Liên tục chương trình mời quý thính giả theo dõi một bài viết của tác giả Giuse Ngô văn Kha với tựa đề: “Lời Đáp Trả Đầy Thù Hận” qua giọng đọc của Khánh Ngọc.
Giuse Ngô Văn Kha (DCCT).
Trên fb Phạm Thanh Nghiên đăng tin vào chiều ngày 14/9/2021, ông Nguyễn Tiến Mạnh (75 tuổi) bị Vòng A Lộc, tổ trưởng khu phố 9, phường Tân Quí (quận Tân Phú) hành hung.
Nguyên nhân được cô Nguyễn Thị Thu Sương, con gái ông Mạnh cho biết, chỉ vì ông Mạnh thắc mắc tại sao suốt mấy tháng “giãn cách xã hội” theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, gia đình ông không nhận được sự trợ cấp nào “dù là một cọng rau”. Hình ảnh cho thấy máu từ đầu ông Mạnh chảy đầm đìa xuống mặt và khắp người.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh là một Thương phế binh VNCH, là một thiện nguyện viên Chương trình Tri ân TPB VNCH của Văn phòng Công lý Hoà Bình- DCCT trước đây, và là một “dân oan Vườn rau Lộc Hưng”.
Có phải vì ông tổ trưởng bực bội khi bị chất vấn, hay bởi thói hống hách, lạm quyền, hoặc bởi “lý lịch” mà ông Mạnh bị hành hung, đang khi hàng ngày, bao người vẫn lên tiếng than phiền vì bị chính quyền đối xử bất công, bị “bỏ rơi lại đàng sau” ?
Máu của ông Mạnh lại đổ ra vì sự thật, thấm vào đất Việt như bằng chứng tố cáo sự bất công vốn đầy tràn trên quê hương dưới mọi hình thức. Dù những giòng máu đó không thay đổi lịch sử, không bắt kẻ thủ ác phải đền nợ, nhưng nó cho thấy một sự thật rất buồn luôn tồn tại trên đất nước: dân lành bị áp bức, hãm hại, còn kẻ thuộc cấp, dù có ác, vẫn được chế độ bao che, nâng đỡ.
Phải chăng đó là “cuộc khổ nạn trường kỳ” của dân Việt, đặc biệt là của những ai bị quy kết vào diện “đối tượng”? Phải chăng công lý vẫn bị “đóng đinh vào thập giá ô nhục” là các phiên tòa “án sẵn”, và công bằng vẫn đang bị chế diễu bởi lối hành xử đầy áp bức, bất công?
Ông Mạnh có thể, cũng như bao người khác, chọn cho mình một lối sống “an toàn” của thân phận “cái kiến” cam chịu không phản kháng, kể cả dưới hình thức ôn hòa, nhẫn nại, để khỏi chuốc họa vào thân. Nhưng một khi ông dám bày tỏ thái độ và ý kiến trước sự bất công, điều đó chứng tỏ ông không phải là kẻ hèn kém, thua cuộc, mà vẫn can đảm bước tiếp trên con đường lịch sử của dân tộc lắm truân chuyên, quá khổ đau vì đọa đầy, đầy nước mắt vì oan trái, để hòa mình với những con người chính trực khác, đương đầu với bạo tàn, ngang ngược.
Giữa những đau khổ và tăm tối, bị bỏ rơi trong khốn khổ và bị loại trừ, máu và nỗi thống khổ của ông như phản chiếu thân phận đau thương của dân Việt, như tia hy vọng rọi trên hành trình đầy gian nan, để nói với những người đang chán nản, tuyệt vọng rằng, họ không cô đơn nữa, và nói với những người quyết không để sự ác và giả dối thắng được sự thiện và chân thật rằng họ vẫn có bạn đồng hành cùng nhau bước đi, đi vào tương lai, bỏ lại đàng sau một quá khứ đau buồn tang thương.
Lên tiếng đòi chính quyền phải hành xử công bằng, đòi quyền lợi cho mình, cũng là đòi phẩm giá cho quyền làm người, quyền được đối xử công bằng, quyền được sống cho mọi người thấp cổ bé họng. Đấy là một trong những điều cơ bản sẽ làm thay đổi lịch sử, từ “những anh hùng trong đời thường” của cuộc sống hàng ngày.
No comments:
Post a Comment