Tuesday, September 28, 2021

Khi những ‘ngôi sao’ lên thớt!

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, muốn biết đảng CSVN là tôi tớ hèn hạ của đảng CSTQ đến mức nào, chúng ta không cần duyệt lại chiến dịch đấu tố và cải tổ ruộng đất xa xưa mà chỉ nhìn vào chiến địch “phong sát” tại TQ và “đưa lên thớt” các ngôi sao Việt Nam hiện tại là thấy rõ.
Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Khi những ‘ngôi sao’ lên thớt!” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: Khi những ‘ngôi sao’ lên thớt!” sẽ được Song Thậ[ trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Hàng loạt nghệ sĩ, người mẫu, người dẫn chương trình (MC) có tiếng ở Sài Gòn gần đây đều bị nhà nước điểm mặt chỉ tên trong một chiến dịch tấn công trực diện và rộng lớn, lần đầu tiên vào giới showbiz vốn nhiều tai tiếng.

Nhưng điều gây ngạc nhiên là vụ tấn công các nghệ sĩ diễn ra vào lúc cả nước đang vô cùng bấn loạn với nhiều công việc thật sự cấp bách như đại dịch COVID-19 hoành hành, người dân đói khổ trong vòng vây phong tỏa, kinh tế sụp đổ tan hoang và ngoài biển tàu giặc nghênh ngang lấn chiếm và đe dọa.

Vụ tấn công giới nghệ sĩ biểu diễn ở Sài Gòn cũng diễn ra ngay sau khi một chiến dịch tương tự ở Trung Quốc, hạ bệ những thần tượng của giới trẻ như ngôi sao màn bạc Triệu Vy, Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm… Sự trùng hợp về thời gian với vụ đàn áp ở Trung Quốc, cũng như tính chất không hợp thời điểm của cuộc tấn công không thể không khiến người dân đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân chính của sự việc và qua vụ đàn áp nhà cầm quyền muốn truyền đi thông điệp gì?

Tối 16 Tháng Chín, đài Truyền Hình Việt Nam VTV1 phát sóng một chương trình dài hơn 20 phút “Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sĩ,” với hình ảnh các nghệ sĩ được đề cập đều có dấu gạch chéo (X) trên mặt. Nội dung chính của chương trình là lên án những phát ngôn tục tĩu trên mạng xã hội cũng như chuyện không minh bạch trong vấn đề từ thiện, quảng cáo sai sự thật, lan truyền tin giả… của các nghệ sĩ “gây bức xúc dư luận.” Nhưng trọng tâm phê phán của VTV có lẽ là hoạt động quyên góp của một số nghệ sĩ làm nổi bật tình trạng người dân không tin, không đóng góp cho các tổ chức của nhà nước như Mặt Trận Tổ Quốc hoặc Hội Chữ Thập Đỏ.

Chỉ có thể suy đoán là, vụ tấn công vào một số nghệ sĩ, đúng hơn là vào niềm tin mà người hâm mộ đặt vào họ, cho thấy hai điều tức tối của nhà cầm quyền trước khả năng thu hút công chúng của các nghệ sĩ thành danh. Đó là cái khả năng mà nhà cầm quyền đã đánh mất, và hai là nhà cầm quyền muốn ngăn chặn từ trứng nước xu hướng tôn sùng thần tượng của công chúng, khi những thần tượng đó không phải là những “anh hùng cách mạng” do đảng bịa ra.

Khi cuộc sống ngày càng bức bí và tệ hại, không chỉ vì dịch COVID-19 mà vì các biện pháp chống dịch ngu xuẩn và độc ác của nhà cầm quyền các cấp thì niềm tin vào đảng, vào tính chính danh của nhà nước đã xuống mức thấp chưa từng thấy.

Trong cơn khốn đốn vì dịch, người dân không chỉ phản đối mà đã bắt đầu khinh rẻ và ghê tởm các giới chức cao cấp nhất của chế độ cùng những phát ngôn và hành động gian trá của họ. Trong hoàn cảnh bế tắc như vậy, chính quyền không dung thứ cho một thực thể nào khác được công chúng ủng hộ, cho dù đó là một chức sắc tôn giáo hay một nghệ sĩ nổi tiếng và có ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ của một bộ phận công chúng trong xã hội.

Những sai phạm, khiếm khuyết trong việc vận động và chi tiêu các khoản tiền cứu trợ có thể được giải quyết một cách êm thấm trong khuôn khổ pháp luật dân sự, đâu cần phải tổ chức những cuộc tấn công mang tính chất bôi nhọ trên mạng xã hội, trên truyền thông quốc gia như VTV đã làm nếu chính quyền không coi đây là một cơ hội để “lột mặt nạ” những “người của công chúng” như các diễn viên, nghệ sĩ nói trên.

Hành động trấn áp này buộc các nghệ sĩ phải co lại trong nghề nghiệp của mình, tránh xa các hoạt động của xã hội dân sự như quyên góp từ thiện, và không được cạnh tranh với đảng và nhà nước trong việc chiếm lấy cảm tình của người dân.

Ở Trung Quốc tình hình cũng tương tự như vậy sau khi đảng của ông Tập Cận Bình mở chiến dịch đàn áp ngành công nghiệp giải trí, ngăn chặn sự trỗi dậy của văn hóa không lành mạnh từ những người nổi tiếng từ cuối Tháng Tám vừa qua. Không ai giải thích thế nào là không lành mạnh, nhưng chỉ sau một đêm, hình ảnh và các tác phẩm có sự tham gia của diễn viên Triệu Vy bị xóa sạch trên mọi trang web, cũng như các nơi phát hành video lớn nhất của quốc gia cộng sản này. Các trang mạng tranh luận, bịa đặt các chuyện thâm cung bí sử… và thậm chí là những bài mạt sát Triệu Vy theo quan điểm của đảng lập tức mọc lên và lan tràn. Diễn viên Trịnh Sảng bị điều tra tội trốn thuế và phải nộp phạt $46 triệu, giống như trường hợp một diễn viên gạo cội khác, Phạm Băng Băng – nổi tiếng trong phim “X-Men: Days of Future Past” – bị ép phải xin lỗi và nộp phạt $70 triệu ba năm trước.

Cuộc trấn áp các nghệ sĩ Trung Quốc được coi là ví dụ mới nhất về sự quyết đoán của đảng Cộng Sản trong việc khẳng định vai trò độc tôn của đảng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chống lại thứ văn hóa “lai căng” từ phương Tây như tôn sùng thần tượng, xếp hạng người nổi tiếng và ảnh hưởng của những người này trong xã hội.

Việt Nam và Trung Quốc tuy ở hai trình độ phát triển cao thấp khác nhau nhưng có chung một nền tảng ý thức hệ, một mô hình quản trị xã hội theo kiểu Cộng Sản toàn trị. Trung Quốc làm chuyện gì thì y như rằng Việt Nam cũng làm như vậy sau đó một thời gian ở cấp độ thô sơ và kém cỏi hơn. Cuộc trấn áp các nghệ sĩ ở Việt Nam do vậy không đơn giản chỉ là vấn đề hành xử kém văn minh hay thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ mà sâu xa hơn là một hành động chính trị nhất quán nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh ảnh hưởng với đảng và nhà nước của các hoạt động dân sự, củng cố vị trí độc tôn của đảng ngay cả trong hoạt động nghệ thuật và nghệ sĩ. 

 

No comments:

Post a Comment