nhằm trừng phạt Mã Vân (Jack Ma), ông chủ của Alibaba, vì đã dám phạm thượng khi phát biểu trước một hội nghị rằng thị trường tài chính Trung Quốc giống như một chuỗi cửa tiệm cầm đồ được điều hành bởi những ông lão ngu ngốc và lạc hậu.

Nhưng không hoàn toàn như vậy; sau công ty Ant, đã có hàng loạt các công ty công nghệ, các triệu phú tỷ phú, các công ty cung ứng dịch vụ giáo dục đều lọt vào tầm ngắm “điều chỉnh” của đảng và nhà nước Trung Quốc. Theo một phóng viên về kinh doanh và công nghệ Trung Quốc, hiện Trung Quốc có 14 “cuộc đàn áp” được tiến hành đồng thời trên các lĩnh vực kinh doanh và cá nhân.

Những biện pháp “chấn chỉnh” kinh tế-xã hội của đảng Cộng Sản Trung Quốc được đưa ra dồn dập dưới khẩu hiệu vì một sự “thịnh vượng chung” (common prosperity) – cái mà ông Tập gọi là “đặc điểm của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc.”

Có thật ông Tập Cận Bình muốn xây dựng ở Trung Quốc một xã hội bình đẳng, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” như quan niệm kinh điển của chủ nghĩa Cộng Sản? Trong 100 năm hoạt động vừa qua, đảng Cộng Sản Trung Quốc – cũng như mọi phong trào Cộng Sản toàn thế giới – đều đặt mục tiêu “bình đẳng” “xóa bỏ giai cấp” như một ngọn cờ để huy động những “quần chúng lao khổ,” những công nhân và nông dân, đi theo họ để lật đổ ách bóc lột của các ông chủ tư bản, thực dân và phong kiến. Nhưng phương thức tạo lập sự bình đẳng của họ là xóa sổ người giàu, cướp của người giàu chia cho người nghèo.

Liệu Trung Quốc đang đi vào một thời kỳ biến động xã hội, hay giới lãnh đạo cảm thấy đủ tự tin để thực hiện các điều chỉnh chính sách lớn?

Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976 và Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc “đổi mới” kinh tế Trung Quốc theo thị trường, chấp nhận “cho một số người làm giàu trước,” “mèo đen mèo trắng không quan trọng, bắt được chuột là tốt,” Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hiện Trung Quốc có số triệu phú, tỷ phú đô la thậm chí còn đông hơn cả Hoa Kỳ, nhưng cũng có gần một nửa dân số (hơn 600 triệu người) sống dưới mức thu nhập $150 mỗi tháng. Quả là Bắc Kinh có lý do chính đáng để lo lắng về tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đang ngày càng rộng ra. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn đặt ra nhiệm vụ sửa chữa một số điểm thái quá trong châm ngôn “để một số người làm giàu trước” của Đặng.

Chắc chắn đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không trở lại với các chương trình quốc hữu hóa, lấy của người giàu chia cho người nghèo mà họ đã từng thực hiện và gây ra thảm họa trong thế kỷ trước. Vậy thì ông Tập sẽ làm thế nào?

Ở phương Tây tư bản chủ nghĩa, để tạo lập sự công bằng, chính quyền có biện pháp phân phối lại của cải, tạo cơ hội thăng tiến cho mọi người và giảm bất bình đẳng xã hội thông qua các chính sách về thuế thu nhập lũy tiến, thuế tài sản hoặc thuế thừa kế. Nhưng Trung Quốc khó có thể ban hành các chính sách thuế như vậy bởi vì tầng lớp giàu có trong xã hội đều là những người có quan hệ mật thiết với đảng cầm quyền và đội ngũ quan chức, xã hội không có đối lập về chính trị và đại đa số người dân không có tiếng nói trong vấn đề quản trị đất nước.

Cách ưu đãi doanh nghiệp nhà nước, chèn ép tư nhân có đem lại sự bình đẳng xã hội mà ông Tập nhắm tới hay không thì chưa rõ nhưng chắc chắn đây là một bước lùi, sẽ gây ra một số hậu quả xấu cho kinh tế Trung Quốc.

Việc chuyển một phần tiền lời cho nhà nước mà không chia cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ làm giảm động lực sáng tạo, lao động để tìm kiếm lợi nhuận của các công ty; các tập đoàn tư nhân thậm chí sẽ đi vào con đường của các công ty quốc doanh: liên tục khai lỗ để tránh phải đóng góp cho nhà nước.

Dường như để trấn an các nhà tư bản Trung Quốc, tại Hội Chợ Thương Mại Dịch Vụ Quốc Tế Trung Quốc năm 2021 vào ngày 2 Tháng Chín vừa qua, ông Tập phát biểu nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ duy trì sự cởi mở, hợp tác, cùng có lợi, cùng chia sẻ cơ hội trong sự tăng trưởng của thương mại dịch vụ và thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới.”

Rõ ràng giới lãnh đạo chóp bu của đảng và nhà nước Trung Quốc đã thấy hậu quả tiêu cực của đường lối chấn chỉnh kinh tế-xã hội theo hướng lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo của ông Tập Cận Bình. Họ sẽ làm như thế nào để thúc đẩy bình đẳng, phân phối lại của cải mà không thui chột nỗ lực sáng tạo của giới kinh doanh Trung Quốc là điều chưa biết trước được. Trong những tháng tới cần thận trọng theo dõi các dấu hiệu về hướng đi của nước này; hành động chứ không phải lời nói sẽ là thước đo ý định của Bắc Kinh. 

 

No comments:

Post a Comment