Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải
1) THỦ ĐÔ HÀ NỘI BỊ BIẾN THÀNH NHÀ TÙ ĐỂ CHỐNG LẠI ĐẠI DỊCH CÚM VŨ HÁN
Nhà cầm quyền thành phố Hà Nội biến nơi đây thành một nhà tù với hàng rào sắt, tre, kẽm gai, và vỏ thùng bia dựng lên trên đường phố để ngăn người dân đi lại trong khi dịch cúm Vũ Hán hoàng hành trên cả nước.
Đó là mô tả của cơ quan truyền hình TV5Monde về thủ đô của Việt Nam. Nhà cầm quyền thành phố đã buộc tám triệu cư dân đã được lệnh tự giam mình trong nhà từ cuối tháng 7, nhưng các hạn chế đi lại ngày càng thắt chặt khi làn sóng lây nhiễm virus corona gia tăng. Thủ đô hiện bị chia thành nhiều khu vực khiến việc di chuyển của người dân trở nên rất khó khăn.
Bị trừng phạt vì việc tiêm chủng chậm chạp, Việt Nam, dù được ca ngợi vào năm 2020 như một quốc gia kiểu mẫu trong việc phòng chống dịch với chính sách kiểm dịch và giám sát người nhiễm nghiêm ngặt, hiện đang gặp làn sóng phản ứng dữ dội. Cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 trường hợp tử vong kể từ cuối tháng 7, so với chỉ vài chục trường hợp vào năm ngoái.
Hơn một nửa trong số 98 triệu người Việt Nam hiện đang bị hạn chế đi lại. Ít ai dám công khai chỉ trích chính sách của đảng cầm quyền vì sợ bị trả thù. Hiện nay Việt Nam rất chậm chạp trong việc tiêm chủng ngừa: chỉ 17% dân số được tiêm một liều, 2,6% được tiêm chủng đủ liều. Chế độ cộng sản Việt Nam phải vật lộn để kiếm tiền và kêu gọi sự đóng góp của dân chúng. Hoa Kỳ và Trung Cộng đã cung cấp hàng triệu liều vaccine và các thỏa thuận thương mại đã được ký kết với các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna của Hoa Kỳ, AstraZeneca của Thụy Điển-Anh và Sinovac của Trung Cộng với mục tiêu đạt được tỷ lệ 70% dân số được tiêm một liều vaccine vào tháng 4 năm tới.
2) SÀI GÒN ĐỀ NGHỊ SỐNG CHUNG VỚI VIRUS CÚM VŨ HÁN, ĐƯỢC XOÁ BỎ HẠN CHẾ ĐI LẠI TỪ GIỮA THÁNG 9
Nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đề nghị được chuyển từ chiến lược “khống chế tuyệt đối” sang sống chung với virus Corona và mở cửa kinh tế trở lại từ ngày 15 tháng 9 sau nhiều tuần phong toả.
Theo kế hoạch chưa được chính phủ trung ương phê duyệt, trung tâm kinh tế của Việt Nam với chín triệu người đang nhắm đến mục tiêu nối lại các hoạt động kinh tế theo từng giai đoạn, và tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối năm nay.
Theo đề nghị này, thành phố tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế, đồng thời duy trì các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ được cấp các khoản vay lãi suất thấp và cắt giảm thuế.
Chính quyền trung ương vào tháng trước đã điều quân đội vào Sài Gòn để hỗ trợ công tác kiểm soát dịch, thực hiện lệnh phong tỏa, cấm người dân rời khỏi nhà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm thứ tư cảnh báo rằng Việt Nam có thể phải đối mặt với một trận chiến kéo dài và không thể dựa vào việc đóng cửa và cách ly vô thời hạn. Người đứng đầu chính phủ cũng thừa nhận khả năng Việt Nam sẽ phải sống chung với đại dịch cúm Vũ Hán.
3) GẦN 3.500 DOANH NGHIỆP Ở SÀI GÒN KÊU CỨU VÌ ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH CÚM VŨ HÁN
Tính đến thứ Sáu ngày 3/9/2021, đã có gần 3.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sài Gòn ký vào thư trực tuyến “kêu cứu” gửi đến chính phủ vì ảnh hưởng của đại dịch cúm Vũ Hán. Các kiến nghị của các doanh nghiệp được chia làm ba hạng mục: người lao động, chính sách thuế – chi phí và tài chính – ngân hàng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đề nghị chính phủ trung ương hỗ trợ doanh nghiệp trong vòng 24 tháng với nguồn vay từ quỹ Bảo hiểm Xã hội hiện có hoặc các nguồn do chính phủ kiểm soát.
Thư kêu cứu cũng đề nghị chính phủ khoanh nợ và giãn nợ gồm cả nợ gốc và lãi đối với các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán vì đại dịch.
Trong tám tháng đầu năm 2021, Sài Gòn đã có hơn 24 ngàn doanh nghiệp dừng kinh doanh, chiếm 28% cả nước và tăng 6,6% cùng kỳ năm trước.
4) Ý ĐIỀU TRA VỤ BÁN MỘT NHÀ MÁY SẢN XUẤT PHI CƠ KHÔNG NGƯỜI LÁI CHO TRUNG CỘNG
Nhà chức trách của Ý đang điều tra lại thương vụ ký cách đây 3 năm. Trong thương vụ này, khoảng 75% vốn của công ty Alpi Aviation của Ý hiện do các nhà đầu tư nhà nước Trung Cộng nắm giữ.
Cụ thể, Roma muốn biết liệu chính phủ Ý lúc đó có được thông tin về việc bán 2/3 cổ phần của nhà sản xuất thiết bị bay không người lái quân sự, nằm ở phía bắc Ý, phù hợp với quy định “Golden Power” hay không. Có hiệu lực từ năm 2012, cơ chế đặc biệt này cho phép chính phủ Ý can thiệp ngăn chặn một số đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được cho là chiến lược như quốc phòng, năng lượng và viễn thông.
Trước đó, ngày 02/09, đội điều tra tài chính Ý cho biết có sáu người là đối tượng điều tra trong một thương vụ bị cho là vi phạm các quy định liên quan đến việc bán thiết bị quân sự và nghị định “Golden Power.” Đội điều tra không nêu tên công ty bị điều tra nhưng cho biết là 75% vốn của doanh nghiệp này hiện do “hai công ty nhà nước lớn của Trung Cộng” nắm giữ thông qua một công ty nước ngoài. Một nguồn tin thứ hai nắm rõ hồ sơ cho biết là công ty bị nhắm đến là Alpi Aviation, hai công ty Trung Cộng có liên quan là China Corporate United Investment Holding và CRRC Capital Holding.
Thương vụ này cho phép Trung Cộng thu được bí quyết công nghệ và sản xuất, sau đó đưa về Hoa Lục qua việc chuyển công ty này về khu công nghệ cao Vô Tích (Wuxi), gần thành phố Thượng Hải.
No comments:
Post a Comment