Kính thưa quý thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nỗi bật tại Việt Nam trong tuần qua.
Bảo Trân: Thưa anh HD, anh có ghi nhận như thế nào trước việc hơn 130 ngàn quân đội và công an được đưa tới Miền Nam để trấn áp bạo loạn?
Hướng Dương: Đúng như chị vừa nói, vì lo sợ nổ ra bạo loạn sau nhiều ngày tháng phong tỏa gắt gao, bộ quốc phòng VN đã điều động hơn 120 ngàn bộ đội đến Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Trong khi đó bộ công an cũng tăng cường hơn 5 ngàn công an đến Sài Gòn.
Các cuộc điều quân này đều lấy danh nghĩa là giúp chống dịch tại miền Nam, nhưng theo nhận định của dư luận, mục đích chính yếu là nhằm đề phòng người dân nổi loạn sau nhiều tháng bị phong tỏa và giới nghiêm.
Trước đó tại tỉnh Bình Dương, rất nhiều khu cách ly đã bị người dân giận dữ đốt phá vì điều kiện sinh sống rất tồi tệ trong các khu vực này.
Tại cuộc họp vào hôm thứ Hai ngày 6/9, bộ công an cho biết vừa tăng cường thêm 900 công an đến ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong khi đó bộ quốc phòng cho biết là trong thời gian tới, các binh sĩ sẽ tiếp tục tăng viện cho các chốt kiểm soát.
Trong khi đó, tại Sài Gòn, giới shipper, tức là những người phân phát hàng hóa, cho biết là họ không thể làm việc vì các trạm y tế lưu động đã ngưng xét nghiệm miễn phí cho họ, mặc dù nhà cầm quyền thành Hồ vào hôm thứ Hai ngày 6/9 tuyên bố là giới shipper sẽ được xét nghiệm miễn phí mỗi ngày cho đến ngày 15/9. Điều này cho thấy thêm tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc chống dịch.
Bảo Trân: Thưa anh HD, việc đại biểu quốc hội VN chỉ trích chiến lược chống dịch của Hà Nội là sao anh?
Hướng Dương: Theo tôi được biết với thái độ giận dữ, ông Lưu Bình Nhưỡng, phó ban dân nguyện quốc hội VN, tuyên bố là nhà cầm quyền Hà Nội đã có ý tưởng “hoang đường” khi đề ra mục tiêu xét nghiệm toàn bộ cư dân thành phố trong vòng một tuần.
Lời phê phán nặng nề nói trên được ông Nhưỡng đưa ra trong cuộc phỏng vấn của tờ báo Nhà báo & Công luận vào hôm qua, chỉ một ngày sau khi nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra quyết định xét nghiệm toàn thành phố từ ngày 6/9 đến ngày 12/9 với việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện vài lần trong tuần.
Theo kế hoạch này, lực lượng xét nghiệm sẽ cấp tốc quét qua các khu vực một vài lần nhằm tìm được toàn bộ những người nhiễm dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, cách chống dịch này của Hà Nội có vẻ giống như “đuổi theo các bóng ma”, chỉ tạo thêm hỗn loạn trong xã hội và tăng thêm sự bất mãn của dân chúng về cung cách chống dịch của VN.
Bảo Trân: Trong một diễn biến khác, hôm thứ Năm 9/9, viện kiểm sát huyện Thới Lai – Cần Thơ đã công bố bản cáo trạng truy tố 5 thành viên nhóm Báo Sạch, nội dung cáo buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để bôi nhọ chế độ”. Anh vui lòng nhắc lại việc này để quý thính giả của đài DLSN được tường tận hơn?
Hướng Dương: Vâng thưa chị cùng quý thính giả đài DLSN!
Theo cáo trạng, nhóm Báo Sạch đã loan tải các thông tin mà nhà cầm quyền CSVN cho là có tính “phản động”, “có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc và phỉ báng nhà nước”. Cáo trạng cũng buộc tội ông Trương Châu Hữu Danh, người sáng lập tờ Báo Sạch, là đã lôi kéo các thành viên tham gia tờ báo để “bôi nhọ và phỉ báng các cấp địa phương”. Cáo trạng cũng chụp mũ nhóm Báo Sạch đã nhận tiền của giới doanh nghiệp để viết phóng sự.
Năm thành viên sẽ bị truy tố là các ông Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo và Lê Thế Thắng. Hiện chỉ có ông Lê Thế Thắng là được tại ngoại hầu tra, 4 người còn lại đều bị giam giữ. Được biết là rất nhiều tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế đã lên tiếng kêu gọi bạo quyền VN phải trả tự do vô điều kiện cho nhóm Báo Sạch với lý do là họ không hề “lợi dụng bất cứ thứ gì” mà chỉ hành xử quyền tự do ngôn luận để bày tỏ các ý kiến trái ngược với chế độ.
Bảo Trân: Thưa anh HD, việc người dân Sài Gòn tố cáo các quan chức ăn chận tiền cứu trợ của người dân là sao anh?
Hướng Dương: Được biêt nhiều quan chức tại Sài Gòn vào hôm qua đã lên tiếng thừa nhận sai lầm sau khi hàng trăm người dân phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân – Sài Gòn, ồ ạt tố cáo các quan chức của phường có hành vi “ăn chận” tiền cứu trợ đại dịch.
Theo tố cáo của người dân, khi lên trụ sở phường để nhận cứu trợ, họ được phát 15 ký gạo nhưng trong giấy ký tên là đã nhận 1 triệu rười đồng tiền mặt. Nếu mỗi ký gạo có giá cao nhất là 20 ngàn đồng, điều này có nghĩa là họ bị “ăn chận” hơn 1 triệu đồng tiền cứu trợ.
Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, nhà cầm quyền phường Bình Hưng Hòa và quận Bình Tân đã lên tiếng xin lỗi. Một cư dân cho biết là sau 3 tháng bị phong tỏa, hàng trăm gia đình trong phường đã vô cùng thiếu thốn thực phẩm và rau xanh. Rất nhiều người lớn đã phải nhịn ăn để nhường số thực phẩm ít ỏi trong nhà cho lũ trẻ.
Cùng với diễn biến nói trên, một nhật báo lớn của nước Anh đã có bài phóng sự về nhiều thảm cảnh đói khát của dân nghèo VN tại một số đô thị bị phong tỏa nghiêm ngặt ở miền nam. Để bảo vệ tính mạng cho họ, nhật báo The Guardian đã dùng các tên giả khi mô tả hoàn cảnh của các nạn nhân.
Tờ báo mỉa mai là từng được xưng tụng là nước thành công chống dịch vào năm ngoái, nhưng các biện pháp chống dịch quá đáng trong thời gian qua đã đẩy hàng chục ngàn vào cảnh thiếu ăn vì không thể ra đường đi mua thức ăn suốt 3 tháng qua.
No comments:
Post a Comment