Sunday, December 1, 2019

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, rất nhiều người yêu nước đã tham gia kháng chiến giành độc lập cho nước nhà. Một người xuất thân trong chốn nhung lụa, nhưng cả đời tận hiến cho sự nghiệp cứu nước thoát vòng Pháp thuộc. Ông bôn ba khắp bể Á trời Âu, tuy việc không thành, nhưng lòng không ân hận khi chọn con đường này.
… Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Kỳ Ngoại Hầu Cường Để” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.


Việt Thái
Cháu năm đời, Nguyễn Phúc Dân,
Tước hầu Kỳ ngoại, văn thân trọng vì.
Thanh niên sùng bái Hàm Nghi,
Cần vương sĩ tử chỉ huy phong trào.
Đó là 4 câu khen Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong Cận đại Việt sử diễn ca.

Cường Để tên là Nguyễn Phúc Đan, sinh ngày 11 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (1882) tại Huế, vào thời vua Tự Đức, cha là Hàm Hóa Hương công Tăng Du. Ông là cháu đích tôn của hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, được phong tước hầu nên người đời gọi ông là Kỳ Ngoại Hầu Cường Để.
Ông chuyên tâm nghiên cứu lịch sử nước Việt và Trung Hoa, tỏ lòng hâm mộ với những tấm gương của những bậc anh hùng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo của nước Việt, gương Trương Lương, Gia Cát Lượng bên Tàu, Nam Mộc Chính Thành (Kusunoki Masashige), Phong Thần Tú Cát (Toyotomi Hideyoshi) của Nhật, hay Bismarck của Phổ, Washington, Lincoln của Hoa Kỳ. Và nhờ vào tấm lòng yêu nước, ông được Phan Bội Châu và Nguyễn Hàm đưa lên làm Hội trưởng Hội Duy Tân.
Đầu năm 1906, ông trốn qua Nhật cùng với cụ Phan Bội Châu vận động cho phong trào Đông Du. Ông vào học trường Waseda tại Nhật, ông xin Nhật viện trợ vũ khí để chống Pháp nhưng việc không thành.
Năm 1910, Nhật muốn vay 300 triệu tiền Pháp nên chấp nhận yêu sách của Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam về nước, ông phải rời Nhật lưu lạc sang Xiêm, Âu Châu và Trung Hoa.
Năm 1912, ông làm Hội trưởng Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Châu, đến khi Đệ nhất Thế chiến bùng nổ, ông trở sang Nhật tổ chức Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội với sự hỗ trợ của một số chính khách Nhật. Nhưng về sau ông thất vọng, vì Nhật không thật tình giúp Việt Nam giành độc lập, mà chỉ muốn tranh dành ảnh hưởng với các cường quốc Tây phương tại Á Đông.
Vào năm 1940, tại Việt Nam có nhiều người đứng lên tranh đấu giành độc lập cho dân tộc, sáng lập và hình thành phong trào Cường Để, những người yêu nước này gồm: Thượng thư bộ Lại Ngô Đình Diệm, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Di, kỹ sư Vũ Văn An.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp thành công tại Đông Dương, nhưng không đưa ông lên nắm chính quyền, nên phong trào Đông Du suy tàn.
Năm 1951, ông qua đời tại Tokyo, Nhật Bản, vì ung thư gan, hưởng thọ 69 tuổi. Tên ông được đặt cho trường học và đường phố tại Việt Nam.
*****
Có thể nói, ít có người Việt nào không biết đến cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để… những chí sĩ trọn đời cống hiến tâm huyết cho cuộc kháng chiến chống Pháp và dựng lại nền tự chủ cho dân tộc. Mười lăm năm cuối đời, cụ Phan Bội Châu vẫn giữ tròn phẩm cách và không ngừng động viên tinh thần yêu nước bằng văn thơ. Còn cụ Phan Chu Trinh năm cuối đời, tuy bị bệnh nhưng Cụ cố gắng diễn thuyết thêm 2 đề tài “Ðạo đức và luân lý Đông Tây”, “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”. Hai bài này có tác động lớn đến thế hệ trẻ tại Sài Gòn sau chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” mà cụ đã đề ra. Riêng cụ Cường Để, thay vì hưởng thụ đời sống nhung lụa, cụ phải bôn ba khắp bể Á trời Âu, tận hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cứu nước thoát vòng lệ thuộc ngoại bang.
Nhưng do vận mệnh đất nước điêu linh, khiến các cụ không đạt thành tâm nguyện, nhưng người Việt khắp nơi đều công nhận rằng, các cụ là những tinh hoa của đất nước, đã chứng minh cho thế giới thấy dân tộc Việt không hèn yếu và nhu nhược. Những việc làm của các cụ xứng đáng được giới trẻ noi gương, tranh đấu bằng tinh thần bất khuất và truyền thống chống ngoại xâm.
Các cụ có tinh thần ái quốc nên luôn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, không bao giờ khuất phục bạo lực và cường quyền. Điều an ủi là tên tuổi của các cụ đã đi vào lịch sử và trong lòng con dân Việt của hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau!
Là con cháu của một bậc tiền bối có tài năng lỗi lạc như các cụ, chúng ta có thể khoanh tay làm ngơ, đứng nhìn Việt Nam đang lún sâu vào vũng lầy suy thoái và sẽ phải trở thành một quận huyện của Tàu cộng hay không?
Câu trả lời xin dành cho những người Việt còn tha thiết đến vận mệnh của đất nước và hạnh phúc của toàn dân!

No comments:

Post a Comment