Sunday, September 12, 2021

Tin Tức: Chủ Nhật 12.09.2021

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Khánh Ngọc và Nguyên Khải

1) NHÀ BÁO PHẠM ĐOAN TRANG BỊ ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ ĐIỀU 88

Luật sư của Phạm Đoan Trang cho hay, CA Hà Nội đã kết thúc điều tra và đề nghị Viện kiểm sát truy tố nữ nhà báo theo điều 88-BLHS năm 1999, thay vì điều 117- BLHS năm 2015 như đang được áp đặt cho nhiều người hoạt động nhân quyền bị bắt hiện nay.

Điều 88 và điều 117 quy định cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, có khung hình phạt lên tới 20 năm tù. Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên nhận định: ”có thể họ xét hành vi của Trang từ trước năm 2017 nên mới đề nghị truy tố điều 88. Điều này chỉ mang tính thủ tục thôi, không ảnh hưởng tới mức án vì nó có sẵn trong túi rồi, lấy ra mà tuyên thôi”.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, bị bắt ngày 6/10/2020, khi cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ vừa kết thúc vài giờ trước đó. Nhiều tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế cũng như một số chính phủ dân chủ đã kêu gọi nhà nước trả tự do vô điều kiện cho Phạm Đoan Trang.

2) ROSNEFT RÚT KHỎI DỰ ÁN VỚI VIỆT NAM Ở BIỂN ĐÔNG

Tập đoàn Rosneft của Nga đã quyết định rút hoàn toàn khỏi các dự án với Việt Nam trên Biển Đông khiến một số người lo ngại về nguy cơ an ninh giữa bối cảnh Trung Cộng thời gian qua liên tục gây sức ép buộc các công ty quốc tế ngừng hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở các khu vực mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.

Theo truyền thông của Nga, Rosneft vừa thông báo rút vốn khỏi công ty con Rosneft Vietnam B.V. Đây là đơn vị vận hành dự án sản xuất khí và condensate tại Việt Nam, trong đó Rosneft sở hữu 100% cổ phần tại công ty này. Thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/9.

Rosneft đã tham gia vào dự án khai thác và sản xuất khí, condensate và một dự án thăm dò tại Lô 06.1 ở Biển Đông. Trong hợp đồng lô 06.1, Rosneft Vietnam B.V. sở hữu 35% cổ phần và là nhà điều hành dự án, Tập đoàn ONGC của Ấn Độ sở hữu 45% và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20%.

Trong khi đó, Zarubezhneft, một tập đoàn của Nga đã liên doanh với Việt Nam suốt 40 năm qua thông qua Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, chuyên thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam tại các Mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Cá Tầm, Thiên Ưng… Hồi tháng 6, tập đoàn này cho biết họ có kế hoạch kéo dài hoạt động ít nhất là đến năm 2045 và tham gia các dự án hiệu quả mới tại Việt Nam.

3) NHẬT BẢN KÝ THOẢ THUẬN XUẤT CẢNG VŨ KHÍ VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC PHÒNG CHO VIỆT NAM

Vào thứ Bảy ngày 11/9, Nhật Bản và Việt Nam đã ký một thoả thuận cho phép Nhật Bản xuất cảng các thiết bị và công nghệ quốc phòng của Nhật cho Việt Nam, nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi tới Hà Nội.

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, Ông Kishi tuyên bố Nhật bản sẽ tăng tốc các thảo luận với phía Việt Nam để bán các tàu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho Hà Nội. Việt Nam là quốc gia thứ 11 ở Đông Nam Á ký thoả thuận như vậy với Nhật Bản trong bối cảnh Trung Cộng đang gia tăng các hoạt động đòi hỏi chủ quyền ở hai khu vực là Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thoả thuận trên này được ký vào khi Việt Nam đang đa dạng hoá các nguồn nhập cảng trang thiết bị quốc phòng.

Hiện tại, Nga là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam, bao gồm phi cơ chiến đấu, tàu ngầm, xe tăng.

 

Cùng với việc phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm thay đổi thực trạng, ông Kishi cũng bày tỏ mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, quan ngại về việc Trung Cộng thực hiện Luật hải cảnh cho phép dùng vũ khí tấn công các tàu nước ngoài ở vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Nhật Bản thời gian qua đã viện trợ nhiều tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm ba tàu cá cỡ lớn đã qua sử dụng. Hồi năm ngoái hai nước cũng ký Hiệp định vốn vay ODA trị giá gần 350 triệu Mỹ kim cho dự án sáu tàu tuần tra mà Nhật sẽ đóng cho Việt Nam. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án là cuối năm 2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

4) CÁC QUỐC GIA KHU VỰC MEKONG KÊU GỌI HỢP TÁC, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT SỐ

Lãnh đạo các nước thuộc Tiểu Vùng Mekong mở rộng (GMS) cam kết hợp tác tối đa trong khu vực, đặc biệt đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để giúp các nền kinh tế trong khu vực nâng cao khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Cam kết này được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) lần thứ 7 diễn ra hôm 9/9.

Hội nghị do Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia Tiểu vùng Mekong Mở rộng là Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các thành viên GMS tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, hội nhập kinh tế và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu của Công nghiệp 4.0 để duy trì tính cạnh tranh của khu vực.

Thống kê cho thấy từ năm 1992, GMS đã huy động các khoản vay tài chính tổng trị giá 27,7 tỷ Mỹ kim để hỗ trợ 109 dự án đầu tư và 230 chương trình hỗ trợ kỹ thuật trong toàn khu vực.

No comments:

Post a Comment