Tuesday, September 14, 2021

BÀI HỌC TRANH CHẤP BIÊN GIỚI GIỮA TRUNG CỘNG VÀ BẮC HÀN

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, khi so sánh mức độ bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên để lại trước Bá Quyền CSTQ, giữa 2 đảng CS Việt Nam và Bắc Triều Tiên, chúng ta mới thấy tội bán nước ti tiện của tập đoàn CSVN.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần bình luận của Trần Trung Đạo với tựa đề: “Bài học tranh chấp biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.

Trần Trung Đạo

Ngoài Việt Nam, Trung Cộng chia sẻ biên giới với 13 quốc gia khác gồm Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Mông Cổ, Bhutan, Nepal, Miến Điện, Nga, Lào và Bắc Hàn.

Nếu chỉ nhìn sự phụ thuộc kinh tế của Bắc Hàn vào Trung Cộng, người ta dễ dàng đi đến kết luận Trung Cộng muốn gì được nấy, muốn đóng cọc chỗ nào đóng, muốn vẽ biên giới đâu thì vẽ, cần gì phải đưa ra bàn hội nghị, mà có đưa ra cũng chỉ là hình thức dàn cảnh ngoại giao.

Không.

Bắc Hàn tự cô lập khỏi thế giới văn minh, trong nhiều năm đã lệ thuộc vào Trung Cộng từng chén cơm manh áo, nhưng họ nhất định không nhượng cho Trung Cộng một tấc đất nào qua các hội nghị về đường biên giới giữa hai nước.

Mặc dù cai trị đất nước bằng một lý thuyết ngu dân hoang tưởng, bằng một chính sách độc tài sắt máu bị phần lớn nhân loại rẻ khinh, xa lánh, ba thế hệ họ Kim ít ra có một điểm mà giới lãnh đạo đảng CSVN không làm được, đó là quyết tâm giữ đất của tổ tiên họ để lại.

Trung Cộng và Bắc Hàn chia sẻ biên giới dài 1,416 kilômét. Các vùng tranh chấp thuộc khu vực sông Yalu, sông Tumen và Bạch Đầu Sơn (Paektusan). Các hội nghị bí mật giữa hai nước diễn ra trước 1963 và đạt đến điểm đồng thuận vào 1963 với sự nhượng bộ từ phía Trung Cộng.

Khu vực bất đồng sâu sắc nhất là Bạch Đầu Sơn. Phía Trung Quốc cho rằng vùng núi lửa Bạch Đầu Sơn rộng 33 kilômét vuông trước đây là đất Mãn Châu, do đó ngày nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lịch sử khi cho đó là nơi dòng tộc Mãn Thanh bắt nguồn.

Bắc Hàn không đồng ý và cũng viện dẫn các dữ kiện lịch sử để chứng minh Bạch Đầu Sơn thuộc về Triều Tiên từ nhiều ngàn năm lịch sử. Đối với dân tộc Triều Tiên, Bạch Đầu Sơn là nơi Thần Hwanung kết duyên với một phụ nữ và hạ sinh con trai Tangun, và chính Tangun đã sáng lập nên Vương Quốc Choson đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên. Một khu vực tranh chấp khác là vùng Hồ Chongji. Trung Cộng cho là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Hàn cũng không đồng ý.

Tuy nhiên, theo nội dung thỏa hiệp biên giới 1963, hai nước đồng ý phân chia Bạch Đầu Sơn từ đỉnh và ba phần năm vùng Hồ Chongji thuộc Bắc Hàn. Vùng đất Trung Cộng nhượng cho Bắc Hàn rộng đến mức chính quyền thuộc các tỉnh biên giới như Cát Lâm và Liêu Ninh phản đối chính quyền trung ương.

Lý do Trung Cộng nhượng bộ Bắc Hàn

  1. Bắc Hàn có chung ngã ba chiến lược với Trung Cộng và Liên Xô. Khu vực biên giới giữa Bắc Hàn, Liên Xô (hiện nay thuộc Nga) và Trung Cộng giữ một vai trò chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Cộng. Đây là cửa ngõ Liên Xô dùng để qua Thái Bình Dương.
  2. Đạo đức giả “Giết không được tha làm phước.”

Trong giai đoạn 1965, quan hệ giữa Mao và Kim Nhật Thành trở nên căng thẳng vì thái độ nghiêng về phía Liên Xô của họ Kim. Mao nổi giận tuyên bố đòi 160 kilômét vuông chung quanh Bạch Đầu Sơn phải giao nộp cho Trung Cộng để trả nợ cho các khoản chi dùng kinh tế, quân sự mà Trung Cộng đã cung cấp cho Bắc Hàn trong chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên 1950-1953. Bắc Hàn chẳng những không chịu mà còn đánh trả các xâm phạm quân sự gây ra từ phía Trung Cộng. Tháng 11 1970, cần phải dồn nỗ lực giải quyết các bất ổn nội bộ sau Cách Mạng Văn Hóa, Mao rút lại đòi hỏi về lãnh thổ. Bắc Hàn, một lần nữa, đạt thắng lợi mà không phải chịu đựng một thiệt hại nào.

  1. Lấy lòng Bắc Hàn trong tranh chấp Trung-Xô.

Rạn nứt về cả tư tưởng chính trị lẫn đường lối bang giao quốc tế giữa Liên Xô và Trung Cộng bắt đầu sau khi Nikita Khrushchev nắm quyền lãnh đạo đảng CS Liên Xô. Khi mâu thuẫn Trung-Xô gia tăng, phong trào CS quốc tế chia làm ba cánh, một cánh đa số ủng hộ Liên Xô, một cánh đóng vai trò trung lập như Nam Tư, Việt Nam và một số nhỏ khác như Albany ủng hộ Trung Cộng. Trung Cộng hơn bao giờ hết cần sự ủng hộ của Bắc Hàn. Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Cộng, chỉ thị phái đoàn đàm phán Trung Cộng tránh xung đột và chấp nhận yêu sách của phái đoàn Bắc Hàn. Đáp lại, trong hội nghị các đảng CS quốc tế tổ chức tại Moscow vào tháng 10, 1966, Bắc Hàn không tham dự.

  1. Nỗi sợ bị bao vây.

Như người viết đã trình bày trong nhiều loạt bài về Trung Cộng, tất cả các yếu tố nêu trên đều phát xuất từ mối lo truyền thống của các lãnh đạo Trung Cộng, là mối lo bị bao vây. Toàn bộ biên giới phía Bắc Trung Quốc, bao gồm vùng Ngoại Mông đều thuộc quyền kiểm soát của Liên Xô. Trong chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và Ấn Độ 1962, Liên Xô đứng về phía Ấn. Ngay cả khi Khrushchev bị hạ bệ 1964, rạn nứt cũng không có cơ hội hàn gắn, mâu thuẫn không có cơ hội giải quyết mà còn sâu sắc hơn. Chu Ân Lai tố cáo Liên Xô dưới thời Leonid Brezhnev là một loại chế độ “Khrushchev không có Khrushchev.” Vùng độn quan trọng nhất Trung Cộng phải giữ là Bắc Hàn.

Bài học đàm phán biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Cộng

– Nam Hàn ủng hộ Bắc Hàn trong tranh chấp biên giới với Trung Cộng: Như cả thế giới đều biết Nam và Bắc Hàn vẫn còn trong tình trạng chiến tranh nhưng có một lập trường họ luôn chia sẻ đó là bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên. Khi Bắc Hàn và Trung Cộng tranh chấp biên giới Đông Bắc, Nam Hàn tuyên bố ủng hộ Bắc Hàn.

Người viết không phân tích hay đối chiếu cách xử sự của lãnh đạo CS Việt Nam và Bắc Hàn bởi vì một người có hiểu biết chính trị căn bản nào cũng biết mục tiêu tối thượng của lãnh đạo CSVN là duy trì quyền cai trị trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam bất chấp đất đai, rừng, biển của tổ tiên để lại bị chiếm đoạt.

Tập Cận Bình biết rõ gan ruột của lãnh đạo CSVN nên rất khinh thường họ. Sự kiện máy bay Trung Cộng vi phạm không phận Việt Nam không chỉ một lần mà mấy chục lần là một ví dụ điển hình. Nếu báo chí quốc tế không lên tiếng trước rồi lãnh đạo CSVN cũng tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt” như đã từng chịu nhục suốt 40 năm qua.

No comments:

Post a Comment